Tin tức du lịch


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Tập trung xây dựng sản phẩm đặc trưng, kết nối thị trường đường bay
Ngày đăng: 06/01/2024

Lượt xem:


Du lịch Cần Thơ đã có một năm phát triển vượt chỉ tiêu đề ra về lượt khách lẫn doanh thu. Kết quả này là quá trình nỗ lực chung của doanh nghiệp du lịch và cả hệ thống chính trị, dù còn nhiều khó khăn hậu COVID-19. Năm 2024, ngành Du lịch Cần Thơ đề ra một số định hướng và giải pháp thúc đẩy phát triển, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025.
Du lịch MICE là sản phẩm được chú trọng đầu tư tại Cần Thơ. Trong ảnh: sự kiện kết nối TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL tổ chức tại Khách sạn Mường Thanh, Cần Thơ.

Nhanh chóng phục hồi

Cần Thơ là một trong những địa phương có tốc độ phục hồi du lịch khá nhanh sau dịch COVID-19. Cụ thể, năm 2023, du lịch Cần Thơ đón gần 5,99 triệu lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách lưu trú có gần 2,98 triệu lượt. Khách lưu trú quốc tế đạt khoảng 159.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt 5.420 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm qua du lịch Cần Thơ đã tổ chức thành công các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh…; mở rộng thị trường quốc tế: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore; liên kết, phối hợp với các địa phương tổ chức các sự kiện quảng bá, thu hút du khách và mở rộng thị trường: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tuyên Quang, các tỉnh Tây Bắc, TP Hồ Chí Minh… Ðồng thời, nhiều mô hình du lịch, điểm đến mới được hình thành và phát triển như mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp và cắm trại, du lịch thể thao, du lịch chăm sóc sức khỏe… Trong đó, Làng du lịch Mỹ Khánh được công nhận là sản phẩm OCOP du lịch 4 sao đầu tiên của ÐBSCL.

Các hoạt động đầu tư đào tạo, nâng chất nguồn nhân lực du lịch được chú trọng với 15 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho hơn 700 học viên là cán bộ phụ trách du lịch tại quận huyện, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, vận tải du lịch... Xây dựng và phát triển nhiều đề án sản phẩm du lịch đặc trưng “Phát triển mô hình du lịch MICE tại TP Cần Thơ”, “Ðánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp khai thác hiệu quả các di tích lịch sử - văn hóa vào phát triển du lịch ở TP Cần Thơ”, “Thực trạng và giải pháp phát triển hệ thống du lịch thông minh để thu hút du khách đến TP Cần Thơ”, “Ðề án phát triển du lịch nông nghiệp”, “Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều)”…

Dù vậy, vẫn còn không ít khó khăn, thử thách, như chia sẻ của bà Ðào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ: “Sản phẩm du lịch có đổi mới, nâng chất nhưng chưa thực sự hấp dẫn, chưa tạo được sự khác biệt, thiếu tính cạnh tranh, nhất là sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch đường sông chưa phát huy được thế mạnh. Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng nhu cầu hội nhập. Công tác xúc tiến, quảng bá còn dàn trải, chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác nghiên cứu thị trường. Hiện nay tại Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ chỉ khai thác 6 đường bay nội địa và 1 đường bay quốc tế; so với năm 2019 đã tạm dừng 6 đường bay nội địa. Việc đầu tư ngân sách cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch còn hạn chế, nên ảnh hưởng đến quy mô hoạt động và hiệu quả quảng bá hình ảnh địa phương”.

Ðịnh hướng phát triển

Bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho rằng: “Sau dịch COVID-19, Cần Thơ và ÐBSCL được đánh giá là có nhiều tiềm năng và thu hút nhiều du khách. Riêng năm 2023, Vietravel đón khoảng 28.000 du khách đến Cần thơ, trong đó khách từ thị trường Ðông Nam Bộ chiếm tỷ lệ lớn. Ở góc độ lữ hành, chúng tôi thấy rõ chuyển biến của Cần Thơ trong những năm qua là nhờ sự đầu tư cơ sở hạ tầng, điểm đến. Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất địa phương quan tâm khôi phục các đường bay, bên cạnh đầu tư cho các sản phẩm đặc trưng như MICE. Ðây là thế mạnh của Cần Thơ nhờ có hạ tầng phù hợp, nhưng cần có những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển. Dự kiến, chúng tôi cũng sẽ mở những chuyến bay thuê chuyến hướng đến thị trường quốc tế, kỳ vọng sẽ kết nối thị trường và tạo đà cho các đường bay hoạt động trở lại. Ðồng thời, chúng tôi cũng mong muốn Cần Thơ tổ chức nhiều đoàn xúc tiến quảng bá để kết nối mở rộng thị trường, theo đó sớm xây dựng các sự kiện để các doanh nghiệp chủ động kế hoạch tham gia”.

Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch  xúc tiến, quảng bá du lịch năm 2024. Trong đó, thị trường quốc tế hướng đến là Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Úc; thị trường trong nước sẽ tập trung ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, khu vực Tây Nguyên… Một số hoạt động điểm nhấn có sự thay đổi, như Ngày hội du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng năm 2024 sẽ gắn với Lễ hội Sông nước Cần Thơ… Chúng tôi cũng sẽ sớm có lịch của các hoạt động này để các doanh nghiệp du lịch chủ động trong kết nối, quảng bá và đưa khách về Cần Thơ”.

Các doanh nghiệp du lịch khảo sát sản phẩm du lịch mới tại Phong Ðiền.

Trong năm 2024, ngành Du lịch Cần Thơ đề ra chỉ tiêu đón khoảng 6,1 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt khoảng 3,1 triệu lượt. Ðồng thời, chú trọng xây dựng và phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, trong đó hướng đến các thế mạnh: du lịch sinh thái sông nước, MICE; trình phê duyệt đề cương đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Văn hóa Chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đề cương “Phát triển du lịch TP Cần Thơ theo hướng sinh thái gắn với các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương”... bên cạnh tham mưu chính sách hỗ trợ phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2030. Chủ động và tranh thủ các nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đảm bảo thống suốt từ trung tâm thành phố đến các điểm đến du lịch trên địa bàn, mời gọi đầu tư các bến tàu du lịch quy mô, hiện đại. Nghiên cứu cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới, kết nối với các thị trường khách du lịch có tiềm năng. Tăng cường thu hút, mời gọi đầu tư các đề án, dự án lĩnh vực du lịch đã được phê duyệt, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Mục tiêu đến năm 2025, ngành Du lịch TP Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, sức cạnh tranh cao; điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước. Ngành Du lịch tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, tháo gỡ khó khăn và thay đổi tư duy, sáng tạo khi làm du lịch”. Cụ thể, tập trung xây dựng và phát triển loại hình, sản phẩm phù hợp với tiềm năng và định hướng phát triển của thành phố: du lịch sinh thái sông nước, MICE…; tăng cường đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm, góp phần đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm du lịch, thu hút du khách chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú. Năm 2024, ngành Du lịch thành phố xây dựng một tuyến du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch đặc trưng đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trọng điểm, hình thành các tuyến du lịch liên vùng, đa dạng điểm đến, tạo sức hấp dẫn, kết nối chuỗi giá trị trong sản phẩm du lịch. Ðồng thời huy động nguồn lực đầu tư hỗ trợ phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; tham mưu các cơ chế, chính sách về đầu tư. Bên cạnh đó là các giải pháp về nâng chất nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống du lịch thông minh, đổi mới quảng bá, xúc tiến cũng phải được quan tâm đổi mới.


Nguồn: Báo Cần Thơ


3e571a8c-90ab-48ee-aaf8-0d25c06043de

Tiêu đề bài viết: Tập trung xây dựng sản phẩm đặc trưng, kết nối thị trường đường bay . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français