Nội dung Công văn nêu rõ, để chủ động kiểm soát chất lượng mỹ phẩm lưu thông trên thị trường và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng; Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện một số nội dung cụ thể sau:
Một là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, trong đó chủ yếu tập trung vào các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được công bố theo quy định; mỹ phẩm quảng cáo sai sự thật, ghi nhãn không đúng quy định; hoạt động kinh doanh trực tuyến, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Hai là thực hiện hậu kiểm thường xuyên đối với các sản phẩm mỹ phẩm đã lưu thông trên thị trường, thông qua việc lấy mẫu kiểm nghiệm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người tiêu dùng.
Ba là chỉ đạo ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán mỹ phẩm giả, không đạt chất lượng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bốn là đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý mỹ phẩm đến cộng đồng, doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhằm nâng cao nhận thức, cảnh giác và tố giác các hành vi vi phạm.
Năm là rà soát các quy định nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý của các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương đối với hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm./.
Tuyet Nhi