Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030
Ngày đăng: 22/06/2022

Lượt xem:


Sáng ngày 21/6, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030. Hội nghị còn có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, các chuyên gia và nhà khoa học.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị

ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và trong giao thương với các nước ASEAN, Tiểu vùng sông Mekong; là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Tuy nhiên, ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của nhà nước, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn hạn chế so với một số vùng. ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn; cơ sở hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp; biến động thị trường khó lường với xu thế tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao.

Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030 có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất các cấp, các ngành về tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng trở thành tư duy chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, các giải pháp và tham luận tại Hội nghị giúp cho việc tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các kỳ vọng nhằm phát triển vùng ĐBSCL thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng, điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Hội nghị đóng vai trò cầu nối thể hiện sự ủng hộ, hợp tác và đồng hành của các đối tác quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc đồng hành cùng Chính phủ triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu đưa ĐBSCL đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Hội nghị bao gồm 6 nội dung chính, gồm: 1- Công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022; 2- Định hướng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; 3- Việc thống nhất triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; 4- Công bố cam kết tài trợ của nhóm 6 ngân hàng phát triển đối với danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025; 5- Xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, cộng đồng quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành cùng Chính phủ để triển khai bản Quy hoạch hiệu lực và hiệu quả; 6- Tổ chức Triển lãm ảnh “Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển” dưới sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn công bố Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 278/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; qua đó cho thấy, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã rất nỗ lực xây dựng và phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL nói riêng và triển khai Luật Quy hoạch nói chung. Quy hoạch vùng ĐBSCL lần này được nhận định là quy hoạch vùng đầu tiên được ban hành theo Luật Quy hoạch, thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới, giá trị mới, cơ hội mới” cho tương lai phát triển vùng ĐBSCL, nhất là trong bối cảnh thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Cần Thơ xác định “3 trụ cột” tạo đà, bứt phá trong phát triển thành phố và vùng ĐBSCL

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại Hội nghị

Trình bày tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường khẳng định, thành phố quyết tâm thực hiện hiệu quả “3 trụ cột”: 1- Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương; 2- Phát huy nội lực của Cần Thơ; 3- Tăng cường liên kết để phát triển. “3 trụ cột” sẽ là nền tảng vững chắc như kiềng 3 chân tạo đà, bứt phá trong phát triển TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Đây cũng là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để khẳng định vai trò, vị trí của Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL trong liên kết phát triển vùng.

Cụ thể, thành phố bám sát chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với Bộ, ban, ngành, Trung ương thực hiện đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, đường thủy, đường hàng không, đường sắt nhằm tạo sự kết nối thuận lợi giữa TP Cần Thơ và các tỉnh trong vùng, cũng như kết nối với TP Hồ Chí Minh. Đầu tư thành phố "sân bay", xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ; ưu tiên xây dựng hệ thống logistics hàng không, cảng sông, trung tâm logistics cấp vùng tại Cần Thơ; đầu tư các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Đưa vào quy hoạch cả nước về điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của thành phố giai đoạn 2020 - 2030.

Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm ĐBSCL, là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường hàng không; là địa bàn trọng yếu, chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng và cả nước cũng như là trung tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thành phố tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ số trong quản lý hành chính và ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ cải cách hành chính tăng sức cạnh tranh...sớm triển khai Quy hoạch TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng ĐBSCL. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; xây dựng khu công nghệ cao TP Cần Thơ theo định hướng trở thành khu công nghệ cao quốc gia; phát triển nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ truyền thống và mở rộng các dịch vụ mới có tiềm năng và giá trị gia tăng lớn. Chú trọng phát triển chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số và tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, nhằm phát huy tốt vai trò trung tâm, ông Trần Việt Trường cho biết, thành phố thực hiện giải pháp liên kết, phối hợp với các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh liên vùng, nhất là với TP Hồ Chí Minh để khẳng định Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL, của cả nước và đóng vai trò kết nối nước ta với các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Liên kết chặt chẽ và hiệu quả sẽ thu hút nhiều tập đoàn bán buôn, bán lẻ lớn, có uy tín để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, nâng cao chất lượng hàng hóa và hệ thống phân phối… Qua đó, phát huy lợi thế riêng biệt, sẵn có của Cần Thơ và các tỉnh trong vùng; góp phần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và thương mại trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố và vùng ĐBSCL.

Trao Hồ sơ quy hoạch cho các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trao Hồ sơ quy hoạch cho 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL

Nhóm 6 ngân hàng phát triển công bố cam kết tài trợ

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã quyết định trao Hồ sơ quy hoạch cho lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và công bố cam kết tài trợ. Đến nay, toàn bộ các dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 đã được nhóm 6 ngân hàng phát triển (bao gồm: ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA, WB) bày tỏ quan tâm; với mức vốn cam kết tài trợ vào khoảng 2,2 tỷ USD dành cho các dự án hạ tầng mang tính kết nối liên vùng và thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện Quy hoạch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Hội nghị này có ý nghĩa rất lớn, quan trọng, thiết thực nhằm cụ thể hóa, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta về phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương nỗ lực và quyết tâm cao của các Bộ, ngành và các địa phương vùng ĐBSCL cũng như đánh giá cao sự có mặt của các đối tác phát triển, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu đã phối hợp chặt chẽ tổ chức Hội nghị, góp phần khơi thông, huy động các nguồn lực, là sự khởi nguồn thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của ĐBSCL trong thời gian tới.

Trên cơ sở khái quát những tiềm năng, thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL thời gian qua cũng như những tồn tại, thách thức lớn của vùng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.

“Tinh thần là quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển. Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt.” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Về phát triển hạ tầng, Thủ tướng lưu ý trong giai đoạn tới, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Các địa phương cần nâng cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường; nâng cao chất lượng quản trị, năng lực điều hành; chịu trách nhiệm đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng được giao trên địa bàn, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Các Bộ, ngành, địa phương phải cụ thể hóa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhất là trong đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng chiến lược. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.

Các địa phương cần tập trung nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số (PAPI, PAR Index, PCI, DTI…); tăng cường thu hút các dự án đầu tư từ trong và ngoài nước, tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của vùng.

Khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương, quan tâm đến an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tăng cường đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh chống biến đổi khí hậu; bảo vệ nguồn nước, nguồn lợi thủy sản. Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, tập trung phát triển điện gió, điện mặt trời.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng rằng với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của đối tác quốc tế, trong thời gian tới, vùng ĐBSCL sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá; thu nhập của người dân ngày một nâng cao; hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử, văn hóa sông nước, văn hóa bản địa đa dạng được duy trì và tôn tạo.


Kim Xuyến


e8ba1185-a121-44e9-a4ff-d090cc976da8

Tiêu đề bài viết: Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Kim Xuyến.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang