
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam và đứng thứ 2 ở ĐBSCL (sau Singapore). Những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng dịch chuyển về khu vực ĐBSCL vốn là vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực của Việt Nam nên nhu cầu về phát triển giao thông và logistics rất lớn và đây cũng chính là thế mạnh của Tập đoàn Senko.
Tại cuộc gặp, phía doanh nghiệp Nhật Bản, ông Yasuhisa Fukuda - Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Senko - bày tỏ mong muốn thành lập Trung tâm logistics kho bãi, vận tải, xuất khẩu nông thủy sản tại phía Nam của Việt Nam để mở rộng hệ thống logistics của Tập đoàn đến khu vực hạ lưu sông Mekong và Đông Nam Á.
Theo ông Yasuhisa Fukuda, Tập đoàn Senko chuyên về vận tải, giao thông và logistics với 160 công ty con và công ty liên kết đang hoạt động tại hơn 20 quốc gia trên thế giới. Hiện nhân viên người Việt Nam làm việc ở Senko (Nhật Bản) trên 280 nhân viên. Riêng tại Việt Nam, hiện có 53 nhân viên người Việt làm việc tại các chi nhánh của Tập đoàn, hoạt động trong các lĩnh vực logistics, thương mại, sản phẩm nội thất, bao bì đóng gói… đặt ở vùng ngoại ô TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Ông Yasuhisa Fukuda kỳ vọng chương trình Gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp ĐBSCL lần này sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chủ tịch Tập đoàn Senko cũng bày tỏ mong muốn thành lập Trung tâm logistics kho bãi, vận tải, xuất khẩu nông thủy sản tại phía Nam của Việt Nam để mở rộng hệ thống logistics của Tập đoàn đến khu vực hạ lưu sông Mekong và Đông Nam Á.
Tại sự kiện, bên cạnh việc cung cấp nhiều thông tin từ các địa phương trong vùng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản còn diễn ra hoạt động kết nối B2B (doanh nghiệp cung cấp những thông tin mà doanh nghiệp khác cần) giữa các doanh nghiệp ĐBSCL và doanh nghiệp Nhật Bản.
Kim Xuyến