Lịch sử


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Những hiện vật về Chiến thắng Điện Biên Phủ
Ngày đăng: 07/05/2023

Lượt xem:


Chiến thắng Ðiện Biên Phủ ngày 7-5-1954 là sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ghi trang sử oai hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam. Nhiều hiện vật về Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đến nay vẫn còn được lưu giữ, bảo quản, giúp thế hệ hôm nay và bạn bè quốc tế hiểu hơn về truyền thống của nước ta.
Bảo vật quốc gia - tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng. Ảnh: nhandan.vn

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, tháng 5-1954. Tiêu biểu là Huy hiệu “Chiến sỹ Ðiện Biên Phủ” được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng các chiến sĩ đã chiến đấu và chiến thắng ở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Huy hiệu có hình tròn, chính giữa nổi bật với hình ảnh người chiến sĩ đội chiếc nón nan đang trong tư thế xung phong, phía trên có cờ “Quyết chiến quyết thắng” và dòng chữ “Xuân 1954”; phía dưới có dòng chữ “Chiến sỹ Ðiện - Biên - Phủ”. Họa sĩ Mai Văn Hiến và họa sĩ Nguyễn Bích, hai bậc đại thụ của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam, đã cùng sáng tạo Huy hiệu này.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn lưu giữ hiện vật súng ÐKZ do anh hùng Trần Ðình Hùng sử dụng để tấn công địch trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Mũi khoan được bộ đội công binh dùng mở đường tấn công địch ở Ðiện Biên Phủ. Máy vô tuyến điện do chiến sĩ thông tin Chu Văn Mùi dùng phục vụ công tác liên lạc trong chiến dịch. Cuốc chim được bộ đội dùng đào hầm đánh cứ điểm Him Lam. Cọc tời của bộ đội pháo binh đã dùng kéo pháo... Ðặc biệt là Cờ “Quyết chiến quyết thắng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cán bộ chiến sĩ tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Trong nhiều hiện vật liên quan đến Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, có một hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2012. Ðó là khẩu pháo cao xạ 37mm, số hiệu 510681, gắn liền với tên tuổi của anh hùng Tô Vĩnh Diện, hiện được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Phòng không - Không quân. Pháo cao xạ 37mm này do Liên Xô viện trợ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được biên chế về Khẩu đội 3, Ðại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Huy hiệu “Chiến sỹ Điện - Biên - Phủ”. Ảnh: bqldt-svhttdl.dienbien.gov.vn

Ðêm 1-2-1954, tại dốc Chuối, Ðiện Biên Phủ, trong khi kéo pháo ra thì dây tời pháo bị đứt. Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện đã mưu trí, dũng cảm lái càng pháo vào vách núi để bảo vệ pháo. Cản được pháo không lăn xuống vực nhưng anh hùng Tô Vĩnh Diện bị bánh xe của khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đè lên người gây trọng thương, sau đó hy sinh. Trước lúc hy sinh, anh hùng Tô Vĩnh Diện còn hỏi “Pháo có việc gì không?”. Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân 2 năm sau đó. Khẩu pháo này sau đó tiếp tục tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, bắn rơi 3 máy bay, bắn trúng làm hư hại 13 chiếc khác, góp phần làm nên Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.

Một hiện vật đặc biệt ở lĩnh vực mỹ thuật liên quan đến Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là tranh “Kết nạp Ðảng ở Ðiện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng, được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ, Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia vào năm 2013. Bức tranh “Kết nạp Ðảng ở Ðiện Biên Phủ” được họa sĩ Nguyễn Sáng sáng tác vào năm 1963, bằng chất liệu sơn mài. Tác phẩm phác họa không gian trang nghiêm của buổi kết nạp Ðảng ở chiến hào của các chiến sĩ Ðiện Biên. Ngoài giá trị về mỹ thuật như tạo hình, bố cục, đường nét, màu sắc, “Kết nạp Ðảng ở Ðiện Biên Phủ” còn là câu chuyện sống động về giai đoạn kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc.


Nguồn: Báo Cần Thơ


c0284c62-bea5-4694-9815-d5c121769ba3

Tiêu đề bài viết: Những hiện vật về Chiến thắng Điện Biên Phủ . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français