Khi chúng tôi đến nhà, vợ chồng chị Loan đang thu hoạch chanh. Đợt này, chị hái khoảng 1 tấn trái, giá 10.000 đồng/kg. Chị Loan hồ hởi khoe, cứ cách 10 ngày, vườn chanh của chị sẽ tới đợt hái bán. Trong 3 năm liên tục, 7 công chanh cho sản lượng gần 30 tấn trái, giá bán dao động khoảng 10.000-16.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi năm vườn chanh mang về cho gia đình khoảng 300 triệu đồng.
Trước kia, gia cảnh chị Loan rất khó khăn. Tuy có 7 công đất nhưng vợ chồng chị chủ yếu làm ruộng, nên kinh tế không dư dả. Sau này, vợ chồng chị thử trồng một số loại cây ăn trái nhưng đều thất bại. Đặc biệt, năm 2015, vườn mít nhà chị Loan bị ngập úng, cây chết nên phải đốn bỏ. Chị Loan kể: “Lúc đó, gia đình tôi không còn vốn liếng đầu tư lại vườn, cũng không biết trồng cây gì để phù hợp, giá cả ổn định”. Năm 2016, chị Loan được Hội Phụ nữ giới thiệu tham quan mô hình trồng chanh không hạt hiệu quả của một số hội viên trong vùng, đồng thời được Hội hỗ trợ vay 50 triệu đồng. Từ đó, chị mạnh dạn trồng chanh và đạt kết quả rất phấn khởi. Năm 2020, gia đình chị Loan đã cất được nhà tường khang trang trị giá gần 800 triệu đồng.
Trước kia, gia đình bà Lê Thị Hoa, hội viên phụ nữ khu vực Thạnh Lợi thuộc diện hộ nghèo, do đông con, trong khi gia đình chỉ có 2 công vườn tạp, huê lợi ít ỏi. Vợ chồng bà phải làm mướn để mưu sinh. Khoảng 5 năm nay, bà được Hội LHPN phường hỗ trợ vay vốn để chuyển đổi từ vườn tạp sang trồng chanh không hạt, từ đó kinh tế gia đình khởi sắc. Bà Hoa nói: “Tính bình quân, mỗi năm, từ 2 công chanh, gia đình tôi có thu nhập hơn 80 triệu đồng. Đến nay, gia đình tôi đã được xét thoát nghèo”.
Theo chị Trần Thị Ý Như, Chủ tịch Hội LHPN phường, Hội luôn quan tâm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình. Cụ thể, bên cạnh việc tạo điều kiện giúp hội viên vay vốn sản xuất, Hội chủ động xây dựng nhiều mô hình thiết thực, như: tổ phụ nữ mua bán nhỏ, tổ hợp tác trồng chanh không hạt, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, mô hình đan giỏ nhựa... Song song đó, Hội còn phối hợp vận động cất mới và sửa chữa 8 căn Mái ấm tình thương, nhà Đại đoàn kết cho phụ nữ nghèo. Từ đó, nhiều chị em ổn định cuộc sống. Điển hình như trường hợp chị Lê Hồng Thắm. Trước đây, gia đình chị Thắm thuộc diện hộ nghèo, do ít đất sản xuất, chồng bị bệnh. Hội LHPN phường đã hỗ trợ chị nhiều mặt: xét đề nghị cất nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ vay vốn trồng rau màu… Năm 2020, gia đình chị Thắm được xét thoát nghèo.
Nhằm tạo điều kiện cho chị em tăng thu nhập, 5 năm qua, Hội LHPN phường Thường Thạnh mở 4 lớp dạy nghề; giới thiệu việc làm cho hơn 400 lượt hội viên, con em hội viên. Chị Phan Ngọc Ánh, khu vực Thạnh Phú, chia sẻ: “Tôi biết nấu ăn và có nhận nấu phục vụ đám tiệc. Tuy nhiên, tôi chỉ quen nấu một số món quen thuộc, đơn giản và lượng khách rất ít. Năm 2016, tôi tham gia lớp học nghề nấu ăn do Hội LHPN phường tổ chức để nâng cao tay nghề. Đồng thời, tôi cũng được hỗ trợ vay 50 triệu đồng để mở cơ sở nấu ăn lưu động. Đến nay, ngoài tôi là bếp chính, cơ sở còn có 3 phụ bếp và một số nhân viên phục vụ, làm việc theo thời vụ. Bình quân, thu nhập của các chị phụ bếp đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập của tôi thì khoảng 20 triệu đồng/tháng”.
Song song với việc thực hiện mô hình giúp hội viên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, 5 năm qua, Hội LHPN phường Thường Thạnh vận động xã hội hóa hỗ trợ tiền, chi phí khám chữa bệnh cho hội viên phụ nữ nghèo; hỗ trợ học bổng cho con em hội viên hoàn cảnh khó khăn, tặng thẻ bảo hiểm y tế, quà Trung thu, quà Tết… với tổng trị giá hơn 350 triệu đồng. Từ nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, 5 năm qua, Hội giúp 64 hộ hội viên thoát nghèo. Chị Trần Thị Ý Như, Chủ tịch Hội LHPN phường Thường Thạnh, khẳng định: “Hội LHPN phường sẽ tiếp tục nâng chất và nhân rộng mô hình hỗ trợ hội viên làm kinh tế, giải quyết việc làm, khởi sự kinh doanh... nhằm giúp chị em ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, bình đẳng….”.
Nguồn: Báo Cần Thơ