Lễ hội


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Tính linh hoạt trong lễ cúng miễu ở Cần Thơ
Ngày đăng: 12/04/2017

Lượt xem:


Miễu thờ ở Cần Thơ là một trong những loại hình tín ngưỡng dân gian tồn tại từ rất lâu đời, được hình thành trên cơ sở dòng chảy tâm linh của các bậc tiền nhân khai hoang lập ấp.
Lễ cúng miễu Bà Cố Hỷ.

Thế kỷ XVII, về cơ bản Cần Thơ vẫn còn là vùng đất hoang vu, những người khẩn hoang khi đặt chân đến vùng đất này đối mặt rừng rậm, sông sâu nước chảy, cộng thêm thiên tai, thú dữ "Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma". Tất cả đều làm những người đi mở đất phải e ngại "Tới đây xứ sở lạ lùng/ Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng ghê" và mọi thứ đều phủ một màn bí mật mà họ chưa thể hiểu tường tận. Rồi trong quá trình khẩn hoang, nhiều người phải bỏ mạng nơi rừng sâu nước độc, người thì bị hùm tha sấu bắt, dịch bệnh hoành hành làm chết cả xóm… Tất cả khiến họ cảm thấy con người quá bé nhỏ so với thiên nhiên huyền diệu. Để cân bằng tâm lý, những người khẩn hoang bắt đầu nghĩ đến việc lập miễu để thờ cúng.

Có thể nói miễu thờ ở Cần Thơ được hình thành cùng lịch sử khai phá đất này. Lúc bấy giờ, các bậc tiền nhân vào miền Nam khẩn hoang lập ấp đã mang theo các loại hình tín ngưỡng dân gian từ quê nhà vào đất mới. Ở đây, điều kiện thiên nhiên lúc đầu lạ lẫm, phủ màn huyền bí, cộng với thời tiết khắc nghiệt, thú dữ hoành hành… tạo điều kiện cho các loại hình tín ngưỡng dân gian nảy sinh. Lập miễu để thờ các chư vị thần linh không chỉ tiếp nối truyền thống tâm linh ở quê nhà, mà còn là một liệu pháp tâm lý giúp con người đứng vững trước thiên nhiên khắc nghiệt vào buổi đầu khai phá.

Trong tâm thức dân gian, chư vị thần linh là đấng siêu hình không nhìn thấy được nhưng đâu đâu cũng có, lại thêm quyền năng ban phước hay giáng họa cho con người. Lập miễu thờ thần cũng chính là mong các vị thần giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời tránh bị quở phạt. Khi người ta có được cuộc sống an lạc, thì cũng hết lòng tôn kính các vị thần, nhớ ơn các vị đã giúp đỡ cho họ trong lao động và cuộc sống. Bên cạnh đó, miễu thờ còn là hình ảnh để nhắc nhau về điều nhân nghĩa, về đạo lý sống có trước có sau, mà nói theo nhà văn Sơn Nam: Đình miễu là cơ ngơi làm biểu tượng nhắc nhở lòng nhân nghĩa, đạo lý tự giác, vì vậy mà tồn tại và phát triển trong thời gian dài, mãi đến nay, hãy còn sâu đậm.

Tuy diện tích nhỏ hơn đình, chùa nhưng miễu thờ ở Cần Thơ đã phản ánh khát vọng của người dân địa phương về phương diện đời sống tinh thần. Điều này được thể hiện qua số lượng miễu thờ, cũng như các đối tượng được thờ trong miễu trải dài trên khắp vùng đất Cần Thơ. Lễ hội ở các miễu thờ khá đơn giản, chủ yếu là cúng tế quanh năm và chọn một ngày làm ngày tế chính. Trong số hệ thống miễu thờ ở Cần Thơ, chỉ có vài nơi tổ chức ngày vía với quy mô lớn thành lễ hội, có ảnh hưởng rộng lớn, thu hút không chỉ cư dân địa phương đến lễ bái mà còn có khách từ các địa phương khác đến, như lễ vía Bà Cố Hỷ, lễ cúng Bà Xóm Chài, lễ cúng Bà Chúa Xứ...

Một trong những đặc điểm nổi bật trong lễ cúng miễu ở Cần Thơ là tính linh hoạt. Với tinh thần phóng khoáng, cởi mở của những lưu dân đi tìm vùng đất mới, người dân nơi đây không chấp nhất, câu nệ mà dung hòa, linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh mới.

Đầu tiên có thể kể đến sự linh hoạt về thời gian và không gian. Về thời gian, ngày diễn ra lễ cúng là cố định nhưng giờ giấc tiến hành cử lễ thì có thể điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Thí dụ như lễ cúng Bà Cậu ở miễu Bà Xóm Chài có tục thả bè chuối trôi sông. Tuy giờ giấc đã định, nhưng vẫn còn phụ thuộc vào con nước, người ta có thể điều chỉnh giờ cúng để đợi nước lên, thuận tiện cho việc thả bè.

Về không gian, lễ cúng miễu ở đây cũng không câu nệ địa điểm tổ chức, nơi nào thuận tiện đường bộ thì tổ chức trên đường bộ, nơi nào thuận tiện đường thủy thì tổ chức đường thủy. Chẳng hạn, lễ cúng miễu Bà Cố Hỷ ở huyện Phong Điền trước đây do đường bộ chưa phát triển, người ta đến miễu cúng chủ yếu bằng đường sông, sau này đường bộ phát triển thì người ta đến bằng đường bộ.

Thứ hai là linh hoạt về đối tượng phụng thờ. Thông thường các nhân vật được phụng thờ trong các lễ hội truyền thống phần lớn đều có công trạng và thần tích rõ ràng. Các nhân vật này đều có những đóng góp nhất định cho quốc gia hay một vùng quê nào đó, khi mất được nhân dân phụng thờ. Còn những nhân vật được phụng thờ trong lễ cúng miễu ở Cần Thơ đa phần là những nhân vật không có công trạng cụ thể. Người xưa đã linh hoạt và sáng tạo bằng cách huyền thoại hóa các nhân vật được phụng thờ để tạo nên tính thiêng cho các nhân vật này.

Giai thoại về Bà Cố Hỷ đã minh chứng cho điều này. Truyện kể rằng: Giàn Gừa đã có từ thế kỷ XIX, lúc bấy giờ có một người họ Nguyễn vào khai khẩn đất hoang tại đây. Trong quá trình khai khẩn, người họ Nguyễn này đốt ruộng, làm đồng chẳng may để xảy ra hỏa hoạn làm cháy hết cả giàn gừa. Từ đó, liên tiếp xảy ra nhiều chuyện chẳng lành, gia đình thì lộn xộn, xóm làng không yên. Một hôm, có một vị thầy tu đi ngang tình cờ nghe được chuyện này nên khuyên họ Nguyễn phải trồng lại giàn gừa thì mới qua khỏi kiếp nạn. Gia đình họ Nguyễn nghe theo và trồng lại giàn gừa, đồng thời lập miễu thờ Bà Cố Hỷ, từ đó gia đình họ Nguyễn cũng như xóm làng đều bình yên vô sự. Đồng thời, dân làng xung quanh cũng chọn ngày 28 tháng 2 âm lịch hàng năm để làm lễ cúng Bà.

Câu chuyện có vẻ hoang đường, nhưng đã gắn với đời sống tâm linh của người dân nơi đây gần 200 năm qua nên nó có giá trị nhất định về mặt tinh thần. Điều này được chứng thực qua số lượng người đến viếng Bà ngày một đông, đặc biệt là vào dịp cúng Bà. Cho đến nay chưa ai giải thích rõ lai lịch của Bà, người ta chỉ gọi Bà theo danh xưng là Thượng Động Cố Hỷ mà thôi.

Như vậy, huyền thoại hóa là một trong những thủ pháp để làm thiêng hóa nhân vật được phụng thờ trong lễ cúng miễu ở Cần Thơ. Thủ pháp này có sự kết hợp giữa truyền thuyết và giai thoại dân gian, không chỉ làm cho các nhân vật được phụng thờ có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân mà còn phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, xã hội lúc bấy giờ.

Thứ ba là linh hoạt trong nghi thức cúng tế. Trong lễ cúng miễu, ngoài đối tượng được phụng thờ, nghi thức cúng còn phải kể đến vật phẩm cúng. Phẩm vật dâng cúng thần linh trong lễ cúng miễu dường như không có sự qui định cụ thể về số lượng và chủng loại. Việc này là tùy tâm ở người dâng lễ, mà nói theo cách nói của người dân nơi đây là có gì dùng nấy. Cúng nhiều, ít, thức cúng là gì… tùy hoàn cảnh kinh tế của mỗi người cũng như của mỗi cơ sở thờ tự; chỉ cần lễ vật là những thứ ngon nhất, tinh khiết nhất có được. Trong quá trình tế lễ, một số nghi thức của lễ hội truyền thống đã được lược bớt cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt ở lễ cúng miễu, nghi thức cúng đã được người dân Cần Thơ linh hoạt bằng cách mô phỏng cách cúng của đình làng, cũng ba tuần rượu một tuần trà, rồi đọc văn tế… Bởi, mỗi loại hình thờ tự đều có cách cúng khác nhau, để nhớ hết từng ấy nghi thức, đòi hỏi Hương lễ phải dụng công rất nhiều. Đối với họ, điều này có phần hơi quá sức, vì bận việc đồng áng quanh năm, lại không phải là những người giỏi chữ nghĩa, thôi đành sao chép cách cúng ở đình làng cho tiện, chỉ cần thay tên đối tượng cử lễ lúc cúng và nghi thức cúng là được.

Như vậy, chúng ta thấy, từ thời gian cúng, vật phẩm cúng, cho đến nghi thức cúng đều được người dân Cần Thơ linh hoạt tối đa cho phù hợp với hoàn cảnh của mình.


Nguồn: Báo Cần Thơ


d765214f-11df-4bb0-8711-6b4bac148ac1

Tiêu đề bài viết: Tính linh hoạt trong lễ cúng miễu ở Cần Thơ. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français