Những vườn cây xanh mát, trĩu quả đang phát triển ngày một nhiều tại nơi đây. Mời quý du khách một lần về cù lao Tân Lộc để cùng cảm nhận tình đất, tình người ngọt ngào trên dãi đất cù lao.
Từ Quốc lộ 91 rẽ vào Trung tâm Quận Thốt Nốt, qua đò Thốt Nốt - Tân Lộc là du khách đã đến với cù lao Tân Lộc. Du khách cũng có thể đến bằng con đường Lai Vung - Đồng Tháp rồi qua phà Tân Lộc. Cù Lao Tân Lộc có một không gian yên bình thư thản mà không kém phần cổ kính với những ngôi nhà hằng trăm năm tuổi. Giai thoại về những người đã xây dựng nhà cổ Tân Lộc cũng đã thu hút được hiếu kì của du khách phương xa.
Sơ đồ cù lao Tân Lộc
Trong số các Cù lao ở Miền Tây đa số còn rất nhiều nhà cổ, trong đó cù lao Tân Lộc còn tồn tại hơn 30 ngôi nhà cổ hơn trăm năm tuổi. Đặc biệt là ngôi nhà cổ của ông Trần Bá Thế được xây dựng vào năm 1935 và đây cũng là điểm tham quan du lịch mà quý khách không nên bỏ qua. Ông Trần Bá Thế mà người dân quen gọi là ông Sáu Thế, là hậu duệ đời thứ 7 của chủ nhân ngô nhà này. Ông kể chủ nhân đầu tiên ngôi nhà là ông hội đồng Trần Thiên Thoại, cha ông Thoại là ông Trần Văn Huấn - một quan viên triều vua Gia Long. Trong một lần tháp tùng vua về phương Nam, ông Trần Văn Huấn đã dừng chân tại cù lao Tân Lộc và khai phá vùng đất này. Ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc Đông - Tây kết hợp tạo nên nét độc đáo riêng, trong đó nội thất được làm hoàn toàn bằng gỗ, tường vẽ hoa văn nhẹ nhàng làm tăng độ tinh tế cho ngôi nhà. Trãi qua bao tháng năm ngôi nhà được các thế hệ con cháu trông coi cẩn thận, đến nay mọi thứ của ngôi nhà vẫn được vẹn nguyên như lúc ban đầu, từ khuôn viên kiến trúc cho đến các vật dụng bày trí bên trong.
Ngôi nhà cổ của ông Trần Bá Thế với kiến trúc độc đáo
Trên đất cù lao bên cạnh cổ kính trằm mặc của nhà xưa, cuộc sống vẫn đang đổi thay từng ngày, những đồng mía ngày nào đã được thay thế bằng những vườn cây ăn trái xum xuê quanh năm trĩu quả. Được dòng sông Hậu ôm trọn trong lòng, cù lao Tân Lộc đất đai trù phú màu mỡ rất thuận lợi cho việc phát triển vườn trái cây ăn trái trong đó đặc biệt giống “mận An Phước” được xem là giống cây trông chủ lực mang tới hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình nơi đây. Mận An Phước có đặc điểm say trái nhưng dễ rụng và vào đúng mùa trái mận không có giá cao, vì thế để tận dụng giá trị của quả mận tại cù lao đã có một lão nông - Nguyễn Phú Tia là người đã sáng tạo ra một loại đặc sản đã gắn liền với vùng đất này. Đó chính là “rượu mận”, Rượu mận Sáu Tia đã nổi tiếng trên thị trường khá lâu, thương hiệu được nhiều người biết tới. Đến với cù lao Tân Lộc quý du khách lại được tìm hiểu quy trình làm rượu mận và thưởng thức rượu mận thơm ngon.
Rượu Mận Sáu Tia đã được công nhận sản phẩm OCOP
Cù lao Tân Lộc còn gắn liền với tên gọi “Cù lao cá”, dọc phía đuôi cù lao nằm cặp bờ sông Hậu giúp thuận tiện cho việc xử lý nguồn nước và cải tạo ao nuôi, hiện nay cù lao Tân Lộc được UBND thành phố Cần Thơ chọn làm khu nuôi thủy sản của thành phố chuyên nuôi cá tra thương phẩm. Gần hai mươi năm gắn bó với nghề nuôi cá tra cùng với biết bao thăng trầm, gia đình chú Trương Văn Khanh làm nên một loại đặc sản mới gắn liền với con cá tra, đó là “Mắm cá tra” cũng đã được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Bên cạnh các vườn mận trên cù lao Tân Lộc, còn có một vườn dừa của chú Lê Tấn Nhường, vườn dừa gần 10ha khoảng hơn 500 cây dừa đã làm nên nét riêng nổi bật, với rất nhiều giống dừa: dừa xiêm, dừa dứa…Thưởng thức từng trái dừa ngọt thơm trong không gian xanh mát, yên bình ở vườn dừa xứ cù lao là trải nghiệm thú vị của du khách gần xa. Đến với "Vườn dừa Tân Lộc" không khí rất trong lành, cảnh vật hiền hòa. Bơi xuồng vòng quanh vườn dừa rất là vui và mát.
Về cù lao Tân Lộc, nhất là vào những mùa trái cây quý khách có thể thỏa thích thưởng thức các loại trái cây đặc sản ngoài mận ra còn có ổi lê, xoài, chôm chôm, nhãn. Chỉ cần với tay đã có thể hái được trái và tận hưởng không gian yên bình của làng quê.
Nguồn: Tourismcantho.vn