Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Diễn đàn Mekong Connect 2023: Liên kết, hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững
Ngày đăng: 16/11/2023

Lượt xem:


Trong 2 ngày (15 và 16/11), tại TP Hồ Chí Minh diễn đàn Mekong Connect 2023 với chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững”.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường (hàng trên, thứ 5 từ trái sang) chứng kiến nghi thức ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm ngành công thương giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL giai đoạn đến năm 2025. (Ảnh: CTV)

Diễn đàn diễn ra dưới sự chủ trì của UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ; được phối hợp điều phối và thực hiện bởi Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, VCCI Cần Thơ. 

Với nhiều tuyến nội dung đa dạng, diễn đàn Mekong Connect 2023 tập trung khơi mở những hướng đi mới cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như những kiến nghị chính sách. Đặc biệt, trong bối cảnh mối liên kết và kết nối trở thành yếu tố cực kỳ quan trọng giữa TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diễn đàn nhấn mạnh vào sự cần thiết của hành động để nâng cao chuỗi giá trị trong những lĩnh vực mà hai vùng kinh tế này tương tác. Các buổi tọa đàm, thảo luận, những tham luận và báo cáo trong suốt hai ngày sự kiện tập trung vào cách thức thực hiện hành động để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững và chuyển đạt thông điệp này đến xã hội và người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực.

Sáng 16/11, tham gia đóng góp ý kiến tại phiên toàn thể diễn đàn lần này, ông Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - đã kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Trần Việt Trường, thời gian qua Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ và Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Việc nghiên cứu khai thác thế mạnh đặc thù, vận dụng cơ chế chính sách giữa hai TP trực thuộc Trung ương trở thành cấp thiết để cùng chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, tìm ra cơ hội, phát huy tiềm năng. Đặc biệt, Dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ được hưởng cơ chế chính sách đặc thù và được kỳ vọng sẽ tạo nên động lực tăng trưởng mới cho cả vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Trần Việt Trường, thời gian qua ĐBSCL đã hình thành đa dạng các liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, như: Liên kết theo chuỗi giá trị; liên kết ngành, cụm ngành hàng chủ lực; liên kết theo chuỗi sản xuất và chế biến; liên kết hướng đến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; liên kết vận tải - logistics; liên kết công nghệ thông tin. Tuy nhiên, chủ yếu nhất là liên kết theo ngành, cụm ngành hàng chủ lực (thủy sản, lúa gạo, cây ăn trái, rau màu) nhưng hiệu quả không cao, thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi. Các hình thức liên kết còn lại chỉ dừng ở giai đoạn thử nghiệm. Do vậy, việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao là rất cần thiết, làm hạn chế việc mất đồng bộ về cung cầu, khắc phục tính dễ bị tổn thương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.

Trong khi đó, trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL luôn thiếu hụt nguồn cung ứng giống cây trồng chất lượng, thiếu năng lực kỹ thuật, quản lý của người nông dân, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ. Chế biến và gia công sản phẩm nông nghiệp là khâu yếu nhất. Các nhà máy chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu của nguồn nguyên liệu đến từ nông dân, gây lãng phí và giảm giá trị sản phẩm nông nghiệp. Vùng ĐBSCL đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường tiêu thụ. Các kênh phân phối chưa được phát triển, rất khó tiếp cận các kênh bán lẻ. Đặc biệt hơn, ĐBSCL thiếu cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ chế biến nông sản nên chưa tạo được động lực phát triển vùng, vốn có lợi thế về sản xuất nông nghiệp.

Chính vì thế, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, việc xây dựng Trung tâm liên kết thành “Một điểm đến đa dịch vụ” góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Lê Hoàng Hải)

Trung tâm liên kết dự kiến xây dựng tại TP Cần Thơ với 300 ha, được chia thành 2 khu (Khu 1 với 50 ha tại quận Bình Thủy và Khu 2 với 250 ha tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ). Dự kiến với 10 chức năng hoạt động của Trung tâm liên kết. Đặc biệt, Dự án này được hưởng cơ chế chính sách đặc thù và được kỳ vọng sẽ tạo nên động lực tăng trưởng mới cho TP. Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL.

Trên cơ sở đó, tại diễn đàn lần này, Chủ tịch UBND TP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm Liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ; định hướng các tỉnh ĐBSCL cùng phối hợp triển khai Đề án, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, cũng như hỗ trợ TP Cần Thơ các giải pháp thúc đẩy chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Trong đó, quan tâm đến các khâu trọng yếu là hình thành chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản hiện đại; giải pháp toàn diện về logistics nông nghiệp của vùng ĐBSLC gồm toàn bộ các khâu từ khâu lập kế hoạch, dự báo, hỗ trợ mua hàng, sản xuất, phân phối logistics chủ động, kết nối đa kênh tới thị trường tiêu thụ; chú trọng đến giải pháp tích hợp trực tiếp và trực tuyến, kết nối tiêu thụ, hình thành Trung tâm giao dịch nông sản trực tiếp (Chợ bán sỉ hiện đại), kết nối với mạng lưới cung ứng nông sản toàn cầu.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác với UBND TP. Hồ Chí Minh nhằm phân tích, đánh giá tiềm lực đột phá từ những ngành hàng cụ thể, nối kết và nâng tầm ảnh hưởng những ngành hàng có tính dẫn dắt. Tìm ra những cơ hội thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dẫn dắt khu vực công - tư, từ lực lượng nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học cho doanh nghiệp, gắn Khởi nghiệp với những mục tiêu nâng tầm trong lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế trải nghiệm và tăng trưởng bao trùm.

Ông cũng bày tỏ kỳ vọng TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ cùng liên kết vận dụng cơ chế đặc thù, mở ra hệ sinh thái thuận lợi hóa cho những ý tưởng thúc đẩy thế mạnh đặc thù và kinh nghiệm đặc biệt từ các địa phương để cùng nhau phát huy tiềm năng tốt nhất mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài.

 

Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ có các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư sau:

- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư tại Trung tâm liên kết được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất; sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản, được miễn tiền thuê đất 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo.


Thanh Xuân


0df7ff5b-b32d-482e-b5fe-cc2bfcfc8401

Tiêu đề bài viết: Diễn đàn Mekong Connect 2023: Liên kết, hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Thanh Xuân.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang