Địa phương


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Chương trình xây dựng và phát triển thương mại, dịch vụ
Ngày đăng: 21/03/2012

Lượt xem:


 

1. Mục tiêu chung:

Đẩy mạnh phát triển nội thương, tăng cường thúc đẩy ngoại thương, quan tâm phát triển các dịch vụ chủ lực, dịch vụ lợi thế, củng cố các dịch vụ khác theo hướng đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thực hiện tốt vai trò trung tâm, động lực phát triển thương mại - dịch vụ, khẳng định vai trò trung tâm xuất nhập khẩu thương mại của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Định hướng phát triển:

2.1. Về thương mại:

a. Nội thương:

- Tổ chức thị trường: Xây dựng thị trường thương mại thành phố phù hợp với từng địa bàn đô thị và nông thôn như: Các trung tâm, cụm kinh tế - thương mại - dịch vụ tại khu vực trung tâm đô thị, khu dân cư tập trung, các thị trấn, thị tứ, đầu mối giao thông; hệ thống cửa hàng, đại lý; hệ thống chợ (chợ đầu mối chuyên doanh, chợ huyện, chợ xã) theo hướng văn minh hiện đại.

- Hình thành Trung tâm thông tin thương mại làm nhiệm vụ xử lý và cung cấp thông tin đa chiều, kịp thời cho nhà sản xuất, kinh doanh.

- Không gian thị trường: Tổ chức 4 địa bàn đầu mối, giữ vai trò động lực phát triển thương mại gồm các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Thốt Nốt; gắn kết phát triển các địa bàn vệ tinh là các quận - huyện: Ô Môn, Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, tạo động lực phát triển thương mại - dịch vụ cả vùng.

 . Đến năm 2010: Huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư trung tâm thương mại cấp vùng, hoàn thành chợ đầu mối thủy sản, chợ chuyên doanh lúa gạo Thốt Nốt (giai đoạn 1), Trung tâm thương mại Bình Thủy, siêu thị sách Hòa Bình, Co.op Mart Cần Thơ (giai đoạn 2). Đầu tư và đưa vào hoạt động chợ trung tâm các quận - huyện mới; nâng cấp mở rộng chợ trung tâm các quận - huyện đã có. Xây dựng và cải tạo nâng cấp theo hướng kiên cố hóa nhà lồng các chợ loại 2, 3; xóa bỏ các chợ tự phát lấn chiếm lòng, lề đường. Xây dựng thêm các chợ  tại các khu dân cư ở đô thị, các trung tâm xã, thị tứ ở ngoại thành  theo quy hoạch được duyệt, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, các khu phố thương mại.

. Giai đoạn 2011-2015: Hoàn chỉnh đầu tư nâng cấp hệ thống chợ trung tâm các quận - huyện, các chợ loại 2,3 theo định hướng quy hoạch, khắc phục chợ lều, quán tạm bợ. Tại mỗi trung tâm quận - huyện  hình thành ít nhất một trung tâm thương mại, một siêu thị từ hạng II trở lên.

. Giai đoạn 2016-2020: Xã hội hóa hoàn toàn việc quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng chợ theo hướng văn minh, hiện đại. Hệ thống chợ truyền thống, chợ đầu mối chuyên doanh cùng các siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối được hình thành và phát triển theo đúng quy hoạch, trở thành hệ thống liên hoàn hoạt động ổn định, có hiệu quả.

- Liên kết thương mại: Tăng cường mối quan hệ giữa Cần Thơ với thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong cả nước, nhất là với các tỉnh vùng ĐBSCL nhằm khai thác tốt nhất lợi thế so sánh và cùng phát triển.

b. Về ngoại thương:

- Khai thác tốt các kênh thông tin, tiếp cận thị trường, nhất là nhu cầu và thị hiếu khách hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nhanh, ngắn nhất với thị trường, đối tác nước ngoài, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh có hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro.

- Khai thác tốt nhất các cơ hội thương mại quốc tế, các hiệp định thương mại song phương, các khu vực mậu dịch và diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam đã tham gia. Giữ mối quan hệ với các thị trường truyền thống, các nước có quan hệ thương mại với thành phố thời gian qua. Tạo mối quan hệ mật thiết với các hiệp hội, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, tận dụng tốt mối quan hệ của đội ngũ thương nhân là Việt kiều ở nước ngoài để hỗ trợ xúc tiến thương mại cho Cần Thơ và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Tập trung thực hiện các chương trình sản xuất hàng xuất khẩu; đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất hàng xuất khẩu bằng việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, chính sách phù hợp, hấp dẫn. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu hàng nhập khẩu theo hướng gia tăng các nhóm hàng công nghệ mới, máy móc thiết bị hiện đại phục vụ thiết thực phát triển công nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm.

c. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại:

- Thông tin: Cung cấp thông tin dự báo, thông tin giá cả - thị trường, cơ hội kinh doanh, dữ liệu, pháp luật cho doanh nghiệp và các nhà quản lý. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thương mại, thiết lập thương mại điện tử. Hỗ trợ các thông tin về đối tác, giới thiệu doanh nghiệp, giới thiệu dự án kêu gọi đầu tư, quảng bá...; khuyến khích doanh nghiệp dành chi phí thích đáng để đầu tư sử dụng Internet, lập Website quảng bá thương hiệu, sản phẩm, xúc tiến mua bán hàng qua mạng.

- Ráp nối kinh doanh: Thiết lập mối quan hệ với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức xúc tiến của nước ngoài để đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu thông tin đối tác, cơ hội giao thương cho doanh nghiệp. Phối hợp Cục Xúc tiến thương mại, các tổ chức xúc tiến ở thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức các đoàn ra vào khảo sát thị trường, tham gia hội chợ, triển lãm, tìm đối tác...

- Kết hợp hội thảo chuyên đề cung cấp thông tin quản lý, công nghệ, thiết bị máy móc cho doanh nghiệp; liên kết đào tạo nghiệp vụ kỹ thuật xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, triển lãm - hội chợ thương mại quốc tế.. phục vụ yêu cầu phát triển thương mại.

2.2. Về dịch vụ:

Đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ có thế mạnh theo hướng hội nhập hiện đại, đa dạng hóa các loại hình sở hữu, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

a. Các dịch vụ chủ lực:

- Dịch vụ tài chính - ngân hàng:

. Hình thành và phát triển thị trường chứng khoán: Gắn việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với việc phát hành cổ phiếu ra công chúng và niêm yết trên thị trường chứng khoán; khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện phát hành cổ phiếu tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung.  Phát triển các định chế tài chính trung gian cho thị trường chứng khoán; tăng qui mô và phạm vi hoạt động nghiệp vụ kinh doanh, dịch vụ của các công ty chứng khoán. Mở rộng và phát triển quỹ đầu tư chứng khoán, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vừa và nhỏ, cá nhân đầu tư, tham gia thị trường chứng khoán thông qua góp vốn vào các quỹ đầu tư. Tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

  . Dịch vụ ngân hàng: Phát triển hệ thống dịch vụ ngân hàng đa dạng, đa tiện ích theo nhu cầu của nền kinh tế; tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả các dịch vụ ngân hàng truyền thống, đồng thời tiếp cận nhanh hoạt động ngân hàng hiện đại, dịch vụ tài chính, ngân hàng mới có hàm lượng công nghệ cao. Khuyến khích các tổ chức tín dụng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, công nghệ, uy tín, thương hiệu.

. Tiếp tục phát triển mạnh các dịch vụ tài chính như: bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính.

- Dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin:

. Ưu tiên phát triển các dịch vụ mới phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ phát thanh - truyền hình, công nghệ thông tin và viễn thông, dịch vụ viễn thông cố định với viễn thông di động.

. Phát triển mạnh các dịch vụ di động, dịch vụ băng thông rộng trên cơ sở kết cấu hạ tầng thông tin đã được đầu tư.

. Nhanh chóng triển khai các dịch vụ ứng dụng trên Internet như Chính quyền điện tử, thương mại điện tử, truyền thông đa phương tiện, giải trí...

. Tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ truyền dẫn, phát sóng, dịch vụ thuê kênh, dịch vụ mạng riêng, dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) phát triển.

b. Các dịch vụ lợi thế:

- Dịch vụ vận tải:

. Vận tải đường bộ: Đầu tư, củng cố nâng cấp những phương tiện hiện có đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn kỹ thuật. Đầu tư mới phương tiện phục vụ tốt các nhu cầu, xây dựng mô hình hoạt động chất lượng cao, liên kết các tuyến, khai thác mở thêm một số tuyến mới. Bố trí hợp lý các tuyến xe buýt, xe công cộng, tăng chất lượng phục vụ, tạo sức hấp dẫn loại hình vận tải này

 . Vận tải thủy nội địa: Chú trọng đầu tư khai thác các tuyến đường sông, phương tiện vận tải thủy nội địa của địa phương, từng bước xây dựng ngành vận tải đường thủy nội địa phát triển đồng bộ và hiện đại cả về luồng tuyến, bến bãi, phương tiện vận tải và bốc xếp.

. Hàng hải: Đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ hàng hải đồng bộ với phát triển hệ thống cảng biển. Phát triển đội tàu theo hướng đa dạng có cơ cấu hợp lý, nâng cao năng lực vận tải, giảm giá thành; khai thác các tuyến liên vận quốc tế; chú trọng phát triển đội tàu tự hành ven biển có thể vào sâu trong nội địa, tàu chở hàng đông lạnh, chở container. 

 . Hàng không: Phát triển loại hình vận tải taxi phục vụ đưa đón khách khu vực sân bay và các dịch vụ mua bán và tiếp thị sản phẩm hàng không.

. Dịch vụ bến bãi: Quy hoạch, bố trí lại hệ thống bến bãi, các điểm đổ đậu xe, các bến tàu, bãi lên xuống hàng hóa, lương thực, xăng dầu... trên địa bàn thành phố nhằm phát huy, khai thác có hiệu quả, phù hợp tính năng của từng loại bến bãi.

 . Dịch vụ cơ khí: Phát triển các cơ sở dịch vụ hiện có, xây dựng các xưởng, các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ôtô, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư lĩnh vực dịch vụ cơ khí giao thông, không ngừng cải tiến và đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại phù hợp theo những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo và nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân sửa chữa, nâng cao năng lực cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

- Dịch vụ giáo dục - đào tạo: Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng cường hợp tác với nước ngoài và thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đào tạo đại học, sau đại học và đào tạo nghề; khuyến khích tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập.

- Dịch vụ nông nghiệp: Tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch tri thức nông nghiệp, nông nghiệp truyền thống. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội chợ - triển lãm, quảng bá mô hình, giới thiệu giống và sản phẩm mới. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, các mô hình sản xuất hoa, cá và cây kiểng cho nhu cầu du lịch và xuất khẩu.

-  Các dịch vụ khác.

. Dịch vụ công nghiệp - xây dựng: Hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức cá nhân khởi sự doanh nghiệp. Hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp bằng việc nâng cao năng lực quản lý, năng lực sản xuất, hợp lý hóa sản xuất, bảo vệ môi trường, quản lý chất lượng sản phẩm, hạ giá thành. Cung cấp thông tin, tiếp thị, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh. Tổ chức triển lãm, hội thảo, hội chợ và giới thiệu sản phẩm; tổ chức tham quan, khảo sát, tạo điều kiện để các chủ doanh nghiệp thực hiện hợp tác, liên doanh, liên kết, tham gia các hiệp hội ngành nghề. Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ. 

 Tạo động lực thúc đẩy phát triển các dịch vụ đầu tư xây dựng, hình thành thị trường xây dựng với qui mô ngày càng rộng lớn, đa dạng, phong phú; tiếp tục mở rộng phân cấp, xác định rõ quyền và trách nhiệm của cá nhân chủ thể tham gia xây dựng nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả xây dựng.

. Dịch vụ khoa học - công nghệ: Phát triển mạnh thị trường khoa học, thị trường công nghệ, mạng lưới tư vấn về công nghệ phù hợp với địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý.

. Dịch vụ văn hóa: Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng nhiều loại hình dịch vụ  văn hóa phù hợp, tổ chức biểu diễn. Từng bước tự động hóa, hiện đại hóa hệ thống thư viện, triển khai các dịch vụ thông tin định hướng, dịch vụ tìm tin Online, tìm tin trên các cơ sở dữ liệu, dịch thuật, cho mượn sách qua mạng. Thực hiện các dịch vụ phục chế hiện vật, dạy nghề truyền thống, sản xuất hàng thủ công và may trang phục truyền thống, các cửa hàng cung cấp sản phẩm đặc thù địa phương, dân tộc ít người.

. Dịch vụ y tế: Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh theo cụm dân cư, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế có chất lượng.Cung cấp các dịch vụ tư vấn sức khỏe có tính chuyên sâu. Đáp ứng thường xuyên và đầy đủ thuốc có chất lượng, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, có hiệu quả. Thu hút đầu tư các khu kỹ thuật cao, công nghệ cao trong việc chăm sóc sức khỏe. 

. Dịch vụ lao động: Phát triển mạng lưới dạy nghề, giới thiệu việc làm. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật lao động. Tạo lập trang Web thông tin thị trường lao động. Tổ chức các điểm giao dịch việc làm định kỳ cấp quận, huyện và tiến tới hình thành sàn giao dịch việc làm thay cho hội chợ việc làm truyền thống. Tổ chức đào tạo xuất khẩu lao động. 

 . Dịch vụ thể thao: Vận động doanh nghiệp thành lập cơ sở sản xuất dụng cụ thể dục thể thao; mở đại lý, tổng đại lý cho các hãng, xưởng sản xuất dụng cụ thể thao, cửa hàng mua bán dụng cụ TDTT ở khu vực và trong từng địa bàn. Tại các trung tâm thể thao như nhà thi đấu, sân vận động, khu liên hợp TDTT mở các dịch vụ khách sạn ăn uống, nghe - nhìn, mua sắm đồ lưu niệm thể thao. Xây dựng các loại hình thể thao cao cấp, thể thao dưới nước phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp, người dân có nhu cầu  giải trí.

3. Vốn đầu tư:

Tổng vốn đầu tư: 59.220 tỷ đồng. Trong đó: Vốn ngân sách 1.760 tỷ đồng, chiếm 2,97%; vốn doanh nghiệp, dân cư 46.155 tỷ đồng, chiếm 77,94%; vốn tín dụng: 11.305 tỷ đồng, chiếm 19,09% tổng vốn đầu tư.

 


Nguồn: Quyết định số 2012/QĐ-UBND


Các tin khác:
Chương trình hành động giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân thành phố Cần Thơ  (23/01/2013)
Dự án Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020  (09/11/2012)
Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020  (11/10/2012)
Chương trình Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2012-2015  (07/08/2012)
Chương trình xây dựng và phát triển Thể dục-Thể thao  (21/03/2012)

c3d01a80-8bb3-4d42-83d5-1b987d5da351

Tiêu đề bài viết: Chương trình xây dựng và phát triển thương mại, dịch vụ . Nội dung như sau: . Theo tác giả:

Nguồn: Quyết định số 2012/QĐ-UBND

.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang