Tin hoạt động của Lãnh đạo Thành phố


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Cần Thơ
Ngày đăng: 02/12/2021

Lượt xem:


Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ về công tác phòng chống dịch COVID-19.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Tiếp đoàn có đồng chí Lê Quang Mạnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ; đồng chí Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; đồng chí Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; đồng chí Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, từ ngày 8/7 đến chiều ngày 30/11, thành phố đã ghi nhận 26.385 ca nhiễm COVID-19. Trong đó, có 6.205 ca trong cộng đồng, chiếm tỷ lệ 23,5%; đã điều trị khỏi 12.529 ca (chiếm 47,5%), tử vong 200 ca (chiếm 0,75%).

Căn cứ hướng dẫn xác định cấp độ dịch, TP Cần Thơ thuộc Cấp 3. Tuy nhiên, do không đạt yêu cầu tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 nên ngành Y tế thành phố đã thực hiện đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn đến ngày 25/11 phải tăng lên một cấp độ dịch là Cấp 4.

Về năng lực xét nghiệm, thành phố có 13 cơ sở xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 với công suất tối đa hơn 8.200 mẫu đơn/ngày và 39 cơ sở xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Hiện thành phố đang được sự hỗ trợ của Đoàn Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) triển khai nền tảng quản lý xét nghiệm.

TP Cần Thơ đã triển khai cách ly F1 và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà. Tính đến ngày 30/11, số người cách ly tại nhà là 21.769 người. Trong đó, có 9.994 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP Cần Thơ đã có văn bản hướng dẫn tạm thời về việc phân tầng điều trị tại một số bệnh viện để phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương. Cụ thể, tầng 1 sẽ quản lý và điều trị F0 tại nhà do các Trạm Y tế lưu động, Trạm Y tế thực hiện. Tầng 2 sẽ điều trị bệnh nhân không đủ điều kiện điều trị tại nhà, F0 đang quản lý tại nhà có diễn biến vượt khả năng chuyên môn của Trạm Y tế với công suất 2.750 giường. Tầng 3 điều trị bệnh nhân mức độ nặng, nguy kịch, bệnh nhân lĩnh vực chuyên khoa, bệnh nhân có bệnh lý cấp cứu kèm theo với công suất 350 giường.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã cập nhật quy trình hướng dẫn gói chăm sóc F0 tại nhà gồm các hoạt động quản lý, theo dõi, chăm sóc, xét nghiệm, kê đơn thuốc và vận chuyển người bệnh. Thành lập Tổ điều phối F0, Tổ cấp cứu lưu động của 3 tuyến để kịp thời hỗ trợ các trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng để nhập viện. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các đội cấp cứu lưu động trong việc vận chuyển F0, hỗ trợ cấp cứu F0 tại nhà.

TP Cần Thơ đã triển khai quản lý, cách ly và điều trị F0 tại nhà theo Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 19/11

TP Cần Thơ đã kích hoạt hoạt động của 83 Trạm Y tế lưu động và thành lập thêm 62 Đội y tế lưu động hỗ trợ gồm bác sĩ và sinh viên của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Trong đó, đã tiếp nhận và bàn giao 1.500 máy SpO2 cho các Trạm Y tế phục vụ quản lý, điều trị bệnh nhân tại nhà; phân bổ 10.530 túi thuốc A (gồm thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc bổ sung vitamin và khẩu trang), 6.930 gói thuốc B và 980 túi thuốc Đông Tây y kết hợp cho các trạm y tế để phục vụ, điều trị F0 tại nhà; tiếp nhận lực lượng hỗ trợ của Quân khu 9 gồm 5 đội (30 người) tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; phối hợp Mạng lưới thầy thuốc đồng hành triển khai mạng lưới hỗ trợ tư vấn qua điện thoại cho các F0 tại Cần Thơ; phối hợp Tập đoàn FPT triển khai hệ thống theo dõi quản lý F0 tại nhà.

Trước tình hình ca nhiễm đang tăng cao, Sở Y tế TP Cần Thơ đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị y tế và nhân lực cho 100 giường bệnh hồi sức tích cực tại Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa thành phố và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi để đảm bảo năng lực tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch trên địa bàn.

Trong tình trạng thuốc điều trị COVID-19 còn khan hiếm, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang đã nghiên cứu sản xuất viên nang MonuvirDHG 400 chứa hoạt chất Molnupiravir 400mg, đã nộp hồ sơ về Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế xin cấp phép lưu hành. Việc này rất có ý nghĩa đối với công tác điều trị COVID-19 tại Cần Thơ, Sở Y tế đề nghị Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược xem xét sớm cấp số đăng ký cho thuốc MonuvirDHG 400 để có thể triển khai sản xuất phục vụ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế làm việc với TP Cần Thơ về công tác phòng, chống dịch COVID-19

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Ngày 1/10, cả nước thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã đạt được nhiều kết quả tích cực về kinh tế - xã hội. Trong vòng 2 tuần vừa qua, số ca mắc và số ca tử vong có dấu hiệu gia tăng trở lại, nhất là ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Đây là sự quan ngại rất lớn của Chính phủ và ngành Y tế. Tuy nhiên, việc tăng ca nhiễm đã được tiên liệu trước, khi đã tiến hành bao phủ vaccine với tỷ lệ cao và có thuốc đặc trị thì sẽ giảm tỉ lệ bệnh nhân nhập viện, giảm số ca trở nặng và giảm số lượng tử vong.

Về đánh giá cấp độ dịch, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị thành phố xem xét lại tỷ lệ người trên 50 tuổi đã được tiêm vaccine, nếu đã đủ 80% người trên 50 tuổi được tiêm vaccine thì hạ cấp độ dịch xuống cho phù hợp với tình hình dịch thực tế của địa phương.

Cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng thông tin về tình hình biến chủng mới Omicron xuất hiện tại Nam Phi. Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã nhanh chóng mời các chuyên gia đóng góp ý kiến tư vấn về các biện pháp phòng chống dịch. Trên cơ sở đó, các chuyên gia khuyến cáo tiếp tục tăng cường công tác giám sát dịch tễ, bao phủ vaccine, tăng cường hệ thống mạng lưới y tế cơ sở và sử dụng các loại thuốc điều trị COVID-19. Chính vì vậy, thành phố lưu ý thực hiện tốt các khuyến cáo nêu trên; tăng cường giám sát dịch tễ tại địa phương, đặc biệt là các khu vực tụ tập đông người như bến xe, chợ đầu mối, bến cảng,... đảm bảo an toàn cho người dân, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế tham gia điều trị F0, chú ý ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các bệnh viện.

Về công tác xét nghiệm, Thứ trưởng yêu cầu khi địa phương thực hiện công tác xét nghiệm phải đảm bảo hợp lý, hiệu quả, khoa học và tiết kiệm chi phí vì khi thực hiện bao phủ 2 mũi vaccine có thời gian đủ 2 tuần sau mũi tiêm thứ 2 thì việc xét nghiệm không nên lặp lại nhiều lần.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu thành phố cần đẩy mạnh truyền thông cho người dân việc tiêm vaccine đủ 2 mũi không phải an toàn tuyệt đối, vẫn bị nhiễm như thường và có thể lây cho người khác. Vì vậy, dù tiêm 2 mũi vaccine vẫn phải tuân thủ tuyệt đối 5K khi đến chỗ đông người.

Về tiêm chủng, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tiêm mũi vaccine bổ sung. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị lực lượng y tế Cần Thơ cần thận trọng khi tiêm cho người dân, nhất là với trẻ em và công nhân.

Đối với các trường hợp điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá rất cao các cơ sở y tế điều trị COVID-19 tầng 3, hệ thống điều trị F0 tại nhà ở Cần Thơ. Việc cần làm lúc này là hỗ trợ F0 điều trị, cách ly tại nhà tiếp cận được với các dịch vụ y tế cơ bản nhanh nhất và đảm bảo chất lượng nhất (thuốc hạ sốt, thuốc kháng đông, kháng viêm, thuốc điều trị có kiểm soát Molnupiravir,...).


Nguyên Trang


479f39f1-81ec-40da-8e61-8beffed6380c

Tiêu đề bài viết: Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Cần Thơ. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguyên Trang.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang