Thông tin tuyên truyền - Phổ biến pháp luật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Thành tựu nổi bật 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Ngày đăng: 27/10/2023

Lượt xem:


Sau 20 năm hình thành và phát triển, khi thành phố Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tầm nhìn chiến lược về một thành phố Cần Thơ đô thị loại I trực thuộc Trung ương ngày càng văn minh, hiện đại, trở thành đô thị hạt nhân, có vai trò trung tâm động lực phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn được thể hiện xuyên suốt trong các chủ trương, quyết sách của Trung ương, của thành phố; đặc biệt là khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 tháng 2 năm 2005 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã tạo ra nền tảng quan trọng cho những thành tựu mà thành phố Cần Thơ đạt được về một “thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL và của cả nước”.

Năm 2009 là một dấu mốc quan trọng đối với Cần Thơ, thành phố đã hoàn thành mục tiêu đầu tiên trong hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2009. Thành phố đã tận dụng nhiều nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội hướng tới trở thành đô thị đáng sống của vùng ĐBSCL; đặc biệt tập trung xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ lớn, chất lượng cao của vùng và cả nước, xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng trên địa bàn cả về đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không, nâng cao vai trò đầu mối quan trọng về giao thông vận tải vùng và liên vận quốc tế của thành phố, kết nối lan tỏa giữa thành phố Cần Thơ với cùng ĐBSCL, cả nước và quốc tế ngày càng thuận lợi, nhanh chóng, tạo động lực mới cho phát triển; nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: Cầu Cần Thơ, Cảng Cái Cui, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, quốc lộ Nam sông Hậu… Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nông thôn cũng được tập trung đầu tư và nâng cấp mở rộng, ngày càng phát triển, tổ chức sản xuất, đời sống người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt.

Đặc biệt, giai đoạn 2020 - 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội quyết nghị ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, đã khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của thành phố Cần Thơ đối với Vùng ĐBSCL và cả nước, giúp đổi mới tư duy và tạo sự thống nhất trong tư tưởng và nhận thức của cả hệ thống chính trị, động viên Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, là sức mạnh tổng hợp, mở đường cho việc đưa ra những khâu đột phá, những chương trình trọng điểm, những giải pháp mới và thu hút nguồn lực, cả vật chất và tinh thần để: “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước Vùng ĐBSCL; là trung tâm của Vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân Vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng an ninh được bảo đảm vững chắc vào năm 2030 và thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á vào năm 2045”.

Trong chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, thành phố Cần Thơ tạo được những dấu ấn, ấn tượng tốt, vị thế, tiềm lực kinh tế của thành phố chuyển biến đáng kể trên nhiều lĩnh vực, có tính chất đầu mối và chi phối về thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, y tế, đào tạo, giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; địa bàn giữ vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng và cả nước luôn được giữ vững; từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

I. Thành tựu 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương

1. Tăng trưởng kinh tế duy trì tốc độ tăng mức khá, tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2004 - 2010 (GDP - giá so sánh 1994) tăng bình quân 15,18%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP giai đoạn 2011 - ước năm 2023 tăng bình quân 5,64%. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, hàng năm đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP của vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) ước năm 2023 đạt 94,74 triệu đồng, gấp 9,2 lần so năm 2004.

2. Kết quả phát triển các ngành, lĩnh vực có nhiều tiến bộ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng; tăng dần tỷ trọng các ngành chế tạo, chế biến có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật tiến bộ, có lợi thế cạnh tranh. Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng, giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu GRDP, từng bước tạo lập vai trò trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ở Cần Thơ luôn đứng đầu khu vực ĐBSCL; cơ sở hạ tầng và sản phẩm du lịch không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và ngày càng phát triển hoàn thiện, đồng bộ với thế mạnh sản phẩm du lịch đặc thù là sinh thái sông nước đô thị, du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa và du lịch MICE…, góp phần đưa hình ảnh, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nói chung và vùng đất, con người Cần Thơ nói riêng đến với bạn bè quốc tế.

3. Đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút sự tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn. Phát triển doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực: trong giai đoạn 2004 - 2023, ước cấp mới đăng ký doanh nghiệp cho 22.445 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký 153.012 tỷ đồng. Thực hiện cấp mới 125 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.706 triệu USD.

4. Cụ thể hóa các chính sách, phát huy hiệu quả trong đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, tập trung nguồn lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, tạo động lực mới cho phát triển thành phố và cả vùng ĐBSCL, đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông vận tải, sân bay, bến cảng, các công trình văn hóa - thể thao, y tế, giáo dục - đào tạo, nông thôn mới…, tăng cường tính kết nối, đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải thông suốt từ thành phố Cần Thơ đi các tỉnh, vùng ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh và các vùng miền trong cả nước (liên tục khởi công nhiều công trình có vốn đầu tư lớn như: Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cần Mỹ Thuận 2, dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ…)

5. Chú trọng công tác quy hoạch, phát triển đô thị, đất đai, xây dựng nông thôn mới: Tổ chức thực hiện tốt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, gắn kết với Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu và 05 năm kỳ cuối, đảm bảo tính thống nhất, khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của thành phố, của các địa phương.

Căn cứ theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, thành phố tập trung đẩy nhanh thực hiện việc lập Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện nội dung Quy hoạch, được Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội nghị thẩm định và HĐND thành phố quyết nghị thông qua tại kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề), làm cơ sở hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định theo quy định. Hoàn chỉnh Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) thành phố Cần Thơ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi nổi ở nông thôn, gắn kết với đô thị, nhiều hoạt động đi vào thực chất, thu hẹp dần chênh lệch mức sống giữa đô thị và nông thôn. Kết quả thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới đến cuối năm 2020 có 36/36 xã và 04/04 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ước đến cuối năm 2023, thành phố có 31/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 04/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

6. Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Hệ thống các bệnh viện chuyên sâu, đa khoa, trung tâm y tế được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp; áp dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong khám, chẩn đoán và điều trị bệnh; xã hội hóa hoạt động y tế ngày càng đa dạng, mở rộng nhiều loại hình, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Giải quyết việc làm vượt và đạt kế hoạch hàng năm đề ra, trung bình mỗi năm giải quyết việc làm trên 50.000 lao động. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, ước năm 2023, số hộ nghèo giảm còn 1.178 hộ, chiếm 0,32% tổng số hộ; đây là mức thấp nhất vùng ĐBSCL và thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc.

7. Tăng cường các hoạt động liên kết hợp tác, xúc tiến đầu tư nước ngoài, triển khai đa dạng, chủ động, linh hoạt và đạt hiệu quả cao, đi vào chiều sâu. Cải cách hành chính đạt nhiều kết quả nổi bật, triển khai được nhiều mô hình hay, cách làm mới; công tác tư pháp, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được đảm bảo.

II. Một số hạn chế, khó khăn

1. Sự phát triển của thành phố Cần Thơ tuy có những khởi sắc, nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tính hạt nhân, trung tâm và động lực phát triển của thành phố Cần Thơ đối với phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL là chưa rõ nét, đóng góp giá trị vào GRDP của vùng chưa cao.

2. Năng lực sản xuất một số ngành, sản phẩm quan trọng tăng chậm, các ngành có hàm lượng công nghệ cao có tỷ trọng nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao. Dịch vụ logistics tuy có nhiều tiềm năng nhưng phát triển còn yếu, quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh; hàm lượng khoa học và công nghệ trong các sản phẩm chưa nhiều.

3. Môi trường đầu tư, kinh doanh, hợp tác liên kết vùng chưa thật sự hiệu quả; việc triển khai thực hiện về một số chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, khuyến khích xã hội hóa đầu tư chưa đạt kết quả như kỳ vọng, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài chưa khởi sắc.

4. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đô thị, các khu vui chơi giải trí, hạ tầng tại các khu vực dự kiến mở rộng đô thị thiếu và chưa đồng bộ; hạ tầng giao thông thiếu kết nối, chất lượng chưa cao, một số hạ tầng giao thông quan trọng chưa được sử dụng hết công suất như: Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Cảng Cái Cui…

III. Định hướng phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045

1. Mục tiêu đến năm 2030: Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistiscs, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

2. Tầm nhìn đến năm 2045: Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.

3. Định hướng phát triển:

a) Xây dựng và phát triển Cần Thơ trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, của vùng ĐBSCL, nhất là vai trò trung tâm vùng, vị trí cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Công, cảng biển và cảng hàng không quốc tế; tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất và nước; di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chủ động hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành trong cả nước;

b) Từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo động lực mới để tăng tốc trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững;

c) Phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ giá trị gia tăng cao, cung cấp đầu vào, đầu ra cho chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ của toàn vùng; xác định công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản là mũi nhọn của ngành công nghiệp, mở rộng các dịch vụ mới có tiềm năng và giá trị gia tăng lớn, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với tạo lập thương hiệu nông sản, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

d) Tập trung nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới, nhất là công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài và năng lực hội nhập quốc tế của địa phương và doanh nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển;

đ) Chuyển đổi và hình thành cơ cấu đầu tư hợp lý, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, mở rộng các hình thức đầu tư. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế, hợp tác, thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố;

e) Phát triển kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương./.


BAN TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP TP. CẦN THƠ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG


46d42e99-3a0f-4c6d-b6cf-632093adb887

Tiêu đề bài viết: Thành tựu nổi bật 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 . Nội dung như sau: . Theo tác giả: BAN TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP TP. CẦN THƠ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG .

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang