HÌNH ẢNH ÐẸP

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Tôn giáo - tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Tính cách người Cần Thơ
Ngày đăng: 15/12/2005

Lượt xem:


Từ lịch sử hình thành xã hội của những lưu dân đi mở đất, cộng cư giữa 3 dân tộc Việt - Khmer - Hoa sinh sống trên các địa thế giao thông, đã tạo nên ở người Cần Thơ một số đặc tính riêng trong quan hệ xã hội.


Có thể tóm tắt ở các đặc điểm chủ yếu:


Tính hào hiệp, hiếu khách và thích giao du: 

Tính hào hiệp thể hiện trong cuộc sống hàng ngày với bạn bè, chòm xóm, rộng rãi với nhau trong lời ăn tiếng nói, có tấm lòng vị tha, sống có nghĩa với nhau, một tiếng phải sẵn sàng bao nhiêu cũng giúp “hạt muối cắn đôi”, không tính toán thiệt hơn, nhằm gieo cái nhân cho cái quả tốt đẹp về sau. Sự hào hiệp gắn liền với lòng hiếu khách, trọng nghĩa tình và thích giao du để đạt mục đích kết bạn với những bạn "tâm đầu ý hợp". Muốn được "Tứ hải giai huynh đệ" thì phải biết làm vừa lòng khách, dù là người quen thân trong xóm làng hay những người từ phương xa mới gặp. "Khách tới nhà không gà thì vịt" là câu nói nằm lòng của những người ở nông thôn, tỏ sự mến khách, cần được đãi đằng những món ăn ngon. Khách đến thăm, lưu lại trong nhà 5 - 7 ngày là chuyện thường tình. Đã có nhiều khách, nhiều bạn mối giao du càng mở rộng. Bạn đến nhà mình thì mình phải đi thăm bạn để biết thêm cảnh vật, con người rồi kết thêm nhiều bạn mới để học thêm cái lạ điều hay. Ngày xưa, khi người nông dân Cần Thơ còn làm 1 vụ dài ngày thì khoảng thời gian mùa khô là lúc nông nhàn. Những người “có ăn có để” thường hay tổ chức đi thăm bạn bè ở xa. Bạn bè gặp nhau, kết thêm bạn mới. Ngày nay, nhịp độ cuộc sống đã đổi khác, phải chạy theo thời gian, nhưng nói chung, mọi người vẫn thích kết bạn, thăm viếng lẫn nhau, hoặc đi nơi này, nơi khác xem là một nhu cầu về đời sống tinh thần. Có lẽ nếp giao du rộng rãi đã giúp cho người Cần Thơ dễ thích nghi với các điều kiện sống, đồng thời nhạy bén tiếp thu cái mới từ nơi khác đưa vào để vận dụng trong lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày.


Tình cảm mãnh liệt, dứt khoát, rõ ràng: 

Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng rộng sông dài, có đời sống tinh thần khoáng đạt, người Cần Thơ có phong cách biểu lộ tình cảm rất sôi nổi, mãnh liệt, dứt khoát, rõ ràng. Một khi đã xác định cái đáng yêu thì yêu hết mình, lộ ra ngoài mặt; cái nào đáng ghét thì ghét tận đáy lòng, khắc cốt ghi xương. Rất rõ ràng, dứt khoát. Chứ không lưng chừng, không lập lờ ranh giới mà minh bạch rõ ràng. “Làm ra làm, chơi ra chơi” là cung cách sống của người Nam bộ nói chung và người dân Cần Thơ nói riêng. Khi đã thích làm một việc gì thì quyết làm bằng được, tới nơi tới chốn mới thôi. Còn khi rảnh việc, tổ chức cuộc chơi thì phải chơi ra trò, đạt được niềm vui trọn vẹn. Tình cảm mãnh liệt của người Cần Thơ còn thể hiện ở đạo lý làm người, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, khi tối lửa tắt đèn có nhau, tương trợ đùm bọc lẫn nhau khi hoạn nạn, giúp người lỡ chân trái bước. Thể hiện tấm lòng một nhà vui thì cả xóm được vui. Một nhà buồn thì làng xóm cũng buồn theo. Khi có đám tiệc giỗ quảy, cưới xin... cả làng xóm đều được mời, tự mang bánh trái, trà rượu đến chung vui. Khi có việc tang, nhà có người mới mất chỉ cần nổi trống chầu là cả làng đều biết, lần lượt tự động đến chia buồn, phúng điếu... Khi đồng bào ở các nơi gặp cơn hoạn nạn thì hết lòng giúp đỡ sẵn sàng chia sẻ chén cơm, manh áo không hề đắn đo. Tình tương thân tương ái còn được thể hiện qua các câu tục ngữ: "Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng gói khi no”, “Bà con xa không bằng láng giềng gần”...


Trọng đạo nghĩa, giữ chữ tín, dũng cảm bênh vực lẽ phải: 

Người Cần Thơ và miền Tây Nam bộ rất trọng những người có đức, có tài có công khai phá để lập nên làng ấp. Mỗi làng đều có đền thờ "thành hoàng", vị tiền hiền. Đối với người sống thì kính trọng vị trưởng lão, lão nông tri điền, biết nhiều điều hay lẽ phải. Chữ tín là điều để mọi người tin nhau trong cuộc sống. Hễ nói “một là một, hai là hai” không khách sáo, văn vẻ dông dài. “Nói như rựa chém vào cột là phương châm sống của người Cần Thơ - Miền Tây. Họ rất ghét “Nói một đàng làm một nẻo”, “Lá mặt lá trái” v.v... Vì vậy, chính trong môi trường này, sự phân biệt ân, oán rất nhạy bén, rõ ràng. Đã hiểu được ân - oán, chính - tà thì phải cã lòng dũng cảm bảo vệ chân lý. “Kiến nghĩa bất vi vô võng giã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” là khí phách của người Nam bộ - Cần Thơ. Sự kiện Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa dũng cảm bênh vực dân nghèo ở Láng Thé đã bị Bố chánh Truyện hãm hại, mang án tử hình oan. Bà Nguyễn Thị Tồn, vợ Bùi Hữu Nghĩa phải quá giang ghe bầu ra tận triều đình Huế, đội đơn kêu oan cho chồng, được Thái hậu Từ Dũ ban cho 4 chữ vàng "Tiết phụ khả phong”. Đó là, tấm gương tiêu biểu cho khí phách của người Cần Thơ - Nam bộ dũng cảm bảo vệ chân lý. Tính trọng đạo nghĩa thể hiện tôn kính cha mẹ, người sinh thành dưỡng dục vì "Công cha như núi Thái Sơn, công mẹ như nước trong nguồn chảy ra"; ngoài ra còn "tôn sư” - một lòng kính nể đối với các thầy, gồm thầy dạy chữ, dạy võ, dạy nghề... vì "không thầy đố mày làm nên". Những người theo nghề gì đều có tục thờ cúng ông tổ nghề ấy. Đạo nghĩa người Cần Thơ còn tỏ rõ tình chồng vợ thủy chung, xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm lo tương lai cho con cái. Thể hiện câu tục ngữ: "Ruột bầu nấu với râu tôm chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon" hay "Đồng vợ đồng chồng tát bể đông cũng cạn".


Tính thật thà bình dị, không quan cách: 

Người Cần Thơ có tính thật thà, thẳng thắn. Hễ nghĩ thế nào thì nói thẳng ra thế ấy chứ không khách sáo vòng vèo, quanh co. Sự bình dị, mộc mạc tạo nên bình đẳng trong quan hệ giữa người với người. Tinh thần là cái trọng hơn đẳng cấp xã hội. Có chức lớn mà làm bậy, sống bê bối, xã hội vẫn khinh. Người làm công việc bình thường mà tốt, sống trong sạch, xã hội vẫn trọng. Hễ là vai vế anh em, chú cháu thì dù người vai nhỏ có làm chức gì đi nữa, lúc gặp nhau, chung vui bên chén trà, ly rượu, vẫn xưng hô "mày, tao" như thuở nào mà thấy vui tươi thân tình hơn là khóm róm kính thưa.

Có phải chăng, từ những đặc điểm cá tính nêu trên mà ở Cần Thơ - Nam Bộ là nơi xuất phát các phong trào "Hũ gạo nuôi quân", "Con gà, cây chuối dân quân", "Bà má chiến sĩ”, trong thời chống Pháp, chống Mỹ. Các phong trào "Đồng hè", "Đồng khởi", "Một tấc không đi một ly không rời", "cưa hai tài sản với cách mạng trong thời đánh Mỹ. Và đến nay là các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" v.v...



e2b8edb1-bb92-40e0-bffc-b8b3139a1ee6

Tiêu đề bài viết: Tính cách người Cần Thơ. Nội dung như sau: . Theo tác giả: .

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang