Tin tức du lịch


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Khai thác giá trị văn hóa bản địa trong xây dựng sản phẩm du lịch
Ngày đăng: 04/09/2024

Lượt xem:


Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách luôn là vấn đề được đặt ra trong nhiều hội nghị, hội thảo, đặc biệt là tại Cần Thơ và ĐBSCL. Theo đó, văn hóa bản địa là chìa khóa mà nhiều chuyên gia đã xác định có thể tạo nên bản sắc riêng cho sản phẩm du lịch ở mỗi điểm đến, địa phương. Tại Cần Thơ, nhiều đơn vị cũng đã tìm lối đi riêng, mạnh dạn làm nên những sản phẩm khác biệt từ văn hóa bản địa.
Khách quốc tế trải nghiệm không gian chợ quê được tái hiện tại Mekong Silt Ecolodge. Ảnh: Mekong Silt Ecolodge

Nhìn nhận thực trạng

Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho biết: “Sản phẩm du lịch của ĐBSCL luôn bị nhận xét tương đồng, giống nhau. Đây là điều đáng buồn khi tài nguyên chưa được khai thác đúng giá trị. Thế mạnh của ĐBSCL là sông nước nhưng các sản phẩm du lịch từ đường sông không có nhiều và chưa có liên kết. Riêng tại Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng là điểm đến mà gần như 100% khách hàng đặt tour tại Vietravel sẽ lựa chọn khi đến Cần Thơ. Thế nhưng, bao năm qua chợ nổi Cái Răng vẫn chưa tạo thêm được điểm nhấn và để lại dấu ấn cho du khách. Do đó, các địa phương nên nhìn nhận lại cách làm sản phẩm du lịch”.

Đồng quan điểm, bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge (huyện Phong Điền), nói: “Tuy giàu tài nguyên nhưng thực tế phải chấp nhận là công tác làm sản phẩm du lịch của chúng ta chưa tốt. Người làm du lịch phải nhìn nhận lại và thay đổi tư duy, cách làm mới có thể phát huy giá trị và nâng chất sản phẩm du lịch, điểm đến. Văn hóa bản địa là giá trị cốt lõi để làm nên sự khác biệt. Phải hiểu du khách đến Cần Thơ mong muốn có những khác biệt gì về vùng đất, con người để họ có thể nhớ về nơi đã từng đi qua và quay lại”. Bà Bích Tuyền cũng chỉ ra rằng, Đồng Tháp đang làm rất tốt điều này khi chú trọng khai thác và xây dựng thương hiệu từ sen và những làng nghề truyền thống. Sản phẩm du lịch đặc trưng từ sen của Đồng Tháp cũng được nhiều người ghi nhớ qua những điểm đến, lễ hội đặc trưng; hay không gian thực cảnh Chợ ma Định Yên được tái hiện công phu.

Thực tế, văn hóa bản địa là yếu tố quan trọng trong xây dựng sản phẩm du lịch, bởi từ đây mới tạo nên nét đặc trưng, khác biệt giữa các địa phương. Xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch trên nền tảng văn hóa cần phải chú trọng chiều sâu các giá trị tri thức và sáng tạo thì mới có thể tạo nên bản sắc riêng. Mỗi một địa phương, điểm đến, di tích, lễ hội, hay con người, món ăn… đều chứa đựng trong đó câu chuyện gắn liền những giá trị văn hóa khác biệt. Điều quan trọng là người làm du lịch biết cách kể câu chuyện đó một cách hấp dẫn và thú vị. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn và Du lịch Hải Âu Cần Thơ, nhận định: “Khi có đủ tri thức về văn hóa bản địa, nhìn đâu cũng sẽ thấy sản phẩm du lịch. Và khi chúng ta có hiểu biết sâu về văn hóa bản địa thì sẽ biết cách vận dụng để làm những sản phẩm phù hợp với thực tế và từng dòng khách”.

Xây dựng sản phẩm từ nền tảng văn hóa bản địa

Để có được những sản phẩm du lịch đủ sức hút dựa trên yếu tố văn hóa bản địa, đòi hỏi phải có sự tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư, trong đó phải linh hoạt thích ứng trước mọi tình huống khó khăn, không ngừng sáng tạo. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, chia sẻ: “Bản thân người làm du lịch phải tự hào về vùng đất của mình thì mới lan tỏa được điều đó đến du khách. Chúng ta phải hiểu được giá trị văn hóa, sản vật của địa phương thì mới nâng chất được sản phẩm và tạo lối đi khác biệt. Khi làm du lịch kết hợp nông nghiệp, chúng tôi vừa bán được nông sản với giá trị tăng thêm vừa lan tỏa câu chuyện làm nông nghiệp sạch, câu chuyện về kinh tế tuần hoàn từ mô hình du lịch xanh…; đồng thời là cơ sở để chúng tôi sáng tạo nhiều sản phẩm du lịch khác, tạo được bản sắc riêng”. Theo đó, tại Mekong Silt Ecolodge có nhiều mô hình, sản phẩm du lịch độc đáo được khai thác từ văn hóa bản địa, trở thành địa điểm thu hút nhiều chuyên gia về môi trường, nông nghiệp, kinh tế đến tham quan và chia sẻ kinh nghiệm, trong đó có nhiều đoàn khách từ Nhật Bản, Mỹ…

Hàng chục tình nguyện trẻ tham gia chương trình On The Map tại cồn Sơn. Ảnh: HaiAu Educursions

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn và Du lịch Hải Âu Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi làm sản phẩm văn hóa kết hợp du lịch, trong đó quan tâm đến các sản phẩm từ văn hóa bản địa, di sản địa phương. Để làm điều này, chúng tôi đi vào cộng đồng, tiếp xúc người dân địa phương, tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng ở mỗi nơi. Trên cơ sở đó, chúng tôi xây dựng khung sản phẩm cơ bản, có các chương trình trải nghiệm, workshop làng nghề… và tùy theo từng thị trường sẽ có những sản phẩm chuyên biệt phù hợp”. Cụ thể, tại Cần Thơ, đơn vị có bộ sản phẩm chuyên về di sản bên sông, với hành trình là khám phá chợ nổi, gặp gỡ những nghệ nhân của các làng nghề truyền thống dọc bên sông ở xóm thúng Yên Hạ, xóm chiếu Thường Thạnh, chợ truyền thống… Du khách khi trải nghiệm những hành trình này không dừng lại ở việc chỉ nghe, tìm hiểu mà còn kết hợp các ứng dụng công nghệ góp phần lan tỏa hình ảnh của điểm đến. Bà Ngọc Sương nói: “Trọng tâm của những sản phẩm này là cộng đồng địa phương, phải có những người dân bản địa thì mới ra được cái “hồn” của sản phẩm. Du khách có sự tương tác với người dân địa phương thì mới có sự trải nghiệm đúng chất. Thị trường chính của chúng tôi là học sinh, sinh viên và mục tiêu của chúng tôi cũng là trao truyền cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa bản địa. Bằng cách kết nối người trẻ và người dân bản địa, từ đó du khách có những góc nhìn khác hơn”. Ví dụ như chương trình On The Map do Công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn và Du lịch Hải Âu Cần Thơ kết hợp Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp cồn Sơn cùng thực hiện; các tình nguyện viên có 6 tuần sống cùng người dân cồn Sơn, hỗ trợ người dân học tiếng Anh, xây dựng chuỗi phóng sự “Dìa cồn Sơn”, lan tỏa và quảng bá hình ảnh cồn Sơn qua những câu chuyện, tranh vẽ, bài hát, thơ sáng tác trong quá trình sống cùng cộng đồng nơi đây…

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam. Sản phẩm du lịch khai thác từ văn hóa bản địa là chìa khóa để tạo nên sản phẩm đặc trưng, khác biệt. Cần Thơ và các địa phương ở ĐBSCL cũng đang nỗ lực xây dựng những sản phẩm đặc trưng từ văn hóa bản địa, trong đó các doanh nghiệp đã mạnh dạn tìm hướng đi riêng và tạo được những dấu ấn khác biệt. Tuy mới chỉ là những bước đi đầu tiên, nhưng đã góp phần tạo sự đa dạng về sản phẩm, đồng thời tạo được dấu ấn riêng cho sản phẩm du lịch văn hóa ở Cần Thơ.


Nguồn: Báo Cần Thơ


ad82175e-f07d-40ba-b9f3-43262b8d1264

Tiêu đề bài viết: Khai thác giá trị văn hóa bản địa trong xây dựng sản phẩm du lịch . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français