Địa phương


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Chỉ đạo điều hành nổi bật của UBND thành phố tháng 11/2021
Ngày đăng: 01/12/2021

Lượt xem:


Khẩn trương tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi; khuyến cáo người dân hạn chế tập trung đông người và ra khỏi nơi ở; cho điều trị F0 tại nhà; thành lập các Đội y tế lưu động; ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025; tăng cường biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; từ 11/11, Cần Thơ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng cấp 3… là những chỉ đạo điều hành nổi bật của UBND thành phố trong tháng 11/2021.

Khẩn trương tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi

Trong văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu khẩn trương triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố giao Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khẩn trương tiếp nhận, phân bổ số vắc xin phòng COVID-19 cho UBND quận, huyện để tổ chức tiêm ngay; tổng hợp kết quả thực hiện của UBND quận, huyện, tham mưu UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố về kết quả thực hiện.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố giao Chủ tịch UBND quận, huyện tổ chức tiêm ngay số vắc xin phòng COVID-19 được phân bổ cho đối tượng là trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn thành phố, đảm bảo sử dụng và tổ chức tiêm vắc xin phải an toàn, hiệu quả, đúng đối tượng và hoàn thành trong thời gian sớm nhất; báo cáo kết quả thực hiện về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

Khuyến cáo người dân hạn chế tập trung đông người và ra khỏi nơi ở

UBND thành phố có văn bản đề nghị các cấp, các ngành, địa phương và Nhân dân thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, UBND thành phố khuyến cáo người dân hạn chế tối đa tổ chức hoạt động tập trung đông người trong nhà, ngoài trời và tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp. Đồng thời, khuyến cáo người dân chỉ ra khỏi nơi ở trong trường hợp thật sự cần thiết; thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K.

UBND thành phố đặc biệt lưu ý, người dân chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19, hạn chế di chuyển ra khỏi nơi ở, không đến những nơi tập trung đông người. Bên cạnh đó, yêu cầu tất cả người dân đến giao dịch, tham gia hoạt động tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… bắt buộc phải quét mã QR bằng ứng dụng PC-Covid hoặc Sổ sức khỏe điện tử hoặc khai báo y tế.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… phải tổ chức và chịu trách nhiệm kiểm tra việc quét mã QR hoặc khai báo y tế của người dân đến giao dịch, tham gia các hoạt động. Khuyến khích cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, ăn, uống (nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, trà sữa,…) bán hàng mang đi. Ngoài ra, các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… có từ 100 người lao động trở lên, phải thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại đơn vị; chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp F0, F1 và F2; phối hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong khoanh vùng, cách ly, điều tra dịch tễ, dập dịch,… khi xuất hiện F0 tại nơi sản xuất, kinh doanh.

UBND thành phố cũng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị Nhà nước thực hiện nêu gương, đồng thời chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc nghiêm túc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu

UBND thành phố Cần Thơ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu theo khung hướng dẫn của Thỏa thuận toàn cầu của các Thị trường về Khí hậu và Năng lượng (GCoM).

Trên cơ sở đó, thành phố đề xuất 39 hành động để thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn, cụ thể như: nâng cao năng lực thích ứng ngập lụt, bảo vệ hệ thống kênh rạch tự nhiên tại khu vực trung tâm thành phố; quy hoạch phòng chống lũ cho các khu vực ngoài đô thị; đầu tư hệ thống giám sát và cảnh báo xâm nhập mặn; xây dựng hệ thống cảnh báo triều cường để giảm thiểu thiệt hại; xây dựng kế hoạch an ninh nguồn nước theo định hướng thích ứng; nâng cao công tác quy hoạch và thiết kế đô thị; nâng cao khả năng chống chịu với BĐKH dựa trên các rủi ro trong hiện tại và tương lai,…

Đồng thời, thành phố cũng đề ra các hành động ứng phó BĐKH khác như: thành lập văn phòng quản lý ngập lụt và xây dựng cơ chế điều phối và quản lý ngập lụt tổng hợp cho thành phố Cần Thơ, nâng cao năng lực điều phối và giám sát triển khai kế hoạch hành động thành phố Cần Thơ.

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện chủ động nghiên cứu, sử dụng thông tin, kết quả trong Kế hoạch để thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành, thực hiện công tác lập quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực và địa phương.

Cần Thơ cho điều trị F0 tại nhà

Để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới, UBND thành phố vừa có kế hoạch thực hiện quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà trên địa bàn thành phố.

Mục đích nhằm giảm tải về nhân lực, trang thiết bị, chi phí cho các khu điều trị tầng 1 để có thể tăng cường nhân lực hỗ trợ cho tầng 2, tầng 3; giảm chi phí điều trị và quản lý tại các cơ sở điều trị, tập trung nguồn lực điều trị người mắc bệnh COVID-19 ở mức độ nhẹ, trung bình và nặng có hiệu quả, đồng thời vẫn đảm bảo được mục tiêu điều trị thành công khi mắc COVID-19.

Về yêu cầu, người được cách ly điều trị phải có ý thức tốt, cam kết và tuân thủ việc thực hiện đúng các quy định cách ly điều trị tại nhà theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Người thân trong gia đình phải có ý thức tốt, cam kết và tuân thủ việc theo dõi, hỗ trợ người được cách ly điều trị tại nhà trong suốt thời gian cách ly điều trị. Ngoài ra, người được cách ly điều trị tại nhà phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương và chịu sự thẩm định, kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan y tế, Tổ COVID cộng đồng địa phương nơi cư trú. Địa điểm làm nơi cách ly điều trị phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo đúng quy định của Bộ Y tế và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Khi người được cách ly, điều trị tại nhà vi phạm các quy định liên quan đến công tác phòng, chống dịch, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ phải thực hiện việc cách ly, điều trị tập trung hoặc xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật…

Các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà cần thỏa mãn các tiêu chí lâm sàng đối với người nhiễm COVID-19 và khả năng tự chăm sóc. Người nhiễm COVID-19 tại nhà được Trạm Y tế theo dõi, quản lý tối thiểu 14 ngày và kết thúc cách ly điều trị tại nhà khi đáp ứng một trong hai điều kiện sau: Có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc nồng độ vi rút thấp (CT230) vào trước ngày kết thúc cách ly; đã được cách ly điều trị tại nhà đủ 21 ngày tính từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư tại TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 (đợt 1)

UBND TP Cần Thơ vừa có quyết định công bố Danh mục dự án thu hút đầu tư tại TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 (đợt 1), tổng cộng có 23 dự án.

Cụ thể, có 12 dự án Dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư), gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ; Xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh; Khu đô thị 2 bên đường Võ Văn Kiệt (khu 1), quận Bình Thủy; Khu đô thị 2 bên đường Võ Văn Kiệt (khu 2), quận Bình Thủy; Khu đô thị 2 bên đường Võ Văn Kiệt (khu 3), quận Bình Thủy; Khu đô thị 2 bên đường Võ Văn Kiệt (khu 4), quận Bình Thủy; Khu đô thị mới số 1 quận Cái Răng; Khu đô thị mới số 3 quận Cái Răng; Khu đô thị mới số 7 quận Cái Răng; Khu đô thị mới - Khu 3 (Lô số 14A) tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng; Khu đô thị mới Ô Môn 1, quận Ô Môn; Khu đô thị mới Ô Môn 2, quận Ô Môn.

Bên cạnh đó, có 11 dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND thành phố (theo quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư), gồm: Khu đô thị mới số 6, quận Cái Răng; Khu đô thị mới số 8, quận Cái Răng; Khu đô thị số 4, quận Cái Răng; Chợ Hưng Lợi, kết hợp chỉnh trang đô thị phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều; Khu đô thị mới phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn; Khu đô thị mới phía Nam Quốc lộ 91 (đoạn từ rạch Ông Tành đến rạch Tắc Ông Thục), phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn; Khu đô thị mới tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng; Chỉnh trang khu đô thị phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy; Khu đô thị mới tại phường An Bình, quận Ninh Kiều; Chỉnh trang khu đô thị đường Phạm Ngũ Lão, phường An Hòa, quận Ninh Kiều; Dự án xây mới chợ Hưng Thạnh, quận Cái Răng.

UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ đề nghị thực hiện dự án do các nhà đầu tư nộp, xử lý theo thẩm quyền quy định; đồng thời, tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư về quy trình, thủ tục đầu tư, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành.

Thành lập 50 Đội Y tế lưu động

UBND TP Cần Thơ vừa quyết định thành lập 50 Đội Y tế lưu động, hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ. Đội Y tế lưu động bắt đầu hoạt động kể từ ngày 20/11/2021 và kết thúc khi có Quyết định của UBND thành phố.

Cụ thể, mỗi Đội Y tế lưu động có 4 thành viên, gồm 1 Đội trưởng và 3 thành viên, là sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và 10 bác sỹ của Trường Đại học Y Dược hỗ trợ hoạt động của các Đội Y tế lưu động.

Đội Y tế lưu động chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Trung tâm Y tế quận, huyện và thực hiện công tác giám sát, theo dõi F1 được cách ly y tế tại nhà và F0 được quản lý, cách ly, điều trị tại nhà trên địa bàn được phân công; hỗ trợ Trạm Y tế trong công tác khám, chữa bệnh, theo dõi sức khỏe, cấp phát thuốc, lấy mẫu xét nghiệm cho F1 được cách ly y tế tại nhà và F0 được quản lý, cách ly, điều trị tại nhà.

Đồng thời, Đội hỗ trợ Trạm Y tế trong công tác kết nối với F1 được cách ly y tế tại nhà và F0 được quản lý, cách ly, điều trị tại nhà. Phát hiện các trường hợp F0 có dấu hiệu diễn biến nặng để kịp thời phân loại, báo cáo Trạm Y tế liên hệ với các cơ sở thu dung, điều trị để chuyển tuyến người bệnh đến cơ sở điều trị phù hợp. Thực hiện công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia giám sát, kiểm tra, theo dõi và tuân thủ các quy định trong việc cách ly y tế F1 tại nhà và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà.

UBND thành phố giao Chủ tịch UBND quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo bảo đảm phương tiện, hậu cần, nơi ăn nghỉ phục vụ hoạt động của Đội Y tế lưu động; chỉ đạo lực lượng địa phương phối hợp, hỗ trợ trong thời gian Đội Y tế lưu động hoạt động trên địa bàn.

Ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý cách ly F1 tại nhà và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà

UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành Quy chế phối hợp hoạt động trong công tác quản lý cách ly y tế F1 tại nhà và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà trên địa bàn thành phố.

Quy chế này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý cách ly F1 tại nhà và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà, đảm bảo đúng nguyên tắc quản lý theo ngành kết hợp với địa phương; phân rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về công tác quản lý cách ly F1 tại nhà và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà trên địa bàn thành phố giữa các đơn vị; tránh chồng chéo trong quản lý, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng thời phát huy tính chủ động và trách nhiệm mỗi bên nhằm công tác quản lý cách ly F1 tại nhà và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà trên địa bàn thành phố có hiệu quả, toàn diện và bền vững.

Mỗi cơ quan chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan nhà nước cấp trên của mình về chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các công tác quản lý cách ly F1 tại nhà và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà.

Các nội dung phối hợp, bao gồm: Quản lý cách ly F1 tại nhà và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà; xét nghiệm COVID-19; truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19; cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự; chế độ báo cáo.

Các hình thức phối hợp được thực hiện thông qua việc trao đổi ý kiến bằng văn bản hoặc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến công tác quản lý cách ly F1 tại nhà và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà trên địa bàn thành phố theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; Hội nghị triển khai, tuyên truyền các nội dung liên quan đến lĩnh vực công tác quản lý cách ly F1 tại nhà và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà trên địa bàn thành phố; tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết; thành lập Đoàn Thanh tra, kiểm tra, giám sát của Sở Y tế, của UBND cấp huyện hoặc Đoàn Kiểm tra liên ngành về hoạt động công tác quản lý cách ly F1 tại nhà và quản lý, cách ly, điều trị FO tại nhà trên địa bàn thành phố…

Quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2030

UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành Quyết định quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2030, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/11/2021.

Quy định này áp dụng đối với đối tượng là các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Theo đó, mật độ chăn nuôi trên địa bàn thành phố đến năm 2030 không quá 1,0 đơn vị vật nuôi trên 1 ha đất nông nghiệp (ĐVN/ha).

Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19

Để giải quyết kịp thời, hiệu quả đối với việc cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Liên đoàn Lao động thành phố; Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; Hội Nông dân thành phố; Hội Cựu chiến binh thành phố; Thành Đoàn Cần Thơ; Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh đến các câp, các ngành, hội viên và nhân dân biết để thực hiện.

Đồng thời, thực hiện chức năng giám sát quá trình thực hiện chính sách, đảm bảo việc triển khai thực hiện chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch; kịp thời phản ánh thông tin về các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, trục lợi chính sách đế xử lý theo quy định…

Chủ tịch UBND thành phố giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ; Thủ trưởng các cơ quan, sở, ban ngành thành phố, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến và nắm bắt tình hình sử dụng lao động, nhu cầu vay vốn của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực do Sở, ngành, đơn vị mình quản lý; phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố hướng dẫn hồ sơ vay vốn và thực hiện cho vay đối với các đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn theo quy định. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo đối tượng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội quận, huyện kiểm tra, kịp thời xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động theo danh sách đề nghị của người sử dụng lao động, làm căn cứ để Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho vay theo quy định.

Chủ tịch UBND quận, huyện chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các phòng, ban có liên quan phối họp chặt chẽ với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận, huyện trong quá trình tổ chức triến khai cho vay trên địa bàn; tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay đến các cấp, các ngành và người dân biết để thực hiện và giám sát; xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh…

Tăng cường biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19

UBND thành phố Cần Thơ vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên, định kỳ, liên tục, thường xuyên theo địa bàn nguy cơ; chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành, UBND quận, huyện tham mưu UBND thành phố quy trình giám sát việc cách ly và điều trị F0 tại nhà; UBND quận, huyện chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tăng cường vai trò trách nhiệm của Tổ y tế cộng đồng trong việc chăm sóc người nhiễm COVID-19; trong việc chăm sóc người nhiễm COVID-19; đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất ngay từ cơ sở; đảm bảo việc thiết lập Trạm y tế lưu động; tiếp nhận và đảm bảo ô xy y tế tại các Trạm y tế đáp ứng kịp thời khi có dịch xảy ra. Đồng thời, phân bổ nguồn lực đầu tư kinh phí, hóa chất vật tư, nguồn nhân lực cho Tổ y tế cộng đồng, Trạm y tế; Công an thành phố đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội, nhất là trong điều kiện thành phố thực hiện các quy định tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” và cập nhật thay đổi cấp độ dịch thường xuyên. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp, chủ động nắm bắt tình hình, triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ hoặc xảy ra tình huống phát sinh, phức tạp.

Về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, UBND thành phố giao UBND quận, huyện chủ trì, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc xin cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên) đảm bảo an toàn, hiệu quả; tăng nhanh độ bao phủ mũi 1, triển khai ngay tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và triển khai tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế…

Từ 11/11, Cần Thơ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng cấp 3

Ngày 8/11, UBND thành phố Cần Thơ có văn bản cập nhật đánh giá cấp độ dịch và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, thành phố cập nhật cấp độ dịch COVID-19 tương ứng cấp 3; có 5 quận, huyện (quận Cái Răng; các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai) cấp 2  và 4 quận (Ninh Kiều, Ô Môn, Bình Thủy, Thốt Nốt) cấp 3; 16 phường/xã/thị trấn cấp 1; 45 phường/xã/thị trấn cấp 2; 14 phường/xã thị trấn cấp 3; 8 phường/xã/thị trấn cấp 4.

Các biện pháp hành chính áp dụng theo cấp độ dịch thực hiện theo khoản 2 Công văn số 5568/UBND-HCTC ngày 30/10/2021 của UBND thành phố về việc cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Việc thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng với dịch cấp độ 3 của thành phố thực hiện từ: 0 giờ, ngày 11/11/2021.

Đối với cấp độ dịch COVID-19 của quận, huyện, phường, xã, thị trấn giữ nguyên cấp độ dịch so với Công văn 5568/UBND-HCTC thì tiếp tục thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng theo cấp độ dịch hiện tại.

Đối với địa phương nâng cấp độ dịch so với Công văn số 5568/UBND-HCTC thì thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng theo cấp độ dịch mới từ 0 giờ, ngày 11/11/2021. Đối với địa phương hạ cấp độ dịch so với Công văn số 5568/UBND-HCTC thì thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng theo cấp độ dịch mới theo văn bản này.

Sẵn sàng lập ngay Trạm y tế lưu động

UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan xây dựng quy trình về phát hiện và xử lý F0 tại cộng đồng, doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, cơ sở dịch vụ, chợ, bệnh viện, trường học, cơ quan, đơn vị... với các bước cụ thể, dễ thực hiện, quy định cơ quan có trách nhiệm chủ trì, cơ quan có trách nhiệm phối hợp, trách nhiệm pháp lý của các chủ thể khi để xảy ra sai phạm... để áp dụng thống nhất trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; chuẩn bị sẵn sàng thành lập ngay Trạm y tế lưu động ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp. Cùng với đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của hệ thống y tế cơ sở, nhất là Tổ COVID cộng động trong việc chăm sóc người nhiễm COVID-19. Phối hợp với UBND quận, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể bảo đảm các điều kiện y tế khi có dịch bùng phát (chuẩn bị cho các tình huống xấu hơn để không bị động, bất ngờ).

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên phải có hệ thống cung cấp ô xy hóa lỏng, khí nén; các Trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp ô xy y tế; có kế hoạch tổ chức và đưa vào hoạt động các Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc FO tại cộng đồng, tổ chức quản lý F0 tại nhà…

Kích hoạt bệnh viện dã chiến và các khu cách ly tập trung

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, số lượng các ca F0 trên địa bàn tăng nhanh trong tuần qua, ngày 2/11, UBND thành phố đã có văn bản về việc kích hoạt Bệnh viện Dã chiến số 6 với quy mô 600 giường để tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19; đồng thời kích hoạt thêm các khu cách ly tập trung trên địa bàn.

Trước đó, ngày 2/11, Sở Y tế thành phố có văn bản gửi UBND thành phố xin chủ trương thành lập Bệnh viện Dã chiến số 6 trên cơ sở Dự án của Bệnh viện Dã chiến số 6 trước đây, địa điểm tại Trung tâm Huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ Công an thành phố với quy mô 600 giường bệnh để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 1, trong đó ưu tiên đối tượng bệnh lý mãn tính lĩnh vực ung bướu, nhi khoa và sản phụ khoa và các đối tượng bệnh hộ gia đình có trẻ em, phụ nữ mang thai.

Ngoài ra, để đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận cách ly tập trung trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, UBND thành phố cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, UBND quận, huyện phối hợp với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương kích hoạt thêm các khu cách ly tập trung theo thẩm quyền quản lý, đảm bảo đáp ứng khả năng cách ly trước diễn biến tình hình dịch bệnh; đồng thời, tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức hoạt động của các cơ sở cách ly tập trung tại địa phương đúng quy định.

Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh

Ngày 1/11, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Dương Tấn Hiển có văn bản yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh, song cũng không hoang mang, mất bình tĩnh khi có dịch.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố yêu cầu thực hiện hiệu quả phương châm “5K+ vắc xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác”. Các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới cần bảo đảm toàn diện, hiệu quả, kịp thời, bám sát thực tiễn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.

Phó Chủ tịch Dương Tấn Hiển cũng giao Thủ trưởng các đơn vị: Y tế, Công an thành phố, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao triển khai thực hiện nghiêm ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương diễn ra vào ngày 27/10.

 


Thanh Xuân


39b286c8-a7e2-4759-8266-f5d2556a9f25

Tiêu đề bài viết: Chỉ đạo điều hành nổi bật của UBND thành phố tháng 11/2021. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Thanh Xuân.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang