Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Một nét thú vị của tục thờ Ông Thiên
Ngày đăng: 08/03/2023

Lượt xem:


Ở Tây Nam Bộ, mỗi gia đình thường có bàn thờ Thiên ở phía trước, gọi là bàn Ông Thiên hay bàn Thông Thiên. Đây là hình thức thờ cúng Ông Trời theo quan niệm dân gian. Nơi bàn Ông Thiên, gia chủ dán hai tờ giấy đỏ, một ngang và một dọc, có dòng chữ “Nghinh xuân tiếp phước” và “Thiên quan tứ phước”. Bên cạnh đó, ở một vị trí cao ráo trên cửa nhà, họ treo một lá bùa giấy đỏ. Đầu mỗi năm, lá bùa trên cửa và hai tờ giấy trên bàn Ông Thiên được gỡ xuống và thay mới.
Bàn thờ Ông Thiên.

Đó là một tập tục có ảnh hưởng từ văn hóa tộc Hoa - cộng đồng sinh sống gần gũi với người Việt hàng trăm năm trên vùng đất Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, tập tục này của người Việt có những biến thể.

Trước tiên, đề cập đôi nét về tục thờ cúng Ông Thiên. Trong quan niệm dân gian của người Hoa vốn chịu ảnh hưởng từ Đạo giáo, Ngọc Hoàng Thượng Đế là vị thần chủ quản cõi trời và đứng đầu tất cả thần linh. Ngọc Hoàng thường được phối thờ trong nhiều đền miếu. Bên cạnh đó, quan niệm về Ngọc Hoàng cũng ảnh hưởng đến tín ngưỡng dân gian của người Việt. Ở Tây Nam Bộ, hầu hết hộ gia đình đều có bàn thờ Ông Thiên trước nhà. Có người cho rằng đây là nơi thờ các vị quan trời (Thiên quan), lại có người nói đây là nơi thờ Ngọc Hoàng. Dĩ nhiên, văn hóa dân gian vốn đa dạng và không đóng khuôn với những chuẩn mực cố định. Do đó, mỗi người có thể có những quan niệm khác nhau về đối tượng tín ngưỡng mà mình đang thờ cúng. Song, tựu trung lại, người dân đều hiểu một cách đơn giản rằng bàn Thiên là nơi thờ Trời.

Bàn Ông Thiên có nhiều hình thức đa dạng nhưng nhìn chung khá đơn giản, có khi là bệ thờ vuông đặt trên cột trụ cao, có khi là trang thờ nhỏ ốp sát vách nhà. Trên bàn thờ, gia chủ có thể đặt bài vị có bốn chữ màu vàng trên nền đỏ là “Thiên quan tứ phước”, hình thức này thường gặp ở người Hoa nhiều hơn. Nếu bàn thờ có cột trụ, bốn chữ nói trên có thể được chạm nổi trên thân cột. Tuy nhiên, hình thức phổ biến là sử dụng giấy dán. Người dân thường sử dụng hai tờ giấy đỏ có viết chữ màu vàng. Tờ nằm ngang có dòng chữ “Nghinh xuân tiếp phước” (chào xuân đón phước) được dán vào bệ thờ. Tờ nằm dọc có dòng chữ “Thiên quan tứ phước” (quan trời ban phước) được dán lên thân cột. Đồng thời trên cửa nhà, gia chủ treo một lá bùa được gọi là bùa nêu, chất liệu giấy, nền đỏ, chữ vàng. Vào dịp đón năm mới, họ gỡ bỏ hai tờ giấy trên bàn Ông Thiên và lá bùa nêu của năm cũ, thay bằng hai tờ giấy và lá bùa nêu mới.

Bài thơ “Nguyên nhật” rất nổi tiếng của nhà thơ Vương An Thạch thời Tống có phản ánh tập tục này: “Bộc trúc thanh trung nhứt tuế trừ / Xuân phong tống noãn nhập Đồ tô / Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhựt / Tổng bả tân đào hoán cựu phù”. Trần Trọng San dịch: “Hết một năm rồi, tiếng pháo đưa / Gió xuân thổi ấm chén Đồ tô / Ngàn cửa muôn nhà vừa rạng sáng / Đều đem đào mới đổi bùa xưa”. Gỗ đào được dùng để vẽ hình hai vị Môn Thần trấn giữ trước cửa nhà, do đó gọi là “đào phù”, có nghĩa là bùa làm từ gỗ đào. Tập tục vẽ hoặc dán hình Môn Thần trên cửa đã có từ lâu đời, nhưng mỗi vùng miền có quan niệm và hình thức khác nhau. Môn Thần còn có thể được cho là Thần Đồ và Uất Lũy, hoặc Ngụy Trưng và Chung Quỳ… nhìn chung khá đa dạng. Vào dịp Giao thừa hằng năm, bùa đào được thay mới. Qua thời gian dài, tập tục này biến thể thành nhiều hình thức phong phú như bùa giấy, tranh vẽ, câu đối…

Tập tục này có ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam từ rất sớm. Thời nhà Mạc, Thượng thư Hoàng Sĩ Khải có bài thơ “Tứ thời khúc vịnh”, viết bằng chữ Nôm, thể thơ song thất lục bát, nội dung nói về những phong tục theo bốn mùa trong năm. Trong đó, đoạn viết về mùa xuân có câu: “Chung Quỳ khéo vẽ nên hình / Bùa đào cấm quỷ, phòng linh ngăn tà”. Ở Tây Nam Bộ, tập tục này được người Việt tiếp nhận và có những biến thể. Người Hoa thường dán năm tờ giấy đỏ theo chiều dọc ở phía trên cửa nhà, mỗi tờ giấy là một câu chúc. Người Việt lại thường dán hai tờ giấy đỏ theo chiều dọc và chiều ngang tại bàn Ông Thiên như đã trình bày bên trên. Tuy vậy, hình thức này có thay đổi tùy theo địa phương. Chẳng hạn ở một số nơi, dòng chữ “Nghinh xuân tiếp phước” trên tờ giấy nằm ngang được thay bằng “Phật quang phổ chiếu” (ánh sáng Phật chiếu rộng). Vì dân gian cho rằng, Phật có vị thế cao hơn, nếu dòng chữ “Thiên quan tứ phước” đã nằm dọc ở thân cột phía dưới, thì dòng chữ “Phật quang phổ chiếu” phải nằm ngang ở bệ thờ phía trên. Những biến thể ấy phần nào phản ánh tính phong phú của văn hóa dân gian.

VĨNH THÔNG


Báo Cần Thơ


f0d572c4-4f73-4ff6-bf9f-c729c0b60f0e

Tiêu đề bài viết: Một nét thú vị của tục thờ Ông Thiên . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français