HÌNH ẢNH ÐẸP

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Tôn giáo - tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Quan hệ gia đình của người Cần Thơ
Ngày đăng: 15/12/2005

Lượt xem:


Quan hệ gia đình người Việt ở Cần Thơ vốn theo truyền thống chế độ phụ hệ, nhưng mức độ quyền hành và đối xử bình đẳng giữa cha với mẹ và con có khác so với miền Bắc và miền Trung. Người chồng người cha trong gia đình bao giờ cũng giữ vai trò trụ cột, có tiếng nói quyết định trong mọi sinh hoạt, từ lao động sản xuất, làm kinh tế cho đến giáo dục con cái, sắp xếp tôn ti trật tự, lễ nghi... Kế người cha là người con trai thứ hai “quyền huynh thế phụ”, có quyền điều khiển, cắt đặt công việc, dạy d...

Quan hệ gia đình người Việt ở Cần Thơ vốn theo truyền thống chế độ phụ hệ, nhưng mức độ quyền hành và đối xử bình đẳng giữa cha với mẹ và con có khác so với miền Bắc và miền Trung.

Người chồng người cha trong gia đình bao giờ cũng giữ vai trò trụ cột, có tiếng nói quyết định trong mọi sinh hoạt, từ lao động sản xuất, làm kinh tế cho đến giáo dục con cái, sắp xếp tôn ti trật tự, lễ nghi... Kế người cha là người con trai thứ hai “quyền huynh thế phụ”, có quyền điều khiển, cắt đặt công việc, dạy dỗ em út khi người cha vắng mặt.

Tuy vậy, vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình ở Cần Thơ cũng được tôn trọng đúng mức. Ngày xưa, người đàn bà chỉ đảm trách việc nội trợ trong nhà, ít chịu tham gia công việc xã hội. Nhưng khi có việc quan trọng, người chồng, người con trai thứ hai vẫn phải trao đổi, bàn bạc, dân chủ, bình đẳng với mẹ, với vợ, em út rồi mới quyết định. “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn", “con hơn cha là nhà có phước”... là tình cảm chân thành tôn trọng vợ con của người đàn ông.

Thói quen phổ biến của người đàn ông là không giữ tài sản, tiền bạc trong mình. Có bao nhiêu cứ giao cho vợ và để bà cân nhắc tính toán việc chi tiêu. Khi cần xài thì nói, vợ sẵn sàng đưa, không dè xẻn.

Gia đình ở Cần Thơ vẫn còn giữ được truyền thống đoàn tụ, liên kết chặt chẽ, thương yêu đùm bọc nhau, theo tôn ti trật tự rõ ràng. Mãi đến nay, nhất là ở nông thôn, vẫn còn nhiều gia dình cùng tồn tại cả 3 hoặc 4 thế hệ chung sống trong một ngôi nhà hoặc một cụm nhà trong khuôn viên, bao gồm ông bà, cha mẹ, con dâu rể, cháu nội ngoại, chít nội ngoại...

Gia đình là một tổ chức rất chặt chẽ về huyết thống và tình cảm thiêng liêng, được cấu tạo do nhiều yếu tố thành viên góp lại. Nhưng yếu tố ban đầu và quyết định là vợ và chồng. Khi con người lớn lên, đã đủ tuổi trưởng thành, làm ăn khá giả, có tài sản và nhà cửa riêng nhưng vẫn còn sống đơn lẻ thì vẫn chưa đủ yếu tố để gọi gia đình. Cho nên người Cần Thơ có thói quen khi hỏi việc vợ chồng của ai đó, thường dùng câu: “Anh (chị) có gia đình chưa?”.

Về cách xưng hô, tên gọi các thứ bậc trong gia đình ở Cần Thơ cũng có một số khác biệt đối với các vùng trong nước. Thông thường vợ chồng xưng hô bằng “anh” và “em”, có người gọi bằng “mình” hoặc “ông – bà”. Khi đã nhiều tuổi, có con cháu, vợ chồng thường dùng cách lấy tên đứa con trưởng hoặc con út để gọi kèm với tiếng ba và má một cách âu yếm yêu thương, như: “ba thằng X. nó", “má con Y nó”...

Con cái thường gọi cha mẹ là ba - má. Có nơi gọi ba - mẹ hoặc tía - má hay tía - vú, nhưng chỉ số ít. Các cháu chít thường gọi chung các bậc trên cha mẹ là ông và bà kèm theo với cấp “cố” hoặc “sơ” chớ không dùng tiếng cụ. Cha mẹ của cha là ông bà nội. Cha mẹ của mẹ là ông bà ngoại. Anh của cha là bác. Em trai của cha là chú. Chị, em gái của cha là các cô. Vợ của bác là bác gái, vợ của chú là thím. Anh, em trai của mẹ là các cậu. Vợ của cậu là mợ. Chị em gái của mẹ là các dì và chồng của dì là dượng... Các thành phần trên đều được xem là người trong thân tộc họ hàng, có nghĩa vụ thương yêu dùm bọc lẫn nhau khác với người ngoài. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” là vậy.

Về pháp lý, người nào đứng tên chủ hộ là chủ gia đình, có quyền quyết định mọi việc đối với xã hội. Nhưng về mặt đạo nghĩa thì ông bà, cha mẹ là bậc có quyền tối thượng trong nội bộ. Đó là những người có công sinh thành, giáo dục các thế hệ trong gia tộc. Con cháu, không những phải đối xử bằng tấm lòng quí trọng yêu thương mà còn có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng và thành khẩn lắng nghe ý kiến chỉ dạy của ông bà, cha mẹ. “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Câu ca dao muôn thuở vẫn mãi còn thường xuyên nhắc nhở mọi người nghĩ về công ơn cha mẹ và nghĩa vụ của mình.

Người bà, người mẹ, tuy không giữ vai trò quyết định trong gia đình, nhưng đối với việc cưu mang, sinh đẻ nuôi nấng, dạy dỗ cho con cháu thì hết sức quan trọng, mang tính chất sống còn. Câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” không phải chỉ nhằm đổ lỗi mà chủ yếu là đề cao trách nhiệm nặng nề của người đàn bà đối với con cháu trong gia đình. Bằng kiến thức học hỏi, bằng kinh nghiệm bản thân, người bà, người mẹ đã biết cách nuôi dạy con ngay từ lúc còn trong bào thai. Khi đứa bé lớn lên, có những việc không thể tâm tình, học hỏi ở người ông, người cha mà chỉ học được ở bà, ở mẹ.

Những việc thông thường trong cuộc sống như: ăn, ngủ, mặc, dáng đi đứng, cử chỉ nói cười, cung cách lễ độ phép đối xử với mọi người, cách chọn bạn giao du, chọn nghề, chọn việc và những kỹ xảo khéo tay trong gia đình... hầu hết đều cho người đàn bà truyền thụ. Chính từ những việc xem chừng như vặt vãnh đó mà người bà, người mẹ đã hun đúc rèn luyện, tạo nên một nhân cách căn bản cho con cháu khi ra đời.

Tình yêu thương của ông, bà hay cha, mẹ dành cho con cháu cũng đều sâu đậm như nhau. Nhưng do đặc điểm giới tính của người phụ nữ là dịu dàng, thùy mị, thích chiều chuộng, âu yếm ngọt ngào nên những đứa con cháu thường hay “nhõng nhẽo” với bà và mẹ hơn.

Ngày nay, trong mặt trái của nền kinh tế thị trường, với lối sống công nghiệp hiện đại, đã nảy sinh một số vấn đề về đạo đức trong gia đình. Tuy nhiên việc thương yêu quí trọng ông bà, cha mẹ trong quan hệ gia đình của người Cần Thơ vẫn còn được xem là đạo đức phổ biến cần được trân trọng.



f44a6ed6-c956-40fe-881a-e23ca0088e89

Tiêu đề bài viết: Quan hệ gia đình của người Cần Thơ. Nội dung như sau: . Theo tác giả: .

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang