Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Xây dựng phương án, lộ trình phù hợp, sớm mở lại sản xuất
Ngày đăng: 10/09/2021

Lượt xem:


Đại diện trên 200 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đã tham gia Hội nghị trực tuyến đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền TP, do UBND TP Cần Thơ tổ chức sáng 10/9. Hội nghị nhằm trao đổi, lắng nghe các đề xuất, kiến nghị, tìm giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động đa lĩnh vực trên địa bàn khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Chủ tịch UBND thành phố khẳng định quan điểm của TP là sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp để xây dựng phương án, lộ trình phù hợp nhằm sớm mở lại hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, 8 tháng đầu năm 2021 dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng đa số các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP ý thức rất cao trong công tác phòng, chống dịch, chủ động xây dựng phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất” để đảm bảo duy trì và hoạt động trong điều kiện thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch bệnh. Các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng được tăng cường; việc triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước.

Trên 95% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tạm dừng hoạt động

Tuy nhiên, theo ông Hải, việc thực hiện phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất" dẫn đến số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã tạm dừng khoảng 95,32% tổng số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tình hình buôn bán của hầu hết các doanh nghiệp và hộ cá thể gặp rất nhiều khó khăn, đa phần đều đóng cửa tạm ngưng hoạt động. Doanh thu các ngành kinh doanh đều giảm mạnh, chủ yếu ở các nhóm sản phẩm không thiết yếu. Hầu hết doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả vay đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, khó tiếp cận khoản vay mới. Ngoài ra doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong công tác lưu chuyển hàng hóa, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ, chậm tiến độ giao nhận hàng dẫn đến nguy cơ mất đơn hàng, hợp đồng, thị trường xuất khẩu; chi phí lưu kho, lưu bãi tăng, cước vận chuyển tăng, chưa kể một số doanh nghiệp phải trả tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng trong khi phải tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh COVID-19.

Tại hội nghị, VCCI Cần Thơ đã nêu lên nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp gửi đến lãnh đạo TP. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đề nghị TP quan tâm, tăng cường nguồn vắc xin nhiều hơn nữa cho người lao động tại các công ty, doanh nghiệp, có chính sách hoặc quy định cụ thể cho người lao động tiêm đủ 2 mũi vắc xin được xem là “giấy thông hành” để người lao động được đi lại làm việc từ nhà tới công ty, tài xế di chuyển giữa các quận, huyện để thu mua nông sản, khơi thông hàng hóa; có chính sách hỗ trợ, tăng khoản cho vay đối với các doanh nghiệp thu mua nông sản của nông dân khi tới vụ thu hoạch; có quy định hướng dẫn liên ngành về phương thức vận chuyển hàng hóa, thu hoạch nông sản cho bà con nông dân tới vụ một cách nhanh chóng nhất.

Nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị TP xem xét cho người lao động đã tiêm 2 mũi vaccine, cam kết “1 cung đường, 2 điểm đến”, sống ở “vùng xanh” được đi đến công ty làm việc, chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý lao động; đề nghị TP có giải pháp thay thế giải pháp “3 tại chỗ”, có lộ trình nghiên cứu giải pháp sống chung với dịch. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề nghị TP thành lập Tổ công tác doanh nghiệp để nhanh chóng giải đáp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, do các sở, ban ngành không đủ thẩm quyền giải quyết; chỉ đạo các cơ quan, ban ngành đẩy nhanh thủ tục, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. TP cũng cần có kiến nghị với Chính phủ giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà hàng, khách sạn…

Kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, lao động

Tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Trần Việt Trường khẳng định quan điểm của TP là sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp để xây dựng phương án, lộ trình phù hợp nhằm sớm mở lại hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Các đại biểu tham gia kết nối với các doanh nghiệp tại Hội trường UBND thành phố sáng 10/9

Ông Trường khẳng định doanh nghiệp, người dân, trong đó có công nhân là chủ thể tham gia phòng, chống dịch, là chủ thể để thực hiện, đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch. Nếu doanh nghiệp đề xuất các giải pháp hiệu quả, bảo đảm an toàn sản xuất và sản xuất an toàn thì TP chấp nhận cho phép hoạt động, trong đó có giải pháp tiêm vắc xin, “cung đường xanh” đều là những giải pháp hay, thiết thực. TP sẽ duy trì kết nối thường xuyên với các doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động; đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành với các sở, ngành, địa phương đảm bảo thực hiện hiệu quả thực chất trong khâu xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng như bảo vệ chặt chẽ các vùng an toàn nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất và cung ứng lao động.

Chủ tịch UBND TP cho biết TP đang triển khai chiến dịch xét nghiệm COVID-19 cộng đồng trên toàn địa bàn TP. Đợt xét nghiệm này với quyết tâm cao nhất để tìm ra F0 đưa đi điều trị, sau đó TP sẽ tính toán mở lĩnh vực nào, mở như thế nào; các sở, ngành cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án. TP cũng đang triển khai các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 52/NQ-HĐND của HĐND TP; đôn đốc các sở, ngành, quận huyện triển khai kịp thời các gói hỗ trợ cho người dân, trong đó có các doanh nghiệp.

Về các phương án mở lại sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch UBND TP cho biết TP xác định không quá nóng vội nhưng cũng không quá thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm với quan điểm, mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân là trên hết. Phần việc này TP sẽ tiếp tục nghiên cứu, phân tích đầy đủ các nguy cơ, tham vấn ý kiến các nhà khoa học, tham vấn ý kiến các doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh sớm các phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, các phương án phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống dịch COVID-19 từ nay tới cuối năm 2021, kết hợp với sự chỉ đạo của Trung ương về đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trên địa bàn TP. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ngân hàng chính sách xã hội TP, UBND các quận, huyện triển khai tích cực, có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Sở Công thương chủ trì, phối hợp sở, ban ngành và UBND quận, huyện tham mưu việc hỗ trợ phương án hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu.

Bên cạnh đó, Sở Y tế tham mưu quyết liệt chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, ưu tiên tiêm cho các đối tượng công nhân, người lao động, tài xế, shipper, hộ tiểu thương. Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an TP có các giải pháp để liên kết vận tải phù hợp, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển lưu thông hàng hóa; đồng thời, tham mưu UBND TP đề xuất Bộ Giao thông vận tải sớm phục hồi các đường bay nội địa và quốc tế để phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa trong điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ tình hình dịch bệnh…

 


Thanh Xuân


6da48535-967d-41df-aff6-fb7a56ae29cb

Tiêu đề bài viết: Xây dựng phương án, lộ trình phù hợp, sớm mở lại sản xuất . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Thanh Xuân.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang