Tiếp đoàn có ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; ông Nguyễn Xuân Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND thành phố; ông Nguyễn Thành Đông, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố…
Tại buổi tiếp, ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố - cho biết, thành phố Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, được xác định là thành phố động lực phát triển cho cả vùng. Để khẳng định vị thế, thành phố đã và đang nỗ lực không ngừng để thực hiện mục tiêu trở thành đô thị sinh thái, văn minh, đáng sống và hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước trong khu vực Đông Nam Á, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á.
Theo ông Phạm Văn Hiểu, để tạo điều kiện cho Cần Thơ phát triển, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 45 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp thành phố Cần Thơ tăng tốc phát triển nhanh và bền vững trong tương lai. Trong đó có cơ chế cho phép thành phố huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, chuyển đổi số, bao gồm nguồn lực của nước ngoài, hướng tới sự phát triển cân bằng, hài hòa theo 3 trụ cột là: kinh tế - xã hội - môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Chủ tịch HĐND thành phố cũng cho biết, mặc dù thành phố quyết tâm và có nhiều nỗ lực, tuy nhiên việc hợp tác thương mại giữa thành phố Cần Thơ với đối tác Hàn Quốc hiện nay còn khá hạn chế. Toàn thành phố hiện có 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có vốn đầu tư từ Hàn Quốc, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 269,84 triệu USD, xếp thứ 3 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại thành phố; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường Hàn Quốc năm 2023 chỉ đạt 55,42 triệu USD. Việc triển khai các nội dung hợp tác giữa tỉnh Jeollanam và Cần Thơ tuy được duy trì nhưng chưa đồng đều trong các lĩnh vực sau nhiều năm ký kết hợp tác, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản chưa được triển khai thực hiện.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tiếp.
Để cải thiện tình hình hợp tác với các đối tác Hàn Quốc, ông Phạm Văn Hiểu cho biết thành phố đang thảo luận với Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc và Trung tâm Hàn Ngữ tại thành phố Hồ Chí Minh về việc tổ chức dạy tiếng Hàn cho công chức, sinh viên của thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi, giao lưu trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, thành phố Cần Thơ dự kiến phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Ngày Văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 2 tại thành phố Cần Thơ vào quý IV/2024, đồng thời mong muốn nhận được sự tham gia nhiệt tình của tỉnh Jeollanam với tư cách là địa phương duy nhất của Hàn Quốc có kết nghĩa với thành phố Cần Thơ.
Ông Seo Dongwook, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Jeollanam, cho biết tỉnh Jeollanam và thành phố Cần Thơ có rất nhiều điểm tương đồng. Nếu Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của Việt Nam thì tỉnh Jeollanam cũng được mệnh danh là vựa lúa của Hàn Quốc. Hai bên cũng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác đa lĩnh vực vào năm 2012, đặc biệt là các lĩnh vực như nông nghiệp, văn hóa, du lịch…Ông Seo Dongwook khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai bên là rất lớn và chuyến thăm của Đoàn đến Cần Thơ lần này cũng là để góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai địa phương và cùng hướng đến sự thịnh vượng chung.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai bên đã tiến hành tái ký Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai các hoạt động cần thiết như trao đổi đoàn và các hoạt động giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực: đầu tư, thương mại, kinh tế, văn hóa, xã hội,… để tăng cường hợp tác giữa chính quyền hai bên.
Thanh Xuân