HÌNH ẢNH ÐẸP

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Tôn giáo - tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Người Cần Thơ: Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch
Ngày đăng: 15/08/2007

Lượt xem:


Vùng đất Cần Thơ được khai mở và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam năm 1739 với tên gọi Trấn Giang. Từ vùng đầm lầy hoang sơ đến vùng "gạo trắng, nước trong", thủ phủ của miền Tây Nam Bộ với danh xưng Tây Đô, đó là hành trình đầy gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào của đất và người Cần Thơ. Hành trang để người dân Cần Thơ đi trọn hành trình ấy chính là bản lĩnh dám chấp nhận thách thức và luôn biết sáng tạo vượt qua...

Vùng đất Cần Thơ được khai mở và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam năm 1739 với tên gọi Trấn Giang. Từ vùng đầm lầy hoang sơ đến vùng "gạo trắng, nước trong", thủ phủ của miền Tây Nam Bộ với danh xưng Tây Đô, đó là hành trình đầy gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào của đất và người Cần Thơ. Hành trang để người dân Cần Thơ đi trọn hành trình ấy chính là bản lĩnh dám chấp nhận thách thức và luôn biết sáng tạo vượt qua. Tin tưởng vào bản lĩnh và sức sáng tạo của người dân nơi đây, năm 2005, Đảng và Nhà nước lại tiếp tục giao trọng trách cho Cần Thơ vị thế thành phố "đầu tàu", thành phố động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Và người Cần Thơ, với "trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch", lại tiến bước trên hành trình cao cả mà Đảng và Nhà nước đã giao phó.

Đến năm 2006, Cần Thơ tròn 130 năm tuổi (1876 - 2006). Còn trẻ lắm so với lịch sử 300 năm khai mở vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng Cần Thơ lại có những bước tiến dài, nhanh chóng trở thành đô thị tụ hội quần cư lớn nhất, sung túc nhất. Sự tích tụ về nhân lực ẩn chứa ưu thế tiềm tàng về nét đẹp của đất và người nơi đây mà theo thời gian đã trở thành lực hấp dẫn ngày càng lan toả.

Truyền thống và bản lĩnh

Lịch sử phát triển đồng bằng sông Cửu Long luôn ẩn chứa tính đột biến, bao hàm khả năng sáng tạo của những lưu dân mở cõi, luôn phải đối mặt với thách thức. Cần Thơ đã phát triển từ bản lĩnh đó. Thành lập năm 1793, vùng đất mới Trấn Giang - Cần Thơ đã thu hút cư dân từ miệt Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau đổ về, từ vùng Đồng Nai đổ xuống, từ miền Bắc, miền Trung vào, thậm chí cả người Khơme hội tụ về sinh cơ lập nghiệp. Khi những lưu dân đầu tiên đặt chân lên vùng đất này, Cần Thơ chỉ là vùng đầm lầy hoang sơ, lau sậy bạt ngàn. Hành trình khai phá đất đai, chinh phục thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm đã góp phần hình thành bản lĩnh và tính cách đặc trưng của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng: cương trực, bao dung, độ lượng, trọng nhân nghĩa, cần cù, chịu khó, yêu nước, thương nòi.

"Kiến nghĩa bất vi vô võng giã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng" là khí phách của người Cần Thơ nói riêng và người dân miền Tây Nam Bộ nói chung. Với những con người này, sự phân biệt ân, oán rất nhạy bén, rõ ràng. Đã hiểu được ân - oán, chính - tà thì phải có cả lòng dũng cảm bảo vệ chân lý. Tấm gương tiêu biểu cho khí phách ấy chính là Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Ông đã dũng cảm bênh vực dân nghèo ở Láng Thé và bị Bố chánh Truyện hãm hại, mang án tử hình oan. Bà Nguyễn Thị Tồn, vợ Bùi Hữu Nghĩa phải quá giang ghe bầu ra tận triều đình Huế, đội đơn kêu oan cho chồng, được Thái hậu Từ Dũ ban cho 4 chữ vàng "Tiết phụ khả phong".

Lòng yêu nước, thương nòi và khí phách ấy còn được khẳng định, tôn vinh bằng tên tuổi của hàng loạt văn thân, sĩ phu yêu nước và những chiến sĩ cách mạng kiên trung như: cụ Cử Trị, Đinh Sâm, Phan Văn Trị, Lê Quang Chiểu, Châu Văn Liêm, ... Cũng từ những đặc điểm cá tính nêu trên mà ở Cần Thơ - Nam Bộ là nơi xuất phát các phong trào "hũ gạo nuôi quân", "con gà, cây chuối dân quân", "bà má chiến sĩ", trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần cùng quân và dân cả nước chiến thắng thực dân, đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trí tuệ và năng động trong thời kỳ đổi mới

Cùng cả nước bước vào công cuộc xây dựng, đổi mới, bản lĩnh của đất và người Cần Thơ lại được thể hiện bằng những bước đi năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng. Qua hai năm (2004 - 2005) thực hiện nhiệm vụ của thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả đạt được là tích cực và tương đối toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 15,27% năm. Huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt 11.589 tỷ đồng, chiếm 61% trong 5 năm (2001 - 2005). Riêng về công tác xã hội hoá, việc huy động vốn toàn xã hội để xây dựng đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà tình nghĩa, nhà đoàn kết vượt nhiều lần so với những năm trước đó.

Quan trọng hơn và thực sự có ý nghĩa hơn, cánh cửa Cần Thơ đã rộng mở với các nhà đầu tư và bạn bè muôn phương. Mở mà không mất bản sắc, mở để kết nối tâm giao, phóng khoáng chân tình, "tứ hải giai huynh đệ" như tiền nhân từng dạy. Mở để tụ lại tinh hoa, "đi tắt đón đầu", đẩy thông nguồn lực, ... Cần Thơ đã chọn con đường đó để tiếp tục phát triển đi lên cùng cả nước. Sự có mặt của các nhà đầu tư, sự hiện diện của các ngành công nghiệp đem theo những tiến bộ khoa học - công nghệ đã làm chuyển hoá tư duy của những người dân vốn vẫn quen với sản xuất các ngành, nghề truyền thống. Để người nông dân Cần Thơ có dịp suy nghĩ, so sánh trên từng luống cày, từng mét vuông mặt nước, từ đó chọn ra cách làm hiệu quả nhất. Cả đồng bằng là vùng nông nghiệp mà không sự tác động của công nghiệp thì thu nhập của người dân không tăng. Dù thuỷ sản phát triển nhưng không có sự hỗ trợ của công nghiệp, thì thu nhập vẫn thấp. Và từ đây, mọi hướng đi của Cần Thơ đều hướng tới mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.


Đồng chí Châu Văn Liêm - người chiến sĩ cộng sản trung kiên, hình tượng tiêu biểu cho khí phách và bản lĩnh của người Cần Thơ

Ảnh: Tư liệu

Xưa, nếp giao du rộng rãi đã giúp cho người Cần Thơ dễ thích nghi với các điều kiện sống, nay giúp cho họ nhạy bén tiếp thu cái mới từ nơi khác đưa vào để vận dụng trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Trí tuệ con người thổi hồn sáng tạo vào từng con nước, từng tấc đất, ... để Tây Đô sáng hơn, đẹp hơn. Ngày nay, về Cần Thơ, không thể chỉ len lỏi qua những miệt vườn trĩu nặng hoa trái, những vuông tôm, bè cá, qua những cánh đồng lúa vàng thẳng cánh cò bay để cảm nhận sự hào phóng của thiên nhiên và sức lao động bền bỉ của bao thế hệ người dân mà còn phải trải rộng tầm mắt theo những khu công nghiệp tập trung, những khu dân cư mới, những khu đô thị mới, ... Từ đó thấy hết nội lực dồi dào của nhân dân thành phố được huy động trong công cuộc làm giàu cho bản thân và quê hương.

Tự tin hướng tới tương lai

Lộ trình tạo bước đột phá cho "trung tâm vùng", "thành phố động lực" đã được khai mở bằng hàng loạt các trung tâm như: trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm lưu chuyển hàng hoá, trung tâm thương mại - dịch vụ, trung tâm công nghiệp tinh chế thuỷ sản, trung tâm nhân lực, ... tạo cho Cần Thơ tiếp tục có được thế đứng riêng, độc đáo, sức mạnh cho "đô thị vùng". Nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, nhiệm vụ được giao, Đảng bộ và nhân dân Cần Thơ quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 20-1-2003 và Nghị quyết số 45/NQ-TW ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị. Theo đó, cùng với những tiêu chí xây dựng thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là tiêu chí xây dựng con người Cần Thơ: Trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch. Như vậy, con tàu dẫn đường của đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới tiếp tục cần có đội ngũ những người cầm lái đúng tầm cỡ.

Thành quả đạt được ngay trong hai năm đầu giúp cán bộ, công chức, các ban, ngành đoàn thể của Cần Thơ tự khẳng định mình trước xu thế phát triển mới và yêu cầu mới về tư duy, về năng lực bắt kịp cái mới và khả năng điều hành. Trong chặng đường tiếp theo, cái tâm và tầm tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cần được chuyển kịp thời theo tầm nhìn 20 năm, 50 năm bởi chính họ sẽ cầm lái hướng đến một Cần Thơ mới về chất lượng sống, mới về phong cách sống, đậm đà nhân nghĩa, phóng khoáng chân tình, ... Thành phố đã chuẩn bị bước khởi động với tương lai đến năm 2011, Cần Thơ sẽ có tối thiểu 150 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, vật liệu, hoá, xây dựng, giao thông, quy hoạch đô thị, luật, quản trị hành chính, ...

Có thể nói, thành phố đã nắm trong tay chìa khoá cho sự hội nhập, phát triển. Cùng với bản lĩnh được tôi luyện qua những năm tháng khó khăn, với ý chí quật cường, tinh thần sáng tạo, năng động, người dân Cần Thơ vì thành phố quê hương, vì cả vùng đồng bằng châu thổ, đang vững bước trên bước đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.


Sự hiện diện của các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao đã làm chuyển biến tư duy của người dân Cần Thơ

Ảnh: Thanh Loan

Có lẽ chưa bao giờ trên vai người Cần Thơ, bên cạnh niềm tự hào lại nặng trĩu trách nhiệm như bây giờ. Nhưng người dân nơi đây luôn tin rằng: bằng bản lĩnh đã được tôi luyện và sự phát triển toàn diện của người dân Cần Thơ trong thời kỳ mới "Trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch", Cần Thơ sẽ xứng đáng với vị thế "thành phố động lực vùng đồng bằng sông Cửu Long".

Về Cần Thơ, người ta thường được nghe câu ca dao sinh ra trong đạn lửa: "Vòng Cung đi dễ khó về - Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom". Sau ba mươi năm giải phóng, người dân ở khu Vòng Cung còn nghèo lắm. Nhưng tương lai không xa, địa danh lịch sử này sẽ là khu đô thị sinh thái trong một trung tâm du lịch. Một quần thể sinh thái gắn với khu công nghệ cao, với những nhà máy nấp trong vườn cây, đồng lúa cùng với làng biệt thự ẩn mình trong hoa trái. Đầu tư và phát triển Vòng Cung cũng chính là đền ơn đáp nghĩa đồng bào nơi đây, để nhắc nhở những người đang sống hôm nay cùng thế hệ mai sau ghi nhớ một địa danh lịch sử. Đây cũng chính là một biểu hiện sáng ngời cho nếp sống thuỷ chung, trọn vẹn trước sau của người Cần Thơ.



c88ac9f8-08f0-427b-ab90-856892855f0d

Tiêu đề bài viết: Người Cần Thơ: Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch. Nội dung như sau: . Theo tác giả: .

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang