HÌNH ẢNH ÐẸP

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Tôn giáo - tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Tìm hiểu đôi nét về thờ Thành hoàng trong các ngôi đình ở Cần Thơ
Ngày đăng: 13/02/2012

Lượt xem:


Trong các ngôi đình ở Cần Thơ đều thờ Thành hoàng. Theo quan niệm dân gian, Thành hoàng là vị thần cai quản, che chở, định đoạt phúc họa cho một cộng đồng người sống trong làng xã.

Ngày xưa tại mỗi địa phương, triều đình đã lập miếu thờ thần sơn xuyên ấy để làm chủ tế. Sau này những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước, thì triều đình cho dân thờ. Làng nào có sẵn người anh hùng hào kiệt mất đi rồi thì thờ ngay người ấy, làng nào không có thì cầu lấy một vị thần linh rước về thờ. Có nơi thì nhân việc mộng mị, hay sự kiện nào tin là một sự linh dị mà thờ. Hoặc nơi thì vì một sự ngẫu nhiên, cho là thiêng liêng mà xin thờ.


“Tổng chi là dân ta tin rằng: Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, cảnh thổ nào phải có Thần Hoàng ấy, vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc thờ thần một thịnh”.(1)


“Sự thờ phụng Thành hoàng tượng trưng cho làng xã và sự trường tồn của thôn ấp. Thành hoàng là biểu hiện của lịch sử, phong tục, đạo đức, pháp luật cùng hy vọng của cả làng; đồng thời là một thứ quyền uy siêu việt, một mối liên lạc vô hình, khiến cho làng xóm trở thành một cộng đồng có tổ chức chặt chẽ”(2).


Thành hoàng được vua phong là những vị thần có tên tuổi rõ ràng, có công trạng với triều đình, làm được những điều ích nước lợi dân, sau khi mất được dân tôn thờ và được triều đình sắc phong. Hoặc là những người lúc sinh tiền có công khẩn đất lập làng, là những vị anh hùng của làng xã sau khi mất cũng được phong là Thành hoàng làng.


Trong các ngôi đình ở Cần Thơ, phần nhiều các vị Thành hoàng được thờ là những vị thần trong ý niệm chứ không có nguồn gốc cụ thể. Nhà vua ban sắc “Bổn cảnh Thành hoàng” có nghĩa là xem vị thần này như là một “viên chức” được ủy quyền, với danh hiệu “Bảo an chính trực Hựu thiện Đôn ngưng chi thần” hoặc “Quảng hậu chính trực Hựu thiện Đôn ngưng chi thần”, chứ không phải là con người bằng xương, bằng thịt. Các vị Thành Hoàng được thờ trong các ngôi đình ở Cần Thơ phần lớn không có lai lịch hoặc thần tích cụ thể. Chức vụ “Bổn cảnh Thành hoàng” được vua phong là vị quan khuất mặt. “Bổn cảnh” là khu vực này đây. “Thành” là tường bao quanh đô thị; “Hoàng” là cái hào bao quanh tường. Tóm lại, Thành hoàng là vị thần cai quản khu vực trong kinh thành. Lúc đầu, thần ngự trị tại nơi thị tứ, sau về thôn xóm ngự trị. Điều này thấy rõ qua một số sắc phong của các ngôi đình ở Cần Thơ.


Ví dụ sắc phong ở đình Thuận Hưng, quận Thốt Nốt:


Phiên âm:

“Sắc bổn cảnh thần hoàng chi thần. Nguyên tặng Quảng hậu chánh trực hựu thiện chi thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng tứ kim phi ưng cảnh mạng miến niệm thần hưu khả gia tặng Quảng hậu chánh trực hựu thiện đôn ngưng chi thần.

Nhưng chuẩn Tây Xuyên huyện Tân Thuận Đông thôn y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai.

Tự Đức ngũ niên thập nhất nguyệt nhị thập cửu nhật.

Lễ bộ cung lục.

Tân Thuận Đông thôn.

Tuân chiếu phụng sự”.


Dịch nghĩa:

“Sắc phong thần Bổn cảnh Thành Hoàng, nguyên tặng thần Quảng Hậu chánh trực hựu thiện đã có công giúp nước phò dân đã lâu linh ứng. Nay trẫm mang mạng lớn, luôn nghĩ đến sự tốt đẹp của thần nên phong tặng thần thật sự là Quảng hậu chánh trực hựu thiện.

Vậy thôn Tân Thuận Đông, huyện Tây Xuyên chuẩn y như cũ phụng sự thần và thần cũng phải bảo vệ che chở cho đám dân đen của ta. Kính

Ngày 29 tháng 11, Tự Đức năm thứ năm (8.1.1853)

Lễ bộ cung lục

Thôn Tân Thuận Đông theo chiếu thờ cúng”(3).


Sắc phong ở đình Bình Thủy, quận Bình Thủy:


Phiên âm:

“Sắc bổn cảnh thần hoàng chi thần. Nguyên tặng Quảng hậu chánh trực hựu thiện chi thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng tứ kim phi ưng cảnh mạng miến niệm thần hưu khả gia tặng Quảng hậu chánh trực hựu thiện đôn ngưng chi thần.

Nhưng chuẩn Phong Phú huyện Bình Thủy thôn y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai.

Tự Đức ngũ niên thập nhất nguyệt nhị thập cửu nhật.


Dịch nghĩa:

Sắc phong cho Thần là Bổn Cảnh Thành Hoàng với sự rộng rãi Quảng hậu Chánh trực của Thần, phù hộ quốc gia, bảo vệ dân chúng, xưa nay đáp ứng rõ ràng.

Sắc lệnh từ xa xôi, nghĩ đến Thần với sự thành tựu phục thiện tốt của thần phong chức cho thần là “Chính trực” chuẩn chấp huyện Phong Phú, làng Bình Thủy.

Thần lãnh trách nhiệm y như cũ, săn sóc và giúp đỡ dân chúng của ta.

Tự Đức năm thứ năm ngày 29 tháng 11” (4).


Sắc phong ở đình Thới Bình - Tân An, quận Ninh Kiều:


Phiên âm:

“Sắc bổn cảnh thần hoàng chi thần. Nguyên tặng Quảng hậu chánh trực hựu thiện chi thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng tứ kim phi ưng cảnh mạng miến niệm thần hưu khả gia tặng Quảng hậu chánh trực hựu thiện đôn ngưng chi thần.

Nhưng chuẩn Phong Phú huyện Tân An thôn y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai.

Tự Đức ngũ niên thập nhất nguyệt nhị thập cửu nhật”.


Dịch nghĩa:

“Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng làm Thần, vốn cho rộng dài ngay thẳng giúp đỡ việc lành chi Thần, giữ nước giúp dân, hiểu thông rõ cả, hiển linh đáp lại, tóm hết vâng chịu sáng rõ sự sống của người, xem xét gần xa, biến họa chở che, nên thêm cho rộng dài ngay thẳng giúp lành trao chuộng gắn chặt của thần.

Định chắc nơi

Phong Phú huyện Tân An thôn, nương theo lệ cũ phụng sự thờ Thần cùng giúp giữ dân đen ta.

Kính thay

Tự Đức năm thứ năm ngày 29 tháng 11” (5).


Chúng ta thấy, mặc dù ba sắc thần được phong ở ba địa phương khác nhau nhưng nội dung hoàn toàn giống nhau, chỉ khác nhau tên thôn và huyện. Điều này càng thêm khẳng định: các vị thần được thờ trong các ngôi đình ở Cần Thơ phần lớn đều là Nhiên thần, những vị thần “hữu danh vô thực”, chỉ mang tính chất ý niệm mà thôi.


Đối với người dân, thần là đấng bảo hộ, mà sắc thần là biểu trưng cho quyền uy của nhà vua, do đó duy trì việc thờ thần, tổ chức lễ hội ở đình không chỉ là biểu hiện của cuộc sống tâm linh, bảo vệ văn hóa dân tộc mà còn là sự hoài niệm về quốc vương thủy thổ mỗi khi đất nước lâm nguy. Tâm thức kính trọng thần Thành hoàng như một biểu tượng thiêng liêng đã dẫn đến việc có một số ngôi đình thờ thần được “dân phong”. Những thần được “dân phong” phần lớn là những anh hùng kháng Pháp, những người hiến đất xây đình, có công với làng xã, mà có một số người dân mặc nhiên xem họ là Thành hoàng của làng mình. Như: đình Bình Thủy thờ ông Đinh Công Chánh, đình Thới Bình - Tân An thờ ông Nguyễn Thành Trưng. Ông Nguyễn Thành Trưng nguyên là Đốc hạt của Cần Thơ. Đất đai của ông rộng hàng ngàn mẫu. Sau khi mất ông làm di chúc để lại một phần lớn cho đình để đình có nguồn thu huê lợi và để xây cất đình cho rộng hơn. Ông Đinh Công Chánh được thờ tại đình Bình Thủy là vì theo truyền thuyết, vào năm Quý Sửu ngày 15 tháng 8 năm 1913, ở tại làng Long Tuyền dịch khí nổi lên và tràn lan, dân trong làng rất bối rối, không phương cứu chữa. Một số nhân sĩ trong làng lập đàn tràng thỉnh chư nho đến cầu cơ xin thuốc cho đồng bào trị bệnh thời khí. Đinh Công Chánh tôn thần giáng cơ cho thuốc cứu người mắc bệnh thời khí thần hiệu, sẵn dịp ra cuốn “Hiếu Để Liêm Tiết” khuyên đời. Dân trong làng làm bài vị thờ ông tại đình từ năm 1913.


Một số ngôi đình ở Cần Thơ còn thờ các nhân vật lịch sử như đình Thường Thạnh thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực, đình Bình Thủy thờ Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Hưng Đạo, Bùi Hữu Nghĩa, Võ Duy Tập… cũng không ngoài ý nghĩa tinh thần, bảo trợ cho cuộc sống của nhân dân.


Đình làng thờ những ai có công với làng, với nước, thờ những ai bảo trợ cho cuộc sống của dân làng, nên việc “đưa những nhân vật lịch sử vào thế giới thần linh để phụng thờ, để mong nhận được sự bảo trợ của các vị này, từ cõi thiêng liêng của làng”(6) cũng không ngoài ý nghĩa đó.


Đối với người dân Cần Thơ nói riêng, dân Nam bộ nói chung, Thành hoàng chẳng qua cũng chỉ là một ông thần, ông ở đâu đó trên cõi thiêng của làng, nhưng sự hiện diện của ông là sắc của nhà vua phong cất trong khám thờ. Thờ cúng Thành hoàng là để cho dân làng được bình yên, làm ăn phát đạt. Họ biết ơn và sự thờ cúng như một sự trả nghĩa. Nhưng, ngoài vị thần này, nhân dân còn thờ các vị có công với làng, như Tiền hiền, Hậu hiền, các vị có công với làng nước. Tuy nhiên, trong tâm thức của nhân dân, Thành hoàng vẫn là vị thần có bậc cao nhất trong làng cho nên các vị thần khác dù có hiển linh cách mấy vẫn phải đưa về đình làng để được tế chung.


Trong các ngôi đình, ngai thờ Thành hoàng được đặt ở gian chính điện, ngay chính giữa. Hai bên tả hữu là bàn thờ Tả ban và Hữu ban. Phía trước có hai hàng binh khí hai bên. Trong ngai thờ có chữ “thần” bằng chữ Hán thật to tôn thêm vẻ uy nghiêm thiêng liêng của ngôi đình. Nơi đây cũng là nơi để sắc thần. Sắc thần để trong cái trấp (cái trấp đóng như cái rương bằng cây huỳnh đàn, bề dài khoảng 5 tấc, vuông 1 tấc rưỡi). Sắc thần cuộn tròn lại, bọc ngoài bằng khăn nhiễu điều, để vào trấp khóa lại. Dưới trấp đóng một cái bàn nhỏ chân quì để thờ. “Sắc thần là một tờ giấy súc khá tốt, dai, khổ giấy từ 1m20 đến 1m50 với chiều dài, từ 0,50m đến 0,60m với chiều rộng, dày, màu vàng. Mặt giấy có in nền chìm bằng dụ ngân hình rồng ẩn trong mây, chung quanh có khung hồi văn chữ vạn, nên gọi long đằng chỉ (giấy hình rồng dùng để sao chép), hoặc chữ đinh hay hoa lá dây chéo nhau. Mỗi sắc thần thường có từ 5 đến 11 hàng dọc, chép từ phải qua trái. Dòng cuối cùng đề niên hiệu, tháng, ngày cấp sắc. Ấn vàng của nhà vua dùng son phụng màu đỏ đóng lên hàng chữ đề niên hiệu, ngay giữa dòng chữ này, kể từ chữ (niên) trở xuống, ấn hình vuông, có bốn chữ viết theo lối triện là Sắc Mệnh Chi Bửu” (7).


Trong thiết chế văn hóa của làng, đình là cơ sở tín ngưỡng có tính chất chính thống. Thành Hoàng của làng được vua phong sắc là việc quan trọng vì sắc thần được coi là sự công nhận chính thức của nhà nước về vị Thần hoàng và chính đó cũng là sự công nhận sự hợp pháp của làng xã.

...................


(1) Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục. NXB TP. Hồ Chí Minh - 1999. Tr.62

(2) Nhiều tác giả, Hỏi và đáp về văn hóa Việt Nam. NXB Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội - 1998. Tr.128.

(3) Bản dịch của ông Trương Quốc Thái.

(4) Bản dịch của ông Nguyễn Tứ Duy.

(5) Bản dịch ở đình Thới Bình - Tân An.

(6) Nguyễn Phương Thảo, Văn hóa dân gian Nam bộ những phác thảo. NXB Giáo Dục - 1997. Tr.177 -178.

(7) Nguyễn Phương Thảo. Sđd. Tr.167.


Nguồn: Báo Cần Thơ


41ded99a-fb25-4f5a-bc0d-8f8e85d6fbbf

Tiêu đề bài viết: Tìm hiểu đôi nét về thờ Thành hoàng trong các ngôi đình ở Cần Thơ. Nội dung như sau: . Theo tác giả:

Nguồn: Báo Cần Thơ

.

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang