Về nguồn gốc, có nhiều giả thuyết khác nhau về buổi ban đầu hình thành đình làng Việt Nam; nhưng có thể khẳng định, đến thế kỷ XVI, đình làng được xây dựng rất phổ biến ở miền Bắc và miền Trung. Đình là một kiến trúc đồ sộ và uy nghiêm nhất trong làng, thường được xây dựng thuận theo phong thủy với nhiều kiểu mặt bằng đa dạng như chữ Nhất (一), chữ Nhị (二), chữ Tam (三), chữ Đinh (丁), chữ Công (工), chữ Quốc (國). Nhìn chung, kiến trúc Đình trong giai đoạn này đã sử dụng kết cấu phức hợp gỗ - đá - đất nung.
Từ năm 1732 đến 1739 vùng hữu ngạn sông Hậu được Chúa Nguyễn Phúc Chu lập thêm 4 vùng đất mới: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Bắc Bạc Liêu) sáp nhập vào trấn Hà Tiên. Chúa Nguyễn nhìn nhận đất Trấn Giang có một vị trí chiến lược, trọng yếu cho cả vùng rộng lớn ở phía Tây sông Hậu. Từ đây Trấn Giang được tập trung phát triển về mọi mặt: quân sự, kinh tế, thương mại và văn hóa.
Năm 1802 Chúa Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, lập ra vương triều Nguyễn lấy niên hiệu Gia Long, ổn định tình hình đất nước, cải cách hành chính. Theo đó, vùng An Giang xưa gồm 2 huyện Vĩnh An và Vĩnh Định thuộc phủ Vĩnh Thanh. Huyện Vĩnh Định (gồm vùng đất Cần Thơ ngày nay) chưa chia tổng, gồm 37 thôn, điếm. Trên vùng đất Cần Thơ xưa đã thành lập các làng Bình Thủy, Thới Bình, Tân An, Thường Thạnh, Thới An, Tân Lộc Đông, Thạnh Hòa, Trung Nhứt,… được kê khai rất chi tiết trong sổ Địa bạ của triều Nguyễn.
Theo quy định của triều đình, muốn lập làng phải đủ số dân đinh, diện tích đất đai đã khai khẩn rồi trình tấu về triều đình để chờ lệnh chuẩn. Khi thành lập làng phải có những thiết chế văn hóa như đình, chùa, miếu, võ... Từ cơ sở trên, các đình làng ở vùng đất Cần Thơ đã ra đời, tồn tại, phát triển qua các giai đoạn lịch sử cho đến ngày nay và đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa như: Đình Bình Thủy, Đình Thường Thạnh, Đình Thới An, Đình Thạnh Hòa, Đình Tân Lộc Đông, Đình Thuận Hưng - đây là những công trình tiêu biểu cho kiến trúc đình Cần Thơ hôm nay.
Buổi đầu sơ khai, các đình làng được dựng lên rất đơn sơ bằng nguyên vật liệu tại chỗ như cây lá có sẵn, không gian nhỏ hẹp. Những đình làng thuở ban đầu được biết đến qua lời truyền khẩu của các bậc trưởng lão và tư liệu của một số nhà nghiên cứu về đình làng Nam bộ.
Từ thế kỷ XVIII đến giữa đầu thế kỷ XIX, dân chúng dần ổn định cuộc sống, ruộng vườn cho huê lợi, dân làng có nhu cầu sửa chữa ngôi đình khang trang hơn. Vật liệu dựng đình trong thời kỳ này chủ yếu bằng gỗ, từ khung sườn cho đến các bộ phận bao che bên ngoài, mái lợp ngói ống (ngói âm dương) theo dạng kiến trúc truyền thống thuần Việt. Đình làng ở Cần Thơ trong giai đoạn này được thiết kế một tòa nhà gồm một quần thể nhiều nhà vuông có bốn cột chính, gọi là “Tứ trụ” hay “Tứ tượng”. Loại kiến trúc này có không gian mở rộng ra bốn hướng bằng bộ kèo đâm trính và kèo quyết rất đều nhau. Kết cấu theo bộ khung sườn này đã tạo ra các mái chồng lên nhau theo kiểu bát dần (八), bốn mái đề nhau và tỏa ra bốn hướng. Từ “Tứ trụ” các bộ kèo như những nhánh cây tủa ra bốn hướng nối các cột “hàng nhì”, “hàng ba” hay “hàng tư” kết hợp một cách đều đặn và chính xác, đối xứng xung quanh tạo thành một không gian nghi lễ thoáng đãng, tôn nghiêm, đáp ứng nhu cầu thờ tự, phục vụ lễ hội cho dân làng.
Điêu khắc và trang trí nội, ngoại thất các đình ở Cần Thơ có nội dung thể hiện phong phú, thể hiện sáng tạo theo tư duy văn hóa đặc thù của cư dân nông nghiệp, hình thành nên tín ngưỡng dân gian rất gần gũi với đời sống được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử của các đình làng. Đó là “Tứ linh” (Long - Lân - Quy - Phụng), “Tứ quý” (Mai - Lan - Cúc - Trúc), ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống thanh bình…. Bên cạnh đó, cùng với mảng chạm khắc những bức hoành phi, câu đối cũng được sử dụng hầu hết trong kiến trúc đình làng. Nhằm ca ngợi công đức của các bậc thần linh, tiền nhân đã phò trợ dân làng trên bước đường sinh cơ lập nghiệp, ổn định cuộc sống trên vùng đất mới.
Lễ cúng nhân ngày khởi công trùng tu Đình Thới An (quận Ô Môn) - Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Ảnh: Duy Khôi
Giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, Pháp chiếm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, đình làng bị tàn phá nhiều trong chiến tranh hoặc bị bỏ phế, hoang tàn. Sang đầu thế kỷ XX, kiến trúc đình được khôi phục. Nằm trong khuôn khổ chung của tình hình chính trị - xã hội lúc bấy giờ, nhiều đình làng ở Cần Thơ đã được trùng tu sửa chữa như: Đình Bình Thủy trùng tu năm 1909, Đình Tân Lộc Đông năm 1911, Đình Thới Bình 1881... Nhìn chung, các đình làng tu sửa trong giai đoạn này đều chịu sự ảnh hưởng kiến trúc của phương Tây, dù bộ khung sườn gỗ truyền thống vẫn được giữ nguyên. Từ đó ra đời một dạng thức mới: khung sườn gỗ kết hợp một phần với kết cấu tường gạch; cột gạch được thay thế một số cột gỗ trước đây. Mô típ nghệ thuật trang trí cũng có đôi chỗ thay đổi như cửa hình vòm và nguyên liệt sắt được dùng trang trí ô cửa (hoa sắt), nguyên liệu thủy tinh cũng bắt đầu có mặt trong các công trình, bờ tường và các đầu cột bổ sung vào các đường hoa văn tạo điểm nhấn.
Theo năm tháng, cùng với những sự kiện lịch sử, những cuộc chiến vệ quốc, kiến trúc của các ngôi đình làng ở Cần Thơ cũng thay đổi. Những ngôi đình tồn tại đến nay, được xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật hoặc Lịch sử văn hóa, đã trải qua một quá trình tích hợp và cải biến, nhưng vẫn giữ những nét truyền thống. Những năm gần đây, các đình làng ở Cần Thơ từng bước được trùng tu trả lại toàn bộ khung sườn thuần gỗ như Đình Thới An, Đình Thường Thạnh.
Nguồn: Báo Cần Thơ