THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Thành tựu 40 năm phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ
(Giai đoạn 1975-2015)
-------------
I. Đánh giá chung:
Thành phố Cần Thơ được hình thành sau 03 lần điều chỉnh về địa giới hành chính 1, trải qua 40 năm xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện và bước đầu giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới; diện mạo, vị thế, tiềm lực kinh tế chuyển biến đáng kể trên nhiều lĩnh vực, từng bước khẳng định vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của vùng ĐBSCL, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bước đầu hội nhập với khu vực và thế giới.
- Kinh tế tăng trưởng với tốc độ khá cao và liên tục trong nhiều năm liền. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1976 - 2015 là 11,23% 2, trong đó ước thực hiện năm 2015:
+ Tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá hiện hành) đạt 99.376,96 tỷ đồng (tương đương 4,6 tỷ USD), qui mô kinh tế ước đến năm 2015 tăng gấp 63,4 lần so với quy mô kinh tế năm 1976.
+ GDP bình quân đầu người năm đạt 79,26 triệu đồng/người (tương đương 3.636 USD).
+ Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ, tỷ trọng khu vực I (nông nghiệp) chiếm 6,49%, khu vực II (công nghiệp - xây dựng) chiếm 35,02%, khu vực III (thương mại - dịch vụ) chiếm 58,49% trong cơ cấu GDP.
- Thời kỳ khôi phục kinh tế xã hội chủ nghĩa (giai đoạn 1975 - 1985) Cần Thơ tạo dấu ấn bằng nhiều thành tích trong cải tạo xã hội chủ nghĩa vừa khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại, vừa tập trung cho công tác cải tạo và xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa, phát triển sản xuất, giữ vững ổn định chính trị, làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, bảo đảm quốc phòng, an ninh 3.
- Thời kỳ đổi mới và phát triển (giai đoạn 1986 - 2003) Cần Thơ đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội rất đáng tự hào, tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại và nông nghiệp, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; hạ tầng kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh được đầu tư, một số khu dân cư, các khu chế xuất - công nghiệp tập trung hình thành. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, điện, nước sạch, cơ sở giáo dục - y tế, văn hóa, cơ sở hạ tầng đô thị được chú trọng đầu tư; thương mại, xuất nhập khẩu hội nhập dần với kinh tế khu vực và quốc tế. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên, tạo đà cho sự phát triển của thành phố Cần Thơ thời kỳ sau 4.
- Thời kỳ phát triển và hội nhập (giai đoạn 2004 - 2015), sau khi Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, diện mạo thành phố cả nội và ngoại thành đã có những thay đổi đáng kể, bên cạnh việc cải tạo nâng cấp, chỉnh trang đô thị, nhiều khu đô thị mới, khu tái định cư, khu thương mại, dịch vụ ở các quận, huyện, nhất là ở Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy đã được đầu tư theo hướng hiện đại. Những công trình giao thông được Trung ương và thành phố cùng phối hợp đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng, bước đầu tạo sự kết nối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại chuyển biến tích cực, quan hệ quốc tế được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Mối quan hệ tác động qua lại giữa thành phố Cần Thơ và các tỉnh trong vùng ngày càng phát triển. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt được những thành tựu lớn. Hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội đã và đang được đầu tư theo hướng đạt chuẩn. Thành phố còn chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo giải quyết việc làm, chăm sóc người có công, đặc biệt là vận động xã hội tham gia hỗ trợ cho hộ chính sách, đồng bào dân tộc, người nghèo bằng các hoạt động thiết thực như: xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, khám, chữa bệnh miễn phí,... Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng cải thiện nâng cao, ước GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 79,26 triệu đồng/người/năm, so với 377 đồng vào năm 1976; quốc phòng - an ninh được giữ vững, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.
II. Thành tựu về phát triển kinh tế:
1. Giải quyết được vấn đề lương thực, thực phẩm cấp bách của những năm sau giải phóng và tiến tới trở thành địa phương có mức xuất khẩu lương thực hàng đầu trong khu vực ĐBSCL sản lượng lúa năm 1976 là 267.653 tấn trên tổng diện tích gieo trồng 115.532 ha, thủy sản chủ yếu là khai thác nội địa và nuôi trồng rất ít. Ước năm 2015, sản lượng lúa ước đạt xấp xỉ 1,3 triệu tấn trên tổng diện tích các vụ là 220.590 ha, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản 190.000 tấn.
2. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ, từng bước đưa thành phố Cần Thơ thành địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp cao của vùng ĐBSCL. Nền công nghiệp trước đây, được hình thành trên cơ sở Nhà nước quốc hữu hóa và các cơ sở công nghiệp tiểu thủ công nghiệp nhỏ trên địa bàn, giá trị sản xuất công nghiệp năm 1976 là 135,2 tỷ đồng, các mặt hàng sản xuất chủ yếu mang tính nhỏ lẽ, đáp ứng 1 phần nhu cầu tiêu dùng trong nước. Năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 103.324 tỷ đồng, các mặt hàng sản xuất công nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
3. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, từ nền kinh tế tập trung bao cấp, cách thức bán hàng theo tem phiếu, hàng hóa lưu thông ách tắc, thành phố Cần Thơ đã đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng thương mại - dịch vụ, ngày càng thể hiện rõ vai trò là trung tâm phân phối lớn, trung tâm thương mại, dịch vụ của vùng ĐBSCL, nổi bậc nhất là hoạt động thương mại, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm bán buôn và hệ thống các chợ truyền thống được đầu tư xây dựng mới. Năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 81.000 tỷ đồng so với năm 1976 là 90 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt trên 1,5 tỷ USD. Hoạt động du lịch có bước phát triển mạnh, dự báo năm 2015 thành phố đón và phục vụ 1,375 triệu lượt khách du lịch lưu trú (khách quốc tế 258.000 lượt khách); doanh thu toàn ngành dự báo đạt 1.300 tỷ đồng.
4. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tăng qua từng năm: Sau giải phóng cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá, vốn đầu tư năm 1976 là 7 triệu đồng, trong đó phần lớn là vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình công cộng thiết yếu, nạo vét kênh mương thủy lợi và máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, giao thông vận tải, giáo dục và y tế, không có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt trong giai đoạn 2004 - 2015, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn đạt gần 280.000 tỷ đồng (tương đương 13 tỷ USD), riêng năm 2015 ước tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt xấp xỉ 60.000 tỷ đồng 5.
5. Lĩnh vực thu ngân sách: Thời kỳ 1976 - 1985, thu ngân sách rất hạn chế, đến năm 1986, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 1,4 tỷ đồng, đến cuối cuối năm 2014, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 17.315 tỷ đồng. Thành phố Cần Thơ là địa phương duy nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, là một trong 13 địa phương điều tiết ngân sách về Trung ương.
6. Hoạt động tài chính, ngân hàng ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của thành phố: Những năm đầu sau giải phóng và nhiều năm tiếp theo lĩnh vực tài chính, ngân hàng phát triển khá chậm, đến năm 2015, trên địa bàn hiện có 52 tổ chức tín dụng với 230 địa điểm có giao dịch ngân hàng, tổng vốn huy động năm 2015 ước đạt 42.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 50.000 tỷ đồng, tăng gần 22 lần so với năm 2004.
III. Thành tựu về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật:
1. Trước năm 2004, kết cấu hạ tầng kỹ thuật của Cần Thơ còn nhiều yếu kém, chủ yếu được kế thừa từ trước giải phóng, một số được đầu tư mới nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu cho sự phát triển. Từ năm 2004 đến nay, nhiều dự án, công trình trọng điểm được đầu tư và đưa vào khai thác tạo sức lan tỏa và kết nối như: Cảng biển Cái Cui cùng khu hậu cần logistic, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn 3.000MW, Quốc lộ 1A, Cầu Cần Thơ, Quốc lộ 91B thuộc dự án xây dựng tuyến Nam sông Hậu, Tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn, Tuyến Thới Lai - Đông Bình, đường tỉnh 921, 923, 926, 932… Hệ thống giao thông nông thôn từng bước được xây dựng, nâng cấp đồng bộ, thành phố tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế vào năm 2020.
2. Bộ mặt đô thị ngày càng tiến bộ theo hướng văn minh, hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp, phấn đấu xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông: Nhiều dự án khu dân cư, các dự án nhà ở, dự án phát triển đô thị, trung tâm thương mại tại các quận, huyện, dự án nâng cấp đô thị… được triển khai, từng bước làm thay đổi diện mạo thành phố, đạt tiêu chí là đô thị loại I, là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước. Đến năm 2015, tỷ lệ đô thị hóa thành phố đạt 66,5% (tính theo dân số).
3. Bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống điện, đường, trường, trạm, viễn thông và công trình công cộng ngày càng hoàn thiện, đặc biệt khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại 36 xã trên địa bàn thành phố, phấn đấu đến cuối năm 2015, hoàn thành và công nhận 10/36 xã đạt tiêu chí nông thôn mới và không còn xã đạt thấp hơn 11 tiêu chí và 01 huyện nông thôn mới.
IV. Thành tựu về phát triển văn hóa, xã hội:
1. Giáo dục và đào tạo từ sau khi giải phóng tập trung vào xóa mù chữ, năm học đầu tiên sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng 1975 - 1976 đã đón tiếp trên 112 ngàn học sinh các cấp. Cơ sở vật chất thiếu thốn việc đào tạo học sinh hệ chuyên nghiệp và đại học cũng mới bắt đầu chuyển sang chương trình đào tạo mới.
Đến năm 2015, thành phố có 05 trường đại học, một Phân hiệu Đại học Kiến Trúc, Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực IV; 07 trường cao đẳng và Phân hiệu Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại thành phố Hồ Chí Minh; 15 trường trung cấp chuyên nghiệp; 73 cơ sở dạy nghề, hiện đang đào tạo trên 150 ngàn sinh viên.
Về đào tạo học sinh các cấp học phổ thông năm học 2015 - 2016 là 240 ngàn học sinh, tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi: Tiểu học 100%, THCS 95,64%, THPT: 63,85%, đã cơ bản hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; đặc biệt, thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
2. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và tăng cường: Sau ngày giải phóng mạng lưới y tế cơ sở chưa được xây dựng đến cấp xã, năm 1976 trên địa bàn chỉ có 101 bác sỹ, bình quân có 1 bác sĩ trên 1 vạn dân, có 5 bệnh viện với 1.638 giường bệnh. Dự kiến đến cuối năm 2015, đạt 11,26 bác sỹ/vạn dân, 1,7 dược sỹ/vạn dân, 31,52 giường bệnh trên vạn dân, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; có 1 bệnh viện đa khoa, 10 bệnh viện chuyên khoa, 1 trung tâm chẩn đoán y khoa, 02 chi cục, 9 trung tâm chuyên ngành.
Ngoài ra, trên địa bàn còn có 07 đơn vị, gồm: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ do Bộ Y tế quản lý, 1 Bệnh viện 121 do Quân khu IX quản lý, 1 Bệnh viện Công an và 3 bệnh viện ngoài công lập, góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khu vực ĐBSCL.
3. Về văn hóa, thể dục thể thao: Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước Nhà nước xây dựng và phát triển nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, phát động các phong trào văn hóa, văn nghệ cách mạng. Đến nay, các hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn minh đô thị được củng cố và phát triển, có 100% xã, phường có nhà văn hóa, đã công nhận 55/85 xã, phường đạt chuẩn văn hóa; thành phố đã xây dựng hoàn thành Trung tâm Văn hóa quận Ô Môn nhằm phục vụ, bảo tồn, phát huy văn hóa của các dân tộc anh em tại thành phố Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung; đang tiến hành đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô với quy mô 116 ha và đầu tư nâng cấp, trùng tu nhiều công trình văn hóa khác trên địa bàn.
Phong trào Thể dục - Thể thao phát triển rộng khắp, cơ sở vật chất có thể đáp ứng cho việc tổ chức các giải đấu lớn trong nước, khu vực và quốc tế, đặc biệt tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII năm 2012, Đoàn thành phố Cần Thơ xếp hạng Nhì và nằm trong tốp 10 toàn đoàn tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014.
4. Về lao động giải quyết việc làm và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội: Những năm sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện các chính sách về lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội vẫn luôn được quan tâm giải quyết có hiệu quả, nâng tổng số lao động tham gia nền kinh tế quốc dân từ khoảng 240.300 lao động lên 668.000 lao động vào năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 65%, đặc biệt, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 61,47% tổng số lao động và tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm còn 38,53% tổng số lao động.
Thành phố đã cơ bản giải quyết cho các gia đình gặp khó khăn về nhà ở đối với diện chính sách, người có công, hộ nghèo và cận nghèo; đặc biệt, trên địa bàn thành phố không có hộ đói, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,84% vào cuối năm 2015.
Đạt được thành tựu như trên là do Trung ương Đảng, Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, nhất là trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX); sự ủng hộ, hợp tác tận tình của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước; sự nổ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; sự lãnh đạo có tập trung, biết lựa chọn khâu đột phá, trọng tâm, trọng điểm để điều hành, chỉ đạo; phát huy tốt quy chế dân chủ và huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn Đảng và toàn dân thành phố. Ghi nhận những thành tựu trên, thành phố Cần Thơ vinh dự được Chủ tịch Nước khen tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; được 05 thành phố thống nhất đề nghị Chính phủ xếp hạng nhất trong khối cụm thi đua 5 thành phố lớn vào năm 2009 và năm 2014.
V. Những hạn chế, tồn tại:
Những thành tựu đã nêu trên là rất to lớn, nhưng thực tế cần nhìn nhận rằng, vẫn còn nhiều mặt hạn chế, cần sớm khắc phục, đó là:
- Kinh tế phát triển chưa thật sự vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của thành phố, quy mô nhỏ, chất lượng, năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện nhiều, còn tiềm ẩn nhiều nhân tố chưa bền vững. Môi trường, cơ chế, chính sách chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút mạnh đầu tư. Trình độ công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vai trò trung tâm, sức lan tỏa và thu hút của Cần Thơ đối với kinh tế trong vùng còn hạn chế.
- Qui mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ lẻ, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao chưa nhiều; các loại hình dịch vụ chất lượng cao hạn chế; sản xuất nông nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chịu nhiều sức ép về cạnh tranh, giá cả, thị trường.
- Chưa phát huy tốt tiềm năng các thành phần kinh tế. Tỷ lệ huy động vốn và đầu tư xã hội còn thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nhìn chung còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng các khu công nghiệp.
- Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Vấn đề việc làm cho người lao động, tệ nạn xã hội, trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường còn nhiều mặt trì trệ. Đời sống của một bộ phận nhân dân lao động còn nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, nhiều vấn đề xã hội bức xúc phát sinh quá trình đô thị hóa chưa được giải quyết triệt để.
- Quản lý nhà nước trên một số mặt còn hạn chế, nhất là tạo môi trường thật sự thuận lợi, thông thoáng trong thu hút đầu tư và khởi sự doanh nghiệp. Quản lý quy hoạch xây dựng, đô thị, sử dụng đất đai, môi trường do công tác giám sát, kiểm tra chưa kịp thời, chưa đồng bộ các biện pháp chế tài và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhận thức về xây dựng và phát triển đô thị theo quy hoạch, sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên đất và nguồn nước, về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của các cấp, các ngành và nhân dân chưa thật sự đầy đủ.
- Cải cách hành chính thời gian qua tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố.
VI. Định hướng phát triển:
1. Mục tiêu:
Phấn đấu theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ văn minh, hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL và của cả nước.
Cần Thơ phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng. Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể:
a) Chỉ tiêu về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 7,3%/năm giai đoạn 2016-2020; GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 96,2 triệu đồng (tương đương 4.475 USD); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 11 tỷ USD; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 3,8 tỷ USD. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến 242.000 tỷ đồng (tương đương 11,26 tỷ USD).
b) Chỉ tiêu về xã hội, môi trường: Tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi: mẫu giáo đạt 93%, tiểu học 100%, trung học cơ sở 90%, trung học phổ thông 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%; Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 1,5%/năm (theo chuẩn 2016-2020); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 96%; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới 26/36 xã, đạt 72,22%. Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch đạt 83%, trong đó tỷ lệ dân số đô thị đạt 90%, tỷ lệ dân số nông thôn đạt 75%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở đô thị đạt 93%.
2. Nhiệm vụ, giải pháp:
Để “cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thức đầy sự phát triển mạnh mẽ của toàn vùng” như Nghị quyết 45-NQ/TW đã đề ra, Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ còn rất nhiều việc phải làm, trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng thành phố theo hướng văn minh, hiện đại; tận dụng mọi cơ hội, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững, có hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, chú trọng chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại, phấn đấu đưa Cần Thơ trở thành trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao lưu, buôn bán, hợp tác với nước ngoài của các tỉnh ĐBSCL; thu hút mạnh hơn đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thành phố tập trung huy động các nguồn lực để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và kiến thiết đô thị; xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông thông suốt và đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm của thành phố.
Thứ hai, chăm lo phát triển con người một cách toàn diện. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Mở rộng, nâng cấp mạng lưới y tế, tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở y tế chuyến sâu, kỹ thuật cao phục vụ việc khám và chữa bệnh cho nhân dân Cần Thơ nói riêng và vùng nói chung. Chăm lo phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo lập môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, xây dựng con người Cần Thơ “trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch”. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm.
Thứ ba, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, kiềm chế tai nạn giao thông, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Tiếp tục củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trên, thành phố chọn các khâu đột phá sau: Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào thành phố. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, nhất là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào trong sản xuất và quản lý kinh tế - xã hội. Quan tâm giải quyết tốt hơn vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thành phố sáng - xanh - sạch - đẹp./.
-------------------------------------------------------
1. Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24/3/1976 của Chính phủ về sáp nhập tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và TP. Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang, đến tháng 12/1991 Quốc hội khóa VIII ban hành Nghị quyết tách Hậu Giang thành 02 tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, đến Quốc hội khóa XI ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH ngày 26/11/2003 và Nghị định 05/2004/NĐ-CP ngày 02/0/2004 của Chính phủ tách tỉnh Cần Thơ thành TP. Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang;
2. trong đó giai đoạn 1976 - 1985 đạt 7,04%; giai đoạn 1986-1990 đạt 8,33%; giai đoạn 1991 - 1995 đạt 11,2%; giai đoạn 1996-2000 đạt 8,18%; giai đoạn 2001-2003 đạt 12,5%; giai đoạn 2004 - 2010 đạt 15,25%; giai đoạn 2011-2015 ước đạt 12,22%.
3. Giai đoạn 1975-1985 tốc độ phát triển giá trị tăng thêm (GDP) (giá so sánh 94) tăng bình quân 7,04% năm. Xuất nhập khẩu mỗi năm đều tăng, trị giá xuất khẩu năm 1976 đạt 5,3 triệu đồng Việt Nam (tỉnh Hậu Giang), tăng lên 137, 26 triệu đồng Việt Nam.
4. Thời kỳ 1986 - 1990 có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (giá so sánh 1994) là 110,52% (tăng 3,48% so 1976-1985); thời kỳ 1991- 1995 là 114,19% (tăng 6,18%); thời kỳ 1996 - 2000 là 10,33% (tăng 3,29%), thời kỳ 2001-2003 là 112,93% (tăng 5,89% so thời kỳ 1976-1985). Năm 2003, thu nhập bình quân đầu người trên 8,4 triệu đồng/người/năm, tăng rất nhiều so năm 1986 (năm 1986 là 11.661 đồng/người/năm). Năm 1986 kim ngạch xuất khẩu là 4.746 ngàn USD, năm 2003 là 251,2 triệu USD, trị giá xuất khẩu năm 2003 tăng gần 5,2 lần so năm 1986;
5. trong đó vốn nhà nước khoảng 37,5%, vốn đầu tư ngoài nhà nước 59,25% và vốn đầu tư nước ngoài 3,25%;
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ