Hội thảo với sự tham dự của gần 200 đại biểu gồm: lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lãnh đạo Tòa án nhân dân, các Sở quản lý Nhà nước về du lịch khu vực ĐBSCL; các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về du lịch; đại diện các khu du lịch, các công ty lữ hành…
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao; là ngành kinh tế quan trọng và từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở nước ta. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã xác định mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác…
Thực hiện mục tiêu đó, thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam và ĐBSCL đã nỗ lực không ngừng kịp thời khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, đưa du lịch tiếp tục phát triển và đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.
ĐBSCL là vùng đất ở cực nam Tổ quốc, gồm 13 tỉnh, thành phố, trong đó Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, có diện tích khoảng 40.000 km2 với dân số gần 18 triệu người, có 4 dân tộc anh em (Kinh, Khmer, Hoa, Chăm) sống chan hoà tình cảm, nghĩa tình và mến khách, với những phong tục tập quán sinh hoạt cộng đồng độc đáo từ nhiều thế kỷ qua, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với những sản phẩm chủ đạo là: du lịch sinh thái sông nước miệt vườn; biển, đảo; du lịch lễ hội văn hoá, lịch sử; ẩm thực và du lịch MICE… ĐBSCL được xác định là 1 trong 7 vùng du lịch của quốc gia và là điểm đến an toàn, có sức hấp dẫn du khách gần xa.
Thời gian qua, ngành du lịch ĐBSCL đã nỗ lực phấn đấu vươn lên và đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ, nhưng tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, trong đó có những hạn chế và khó khăn nhất định về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và thực thi pháp luật về du lịch.
Vì vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các nhà quản lý; các chuyên gia, các viện, trường đại học, cao đẳng du lịch và các tổ chức kinh doanh du lịch tại ĐBSCL trong việc đánh giá thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch và vấn đề thực thi pháp luật về du lịch tại các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp của khu vực ĐBSCL.
Qua đó đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao tại ĐBSCL; định hướng công tác đào tạo gắn với thực tế đồng thời nâng cao và cập nhật kiến thức pháp luật về du lịch, đảm bảo phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và đúng quy định của pháp luật.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo, trao đổi thảo luận trực tiếp, đóng góp ý kiến với các nội dung xoay quanh một số vấn đề trong phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng vùng ĐBSCL đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới; nội dung nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực du lịch dưới góc nhìn doanh nghiệp lữ hành; khó khăn, bất cập trong thực thi pháp luật cho việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại ĐBSCL…
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, cùng với các địa phương trong vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch và chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch theo nhiều hình thức: dài hạn, ngắn hạn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, ngành du lịch TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang có nhiều khó khăn trong việc đào tạo nguồn cán bộ quản lý du lịch, lực lượng lao động du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao và công tác thực thi pháp luật về du lịch. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ mong rằng thông qua Hội thảo này đề ra nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, thiết thực; định hướng công tác đào tạo gắn với thực tế; đồng thời, nâng cao và cập nhật kiến thức pháp luật về du lịch nhằm phát triển du lịch hiệu quả, bền vững hơn và đúng quy định pháp luật.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Xuân Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nhận định rằng các vấn đề được thảo luận tại đây đều rất thiết thực, có cơ sở và giải pháp rõ ràng. Ông nhấn mạnh rằng Cục Du lịch Quốc gia sẽ xem xét, chọn lọc và tiếp thu những ý kiến này, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch tại vùng ĐBSCL.
Theo ông Phạm Xuân Thủy, để đạt được hiệu quả cao nhất, việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống, bao gồm sự chỉ đạo tập trung và quyết liệt từ các cấp chính quyền, sự tham mưu chính xác và trách nhiệm từ các cơ quan quản lý du lịch, cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, tổ chức xã hội, và truyền thông nhằm lan tỏa thông tin rộng rãi. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của người lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch.
Ngoài ra, ông Phạm Xuân Thủy khẳng định, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cam kết sẽ tăng cường đầu tư vào công tác đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức các hoạt động phổ biến, tập huấn pháp luật du lịch tại khu vực ĐBSCL.
Kim Xuyến