Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Phát triển văn hóa cơ sở - “Vững nền bền nhà”
Ngày đăng: 15/03/2023

Lượt xem:


Văn hóa là nguồn lực, động lực phát triển TP Cần Thơ
Một buổi sinh hoạt nghệ thuật của TTVH - Thể thao phường An Phú, quận Ninh Kiều.

Tại Ðại hội Ðảng lần thứ XIII, Ðảng ta xác định: “Phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển”. Phát biểu kết luận Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”. Theo Tổng Bí thư, nhận thức của Ðảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển, ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn.

Từ cơ sở lý luận đó, TP Cần Thơ đã và đang tập trung phát triển văn hóa trên cơ sở đầu tư hạ tầng văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; khơi thông nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, nhiều thách thức đặt ra cho phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa.

Những thành quả trong xây dựng đời sống văn hóa ở Cần Thơ đã góp phần rất lớn thay đổi diện mạo thành phố. Ðặc biệt, nếp sống văn hóa mới hình thành ngày một rõ nét với người Cần Thơ. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công nghệ hóa tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa cơ sở - nội dung văn hóa vốn được xem là “vững nền bền nhà”.

Những dấu ấn

“Nhiều bà con xa quê, nay trở lại xã Thới Ðông, huyện Cờ Ðỏ có nhận xét: Cờ Ðỏ ta, Thới Ðông ta phát triển nhanh quá, có nhiều đổi mới quá!”, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ như thế trong ngày xã Thới Ðông đón nhận danh hiệu “Xã nông thôn mới nâng cao” mới đây. Theo ông, đó chính là thành tựu từ cách làm thực chất trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Từ một xã nằm trong diện nghèo nhất của TP Cần Thơ trước đây, Thới Ðông vươn lên mạnh mẽ, từ diện mạo nông thôn đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nói như cách ví von của bà con địa phương: “Ở chợ lớn có gì, Thới Ðông có đó!”.

Ðến nay, 100% xã của TP Cần Thơ đều đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã trong số đó đạt chuẩn danh hiệu nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Ở xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai vừa được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, ngoài các tiêu chí “cứng” theo quy định, địa phương còn xây dựng nhiều mô hình đặc sắc, như “Ấp thông minh” (thí điểm tại ấp Ðịnh Phước và Ðịnh Hòa), “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” (thí điểm tại ấp Ðịnh Yên). Chị Lê Thị Thanh Trúc, người dân ấp Ðịnh Yên, nói: “Quê hương tôi càng ngày đẹp hơn, xã nông thôn mới kiểu mẫu mang đến nhiều đổi thay thực sự”.

Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện nay, tất cả 47 phường, thị trấn của TP Cần Thơ đều đạt chuẩn danh hiệu “Phường/thị trấn văn minh đô thị”, 599 “Ấp/khu vực văn hóa”. Những con số này cho thấy phong trào đời sống văn hóa cơ sở được thực hiện rất khẩn trương, đồng bộ, mang lại hiệu quả tích cực.

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở cũng là một điểm son ở Cần Thơ khi tất cả các đơn vị xã, phường, thị trấn đều có Trung tâm Văn hóa (TTVH) - Thể thao được đầu tư khang trang, đầy đủ tiện nghi. Nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khu vực cũng được xây dựng theo quy định, tạo sức bật mới cho các khu dân cư. TTVH - Thể thao và Truyền thanh quận, huyện dần khẳng định vai trò “đầu mối” trong định hướng phát triển văn hóa cơ sở của địa phương. Ông Ðặng Ngọc Nhẫn, Giám đốc TTVH - Thể thao và Truyền thanh quận Cái Răng, cho biết: Ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, trung tâm còn thành lập các câu lạc bộ sở thích, quy tụ người dân tham gia; hướng dẫn chuyên môn cho cơ sở. Từ đó, phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng được nâng cao.

Chung tay nâng chất

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều địa phương có biểu hiện lơi lỏng trong việc nâng chất các danh hiệu văn hóa sau khi đã được công nhận. Ðặc biệt, việc phát huy công năng các thiết chế văn hóa đã được đầu tư còn hạn chế. Ðiển hình là nhiều TTVH - Thể thao cấp xã thường xuyên đóng cửa, thư viện cấp xã được đầu tư bài bản nhưng không có độc giả, hoạt động cầm chừng. Các câu lạc bộ được thành lập trên danh sách rất nhiều nhưng thực tế sinh hoạt trầm lắng.

Những năm qua, việc sáp nhập TTVH - Thể thao cấp huyện và Ðài Truyền thanh cấp huyện thành TTVH - Thể thao và Truyền thanh nảy sinh không ít bất cập. Dù sáp nhập nhưng vẫn “nhà ai nấy ở”, việc phối hợp trong tổ chức hoạt động chưa nhịp nhàng. Ðặc biệt, lãnh đạo trung tâm do không có chuyên môn ở lĩnh vực khác sau khi đã sáp nhập nên có tình trạng “giám đốc chuyên môn truyền thanh thì truyền thanh mạnh, chuyên môn văn hóa thì văn hóa mạnh”.

Cái khó tồn tại từ rất lâu của ngành Văn hóa trong phát triển phong trào chính là nhân lực ở cơ sở. Thực tế cho thấy, một khi TTVH - Thể thao cấp xã có người phụ trách giỏi nghề, tâm huyết thì phong trào rất mạnh, và ngược lại. Ðiển hình từ những TTVH - Thể thao cấp xã hoạt động tiêu biểu thời gian qua như An Phú, An Khánh (Ninh Kiều), Ðông Hiệp (Cờ Ðỏ), Long Hòa (Bình Thủy)... cho thấy rõ điều này. Ông Phạm Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Ðông Hiệp, chia sẻ: “Có thể khẳng định, Ban chủ nhiệm TTVH - Thể thao xã là tác nhân quan trọng thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tạo động lực và thu hút người dân tham gia”.

Một điển hình khác là câu chuyện phát triển đờn ca tài tử ở quận Ninh Kiều thời gian gần đây. Người “nhóm lửa” và “giữ lửa” phong trào là chị Trần Thị Phước (nghệ danh Lý Phương Phương), chuyên viên TTVH - Thể thao và Truyền thanh quận. Từ sự nhiệt huyết, tận tâm của chị, các câu lạc bộ đờn ca tài tử, sân khấu cấp quận, phường đều hoạt động đều đặn, chất lượng. “Họ cần thầy đờn, người sáng tác, người hướng dẫn ca... thì mình sẵn sàng đáp ứng; và phải đến cùng sinh hoạt thì mới tạo động lực cho các thành viên. Làm công việc này ngoài trách nhiệm thì sự nhiệt tình, chịu khó đi cơ sở và yêu nghề là rất quan trọng”, chị Lý Phương Phương nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Lê, Giám đốc TTVH TP Cần Thơ, nhìn nhận: Thời gian qua, hoạt động thiết chế TTVH - Thể thao cấp huyện và cấp xã có phần trầm lắng, chưa phát huy hết công năng cơ sở vật chất đã được đầu tư. Từ thực tế đó, TTVH thành phố xác định thực hiện khâu đột phá năm 2023 là “Nâng cao chất lượng hoạt động văn nghệ quần chúng tập trung hướng về cơ sở”. Theo đó, đơn vị sẽ cử lực lượng về cơ sở để hướng dẫn nghiệp vụ theo hướng “cầm tay chỉ việc”. 2 TTVH - Thể thao và Truyền thanh quận, huyện giáp ranh sẽ phối hợp xây dựng chương trình và mời TTVH thành phố cùng biểu diễn để tạo màu sắc mới cho chương trình, thu hút khán giả. “Mục đích của chúng tôi là giúp các câu lạc bộ ở TTVH - Thể thao cấp xã phải hoạt động đều tay hơn, có thể tự tổ chức văn nghệ biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương”, bà Nguyễn Thị Ánh Lê cho biết.

Ðặc biệt thời gian qua, tại các hội thi, liên hoan, hội diễn cấp thành phố vẫn còn tình trạng thuê mướn diễn viên để phục vụ tham gia, nhưng kết thúc thì “đâu lại vào đó”, không có lực lượng duy trì phong trào. Từ thực tế đó, TTVH thành phố đang tiến dần đến xây dựng, tạo nguồn nhân lực văn nghệ tại chỗ, xóa dần tình trạng thuê mướn thời vụ. Tại Liên hoan Ðờn ca tài tử TP Cần Thơ năm 2023 tới đây, TTVH thành phố giới hạn người ngoài quận, huyện tham gia trong đội thi không quá 30% và dự kiến tỷ lệ này sẽ thấp hơn nữa trong những năm tới.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: Ðể nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở, Sở tập trung cho công tác thông tin, tuyên truyền đến cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Việc tổ chức đăng ký, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn nữa. Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, hướng dẫn nâng cao kiến thức về công tác quản lý, tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao cho cán bộ, công chức văn hóa cấp xã để vận dụng vào thực tiễn hoạt động ở địa phương.

* * *

Thời gian qua, Thành ủy, HÐND, UBND TP Cần Thơ đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế và đô thị, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa mới, văn minh đô thị. Ðây được coi là cách làm bền vững vì cốt lõi của đời sống văn hóa chính là xây dựng được ý thức hệ về văn hóa trong mỗi người dân. Ý thức đúng sẽ dần đến hành động đúng, để mỗi việc làm, suy nghĩ của người Cần Thơ đều hướng đến vì thành phố văn hóa, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, trên nền tảng bản sắc văn hóa địa phương.


Nguồn: Báo Cần Thơ


fb1b0337-4372-485f-95c9-448494a6a967

Tiêu đề bài viết: Phát triển văn hóa cơ sở - “Vững nền bền nhà”. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français