1. Đề nghị sớm tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/03/2021 của Chính phủ theo hướng bổ sung các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký, đăng ký tạm ngừng hoạt động, đăng ký giải thể… đối với Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình hợp tác xã để kịp thời tháo gỡ, giải quyết vướng mắc trong thực hiện nội dung này như hiện nay tại địa phương.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính tải trả lời như sau:
Triển khai Luật hợp tác xã năm 2023 (Luật), khi xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật - dự thảo Nghị định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã bao gồm nội dung quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký, đăng ký tạm ngừng hoạt động, đăng ký giải thể…đối với Quỹ HTX địa phương hoạt động theo mô hình hợp tác xã. Tuy nhiên, khi thẩm định dự thảo Nghị định, Bộ Tư pháp đề nghị bỏ đối tượng Quỹ HTX hoạt động theo mô hình hợp tác xã do Quỹ HTX không phải là hợp tác xã; vì vậy, khi trình Chính phủ ban hành, đối tượng áp dụng dự thảo Nghị định không có Quỹ HTX. Do đó, để xử lý cho Quỹ HTX hoạt động theo mô hình hợp tác xã, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/03/2021 của Chính phủ nhằm hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến việc đăng ký đối với Quỹ này.
Căn cứ Luật Hợp tác xã năm 2023 mới được ban hành (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024) và Nghị định số 92/2024/NĐ-CP ngày 18/07/2024 của Chính phủ về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại công văn số 4942/VPCP-KTTH ngày 12/7/2024 của Văn phòng Chính phủ, ngày 5/8/2024, Bộ Tài chính đã chủ trì, tổ chức cuộc họp với Bộ, cơ quan liên quan để trao đổi những nội dung còn vướng mắc theo kiến nghị của địa phương; trên cơ sở kết quả cuộc họp và ý kiến của các địa phương, Bộ Tài chính đang phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát nội dung này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2021/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật.
2. Đề nghị Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương của địa phương để chi hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Hiện nay, các địa phương đang vướng mắc chủ trương này để có cơ sở thanh quyết toán theo quy định. Vì Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 được thông qua tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV ngày 13/11/2021 chỉ đề cập đến việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi cho công tác phòng chống dịch, chưa quy định về việc chi hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính tải trả lời như sau:
Căn cứ tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh, người lao động và nguồn lực của Trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; trong đó, tại điểm đ khoản 2 Mục I Nghị quyết quy định: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này”.
Ngày 28/7/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 23/2021/QH15 về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; trong đó, tại khoản 3 Điều 4 quy định: “… Không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư xây dựng cơ bản và các mục đích khác, trừ trường hợp Nghị quyết của Quốc hội cho phép”. Tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 quy định: “Trường hợp đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch COVID-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và năm 2022.”
Trên cơ sở đó, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, địa phương chỉ được phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương năm 2021 để chi phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021, 2022 sau khi địa phương đã sử dụng hết nguồn lực ngân sách địa phương và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Đối với kinh phí chi hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 phần ngân sách địa phương phải đảm bảo theo quy định, Bộ Tài chính đề nghị Thành phố sử dụng nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện.