Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, vắc xin phòng ngừa UTCTC đã được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ với giá trung bình khoảng 60 USD/liều. Tuy nhiên, vắc xin này chưa được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm phòng miễn phí cho trẻ em, do đó việc tiếp cận với vắc xin này vẫn còn khá khó khăn với đa số đối tượng. Để hỗ trợ các nước trong việc phòng ngừa UTCTC, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và WHO đã đàm phán với nhà sản xuất vắc xin để có thể cung ứng vắc xin HPV cho Việt Nam tương tự như các quốc gia triển khai vắc xin này trong chương trình tiêm chủng quốc gia với giá khoảng 4,5 - 5,0 USD/liều (bằng khoảng 1/10 giá vắc xin dịch vụ tại Việt Nam) trong thời gian 5 năm (2021 - 2025).
Đây là một cơ hội rất tốt để tăng khả năng tiếp cận với vắc xin HPV - một giải pháp can thiệp hiệu quả để phòng ngừa UTCTC ở phụ nữ, đồng thời cũng phù hợp với chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về công tác tiêm chủng.
Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ Y tế đề nghị các địa phương ưu tiên đầu tư ngân sách để triển khai vắc xin HPV miễn phí cho trẻ em gái nhằm chủ động phòng ngừa UTCTC; lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố quan tâm, xem xét và chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai tiêm vắc xin HPV phòng bệnh UTCTC cho trẻ em gái 12 tuổi giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo thực hiện tốt các quy định về tiêm chủng an toàn, bảo quản vắc xin và dung môi trong dây chuyền lạnh, khám sàng lọc trước tiêm chủng, giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm chủng.
Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí mua sắm vắc xin HPV, vật tư tiêm chủng trong năm 2020 để thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin HPV phòng ngừa UTCTC cho trẻ em gái từ năm 2021. Các đơn vị liên quan phối hợp với ngành y tế trong việc thực hiện kế hoạch.
Bộ Y tế cho biết, việc triển khai tiêm chủng vắc xin HPV cho trẻ em gái tại 5 tỉnh, thành phố nêu trên sẽ góp phần quan trọng trong việc mở rộng quy mô triển khai tiêm vắc xin này trong những năm tới.
Phạm Nga