Quốc gia


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Kế hoạch Triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020
Ngày đăng: 29/06/2012

Lượt xem:


I. ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ, MỤC TIÊU CHUNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011 – 2020:


1. Về định hướng: 

Phát triển Nông nghiệp thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, tạo giống, các loại hình dịch vụ kỹ thuật, chú trọng dịch vụ giống nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững gắn với xây dựng nông thôn phát triển toàn diện góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tăng nguồn hàng hóa xuất khẩu, phục vụ tiêu dùng nội địa.


Xây dựng và củng cố liên minh giai cấp công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, có trình độ, bản lĩnh chính trị để làm chủ nông thôn mới, đời sống vật chất tinh thần ngày được nâng lên, tạo nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội vững chắc, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố.  


Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế phù hợp với quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố, xã hội nông thôn ổn định, môi trường sinh thái được bảo vệ, dân trí được nâng cao. 


2. Nhiệm vụ chung:

Phấn đấu nâng cao giá trị và phát triển sản xuất nông, lâm, thuỷ sản theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, góp phần đưa nền kinh tế thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp – thương mại dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao.


Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình dự án nông nghiệp; đầu tư các trạm, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp; phát triển dịch vụ giống cây, con trong nông nghiệp và gắn liền với tiến trình đô thị hóa của thành phố Cần Thơ.


Đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội vùng nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện mức sống và điều kiện sống dân cư nông thôn.


Quan tâm đào tạo, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng và hiệu quả nhằm đáp ứng nhiệm vụ mới.


3. Chỉ tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 bình quân tăng 2,7%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 2,5%/năm.

Đến năm 2020, nông lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 3,3% GDP của thành phố. 

Tỉ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến năm 2015 đạt 27,5% (10/36 xã), đến năm 2020 đạt 60-70%.


II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC CÔNG TÁC CỤ THỂ:

1. Về xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sinh thái theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp chế biến và ngành nghề ở nông thôn


Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu và công nghiệp hóa, hiện đại hoá ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, gắn sản xuất với chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển giống cây, giống con chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cho khu vực.


Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn kết hợp với dịch vụ phục vụ nhu cầu du lịch, giải trí, các loại hình tổ chức sản xuất hiện đại, tập trung có quy mô lớn (kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, làng nghề…), nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao (chăn nuôi, sản xuất rau an toàn, hoa cây cảnh, cá cảnh,…). 


Cụ thể trong từng lĩnh vực:


*  Về trồng trọt:

Tiếp tục đầu tư chiều sâu, phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ cao, đổi mới giống cây trồng vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất để góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, bảo đảm tiêu dùng cho người dân và gia tăng lượng nông sản hàng hóa xuất khẩu. Xây dựng thương hiệu nông sản cho các sản phẩm chủ lực của thành phố: lúa, cá, cây ăn trái.


Tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế tập thể để xây dựng vùng sản xuất tập trung, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa tạo cơ sở vững chắc cho việc sản xuất có kế hoạch và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng.


Cây lúa: giữ sản lượng lúa xấp xỉ 1 triệu tấn vào năm 2020, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao, đặc sản trên 90% sản lượng lúa cả năm. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu sản xuất giống, mở rộng diện tích sản xuất lúa giống, hoàn chỉnh các vùng lúa chất lượng cao. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, Cánh đồng mẫu lớn hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa chất lượng cao. Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tăng thu nhập bình quân/ha, tăng tỷ lệ thu nhập cho nông dân. 


Rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày: Chuyển dịch hợp lý cơ cấu rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng gia tăng diện tích, năng suất, sản lượng. Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, có nhãn hiệu theo quy hoạch.


Cây ăn trái: tập trung phát triển những loại cây có giá trị kinh tế cao và mang tính đặc trưng của vùng như cam mật, bưởi Năm roi, dâu Hạ châu, xoài Sông Hậu(cát Hòa Lộc)…áp dụng quy trình VietGAP trong thâm canh cây ăn trái, đồng thời xây dựng mô hình liên kết vùng khai thác dịch vụ du lịch sinh thái.

Phát triển cây trồng mới (rau cao cấp, hoa cảnh …) ở khu vực ven đô theo mô hình nông nghiệp đô thị.


*  Về chăn nuôi: 

Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm áp dụng công nghệ cao và theo quy hoạch. Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo điều kiện phát triển các cơ sở mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại, các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa.


Tiếp tục xây dựng mạng lưới thú y cơ sở vững mạnh; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh thú y, chẩn đoán và phát hiện sớm dịch bệnh, khoanh vùng dập dịch không để lây lan diện rộng. 


Phát triển mô hình nuôi nông nghiệp đô thị các loài động vật đặc trưng Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc sản của Việt Nam.


* Về Thủy sản: 

Xây dựng các chương trình dự án cụ thể hóa quy hoạch thủy sản; xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn SQF 1000CM,  theo hướng GAP, theo tiêu chuẩn an tòan vệ sinh thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Củng cố, xây dựng hệ thống sản xuất các giống cá truyền thống có giá trị kinh tế, đặt biệt là cá tra chất lượng cao, phát triển hệ thống nhân giống mới các loại thủy sản chính của vùng và các loài đặc sản đặc trưng. Chỉ đạo tổ chức lại sản xuất cá tra theo hướng hình thành các tổ chức liên kết sản xuất để phát triển đúng theo quy hoạch, theo tiêu chuẩn quy định đảm bảo vệ sinh môi trường; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu.


Đầu tư hoàn thành Trung tâm giống thủy sản cấp 1 của thành phố song song với tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản.


Tăng cường quản lý tài nguyên nước, môi trường; quản lý, kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm, hóa phẩm và các vật tư khác, duy trì ổn định vùng nguyên liệu xuất khẩu. 


* Trồng cây phân tán: 

Tiếp tục phát động nhân dân trồng cây phân tán trên các trục lộ giao thông, tuyến đê bao, kênh mương, cụm, tuyến dân cư, công sở, trường học, nông trường, trạm, trại, các điểm tham quan du lịch,… nhằm tạo cảnh quan môi trường, bóng mát, chắn gió, bảo vệ công trình xây dựng và đê bao phục vụ sản xuất, dân sinh, kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng, hình thành những vùng xanh ổn định, nâng tỉ lệ xây xanh của thành phố.


2. Thực hiện quy hoạch sản xuất và phát triển nông thôn:


2.1 Công tác quy hoạch: 

Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành hữu quan, các đơn vị tư vấn lập và triển khai quy hoạch phát triển nông nghiệp-nông thôn gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. 


2.2 Thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao: 

Phối hợp với các Viện, trường, đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ lập và triển khai thực hiện các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Chương trình xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020.


2.3 Xây dựng,  triển khai thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch phát triển: chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.


3.  Công tác thủy lợi:

Tập trung phát huy mọi nguồn lực để tăng cường và hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu: phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, phòng chống sạt lỡ các sông, rạch và góp phần đổi mới kinh tế - xã hội nông thôn. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống công trình thủy lợi phục vụ ứng dụng công nghệ cao giai đoạn đến năm 2020, quan tâm đầu tư hệ thống trạm bơm điện cho vùng Bắc Cái Sắn.


Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, ngoài nguồn vốn ngân sách bố trí hàng năm, phấn đấu thực hiện tốt công tác “dân vận khéo” để thực hiện hiệu quả phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” trong đầu tư, quản lý và khai thác các công trình thủy lợi. 

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, điều kiện khí hậu, khí tượng thủy văn…để triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, ứng cứu kịp thời, có phương án đối phó với mọi tình huống bất trắc do bão lũ, khô hạn gây ra; phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện tốt quy hoạch phòng chống sạt lở bờ sông, rạch nhằm giảm thiểu thiệt hại.


4.  Công tác quản lý ngành:


4.1 Về xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn: 
Chủ động phối hợp với các sở, ngành, các địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ và tham mưu cho UBND Thành phố triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, theo nội dung Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp - nông thôn, phấn đấu đến năm 2015 có 10 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. 
Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn, khôi phục và phát triển các làng nghề, tạo nhiều việc làm tăng thu nhập cho nông dân và chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.
Huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo và mở rộng các hệ thống cấp nước tập trung; tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ kinh phí lắp đặt đồng hồ nước cho các hộ nghèo và gia đình chính sách. Đến năm 2015: 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 60-65% dân số nông thôn được cung cấp nước tập trung và 75% dân số được sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn QCVN 02-BYT, với số lượng ít nhất là 80 lít/người/ngày. Đến năm 2020: 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 80-85% dân số nông thôn được cung cấp nước tập trung và 75% dân số được sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn QCVN 02-BYT, với số lượng ít nhất là 120 lít/người/ngày.

Tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn: chương trình Heifer, dự án Khí sinh học, các Dự án khuyến nông, khuyến ngư thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong nông thôn.


4.2 Về khoa học, công nghệ và đào tạo: 
Thực hiện công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản hàng hóa đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ cao về giống cây con và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất theo hướng xây dựng nền nông nghiệp kỹ thuật cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; áp dụng đồng bộ quy trình hoàn chỉnh, từng bước nâng cao trình độ sản xuất của nông dân và hướng tới mục tiêu sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng, theo tiêu chuẩn (GAP) và có sức cạnh tranh cao. Xây dựng mô hình mẫu ở từng địa phương, chủ động phòng tránh dịch hại, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm cạnh tranh cả về kinh tế và kỹ thuật.
Đẩy mạnh xây dựng hệ thống giống 3 cấp theo hướng xã hội hóa, mở rộng quy mô, nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất giống cho từng vùng, từng địa phương với chất lượng theo quy chuẩn, quy định của nhà nước. 

Tổ chức triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao đông nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đào tạo cán bộ cho các HTX; nâng cao trình độ cán bộ thuộc các chuyên ngành kỹ thuật và quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngành và hội nhập. 


4.3 Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp:
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn các doanh nghiệp, nông dân các quy định mới về vệ sinh an tòan thực phẩm, yêu cầu về chất lượng, các rào cản kỹ thuật đối với hàng nông thủy sản của các nước nhập khẩu.

Triển khai công tác bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi, chế biến nông sản và nông thôn; tăng cường công tác kiểm soát ATVSTP, giám sát dư lượng các chất độc hại trong nông thủy sản; thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, phối hợp liên ngành tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, xây dựng hệ thống kiểm sóat hữu hiệu về VSATTP và chất lượng vật tư nông nghiệp.


4.4. Về công tác thị trường và hội nhập kinh tế: 
Tăng cường công tác thông tin thị trường và dự báo thị trường; hình thành hệ thống thông tin thị trường ở vùng chuyên canh sản xuất, tích cực cập nhật thông tin trên trang web của Ngành một cách hệ thống… để đáp ứng yêu cầu định hướng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nông dân; phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.
Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của nông dân về các yêu cầu của sản xuất nông nghiệp trong tiến trình hội nhập quốc tế, vấn đề cạnh tranh kỹ thuật của người sản xuất khi tham gia thị trường chung. 

Phối hợp Chương trình hợp tác, xúc tiến đầu tư của Thành phố để giới thiệu các dự án kêu gọi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nội dung các khu Nông nghiệp công nghệ cao.


4.5. Đổi mới tổ chức quản lý sản xuất: 
Tiếp tục theo dõi công tác đổi mới, sắp xếp nông trường của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, hỗ trợ xây dựng phương án chuyển đổi, sắp xếp Nông trường Sông Hậu.

Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, củng cố và nâng chất hoạt động của các tổ kinh tế hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại.  Hỗ trợ và tạo điều kiện cho kinh tế hộ đầu tư phát triển, mở rộng quy mô sản xuất hình thành  trang trại, vùng, nhóm liên kết sản xuất hàng hóa. Xây dựng các nhóm liên kết sản xuất theo vùng từ 50-200 ha và vận động doanh nghiệp tham gia xây dựng mối liên kết 4 nhà, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp với tiêu chuẩn sản xuất của vùng. 


5. Triển khai chương trình xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, hội nhập kinh tế thế giới và khu vực
Tiếp tục thực hiện chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện chương trình hành động của Chính phủ khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO (Quyết định số 3165/QĐ-BNN-HTQT ngày 16 tháng 11 năm 2007); ….

Nhân rộng mô hình ứng dụng qui trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản; phát triển các ngành dịch vụ nông nghiệp.


Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác thông tin tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, chất kháng sinh trong sản xuất và chế biến nông thủy sản.


II. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2011 – 2020: (theo biểu phụ lục)


III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Căn cứ vào Kế hoạch này, các đơn vị, Chi cục, Trung tâm, các phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể.
Hàng quý, cuối mỗi năm các đơn vị có kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo về Sở, có đề xuất các giải pháp, chỉ đạo điều hành của Sở, của Thành phố giai đoạn tiếp theo.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị chủ động báo cáo về Sở để Lãnh đạo xem xét giải quyết./. 


Nguồn: Sở NN&PTNT Cần Thơ


b8c26ec9-0c06-4df0-86d4-b028576c0458

Tiêu đề bài viết: Kế hoạch Triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Sở NN&PTNT Cần Thơ.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang