Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
7 tỉnh, thành khu vực Nam sông Hậu liên kết phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội
Ngày đăng: 19/10/2021

Lượt xem:


Ngày 19/10, UBND TP Cần Thơ chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến liên kết, phối hợp phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội với các địa phương khu vực Nam sông Hậu.
Các đại biểu tham gia đóng góp các đề xuất, kiến nghị tại hội nghị

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, thời gian qua các địa phương khu vực ĐBSCL, trong đó có 7 địa phương khu vực Nam sông Hậu, gồm: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, hưởng ứng tích cực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương trong khu vực đã cơ bản kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và đang từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đạt mục tiêu kép.

Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Trường, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn một số khó khăn, nhất là về giao thông, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương, các giải pháp chung về triển khai phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, kịch bản khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội đặt trong bối cảnh hiện nay là vấn đề đặt ra, nhất là về tiêu thụ nông sản, liên kết chuỗi cung ứng, phân phối thị trường hàng hóa, ứng phó với biến đổi khí hậu; kết cấu hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, liên kết; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh các địa phương đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh.

6 nội dung liên kết, phối hợp

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã tập trung thảo luận 6 lĩnh vực trọng tâm được đưa vào dự thảo Chương trình liên kết, phối hợp trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, gồm: Y tế, Nông nghiệp, Thương mại - Dịch vụ - Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải và Lao động - Việc làm.

Lãnh đạo các địa phương đã tập trung tham gia đóng góp, đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp quan trọng, khả thi, thiết thực nhằm bổ sung vào dự thảo Chương trình liên kết, phối hợp giữa 7 địa phương trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 12/10/2021 của Chính phủ. Đáng chú ý là các đề nghị thành lập Tổ điều phối hợp tác liên kết vùng có chức năng điều hành, phối hợp để thống nhất giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác, phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn các tỉnh, thành; tổ chức “Đường dây nóng” để trao đổi, kịp thời xử lý các tình huống đột xuất và các phát sinh mới trong thực tế; hợp tác sử dụng nguồn lao động đã qua đào tạo, nhất là những lao động có kinh nghiệm khi đã làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương; hợp tác trong phòng, chống thiên tai; hợp tác, phát triển kinh tế số; phối hợp trong công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung hợp tác lĩnh vực giáo dục - đào tạo…

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại hội nghị

Trong khi đó, đại diện VCCI Cần Thơ đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành cần tiếp tục có chung kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ phân bổ vaccine nhanh chóng về các tỉnh, thành trong khu vực để các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại theo yêu cầu vừa chống dịch, vừa tái sản xuất an toàn; cần có sự thống nhất chung giữa các tỉnh về quy định chung đi lại giữa các địa phương do hiện mỗi địa phương quy định khác nhau, thậm chí những quy định không phù hợp thực tế… Bên cạnh đó cần trao quyền tự quyết nhiều hơn cho doanh nghiệp trong việc tự quản lý công nhân và bảo đảm an toàn sản xuất; kéo giãn thời gian nộp bảo hiểm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất; cần chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề cho người lao động quay trở về địa phương...

Đưa quan hệ đoàn kết, hợp tác lên tầm cao mới

Theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ, bước vào thời kỳ mới, trách nhiệm của các địa phương khu vực Nam sông Hậu nói riêng và ĐBSCL nói chung là phải đưa quan hệ đoàn kết, hợp tác lên tầm cao mới, “biến nguy thành cơ” để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội; sẵn sàng là hậu phương vững chắc cho các tỉnh Nam sông Tiền, TP Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ. Ông Hiểu kỳ vọng mối quan hệ liên kết, hợp tác này sẽ thực hiện thành công và sẽ trở thành hình mẫu cho nhiệm vụ liên kết phát triển các vùng kinh tế trong cả nước.

Để nội dung hợp tác đi vào hiệu quả, thực chất, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đề nghị, trước mắt đối lĩnh vực y tế các tỉnh cần có cơ chế phối hợp chia sẻ nền tảng bản đồ phòng chống dịch COVID-19 và thống nhất phương án quản lý di chuyển giữa các địa phương, đặc biệt là ở các địa phương có cấp độ 1 và cấp độ 2 để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông; cần thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung về công tác phòng, chống dịch để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các tỉnh, thành.

Đối với lĩnh vực giao thông, cần thực hiện theo hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT về tổ chức hoạt động vận tải đối với các lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đối với vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường bộ và đường thủy cơ bản, ông Trường yêu cầu các địa phương thống nhất quan điểm là thông suốt. Đối với địa bàn có dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 thì hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa với tần suất bình thường, kể cả nội tỉnh và liên tỉnh. Đối với địa bàn có dịch ở cấp độ 3 và cấp độ 4, các địa phương cần thống nhất giao Sở GTVT tham mưu UBND các tỉnh quyết định theo nguyên tắc đảm bảo phòng, chống dịch và không làm ách tắc giao thông. Về vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường hàng không, ông Trường cho biết hiện Sân bay Cần Thơ đã được Bộ GTVT và các địa phương thống nhất nối lại 2 đường bay (Cần Thơ - Hà Nội và Cần Thơ - Đà Nẵng). TP cũng đã đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT mở đường bay đến 7 địa phương khác trên cả nước và sẽ tiếp tục đề xuất mở các đường bay đến Phú Quốc, Côn Đảo.

Theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, trách nhiệm của các địa phương khu vực Nam sông Hậu nói riêng và ĐBSCL nói chung trong giai đoạn hiện nay là phải đưa quan hệ đoàn kết, hợp tác lên tầm cao mới, “biến nguy thành cơ” để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, các tỉnh chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối thương mại điện tử, sàn giao dịch điện tử. Thường xuyên cập nhật diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng nông sản, vật tư, dịch vụ nông nghiệp, tình hình xuất nhập khẩu, thông tin đến các tổ chức, doanh nghiệp, nông dân nắm để chủ động tổ chức sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 970 - Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn hỗ trợ, kết nối người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các nhà phân phối trong và ngoài nước. Theo ông Trường, TP Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Trung tâm Logistics hạng 2. TP sẽ cố gắng xúc tiến mời gọi đầu tư sớm để hỗ trợ, phối hợp với các vùng để thực hiện tốt việc phân phối hàng hóa cho nông dân, doanh nghiệp.

Về thương mại - dịch vụ - du lịch, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị tiến tới tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của địa phương, tăng cường hoạt động thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, tiếp cận được sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Triển khai quảng bá các chương trình kích cầu, liên kết phát triển du lịch.

Về thông tin và truyền thông, các địa phương cần liên kết đăng tải các thông tin quảng bá giới thiệu các sản phẩm của địa phương, du lịch; nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội để lan tỏa đến người dân.

Đối với lĩnh vực lao động - việc làm, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết qua thống kê của Cục việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), từ nay đến cuối năm 2020 nhu cầu tuyển dụng lao động của 7 tỉnh, thành cần khoảng 45.000 lao động, nhu cầu này có thể tăng lên gấp đôi vào năm 2022. Do đó, các tỉnh, thành cần có thông tin nhu cầu về việc làm thông qua các sàn giao dịch việc làm của các địa phương.

Để hợp tác đi vào thực chất, ông Trần Việt Trường cũng thống nhất thành lập Tổ giúp việc, cơ cấu gồm Văn phòng UBND của các tỉnh, thành và đại diện lãnh đạo các sở có liên quan để tham mưu cho thường trực UBND các tỉnh; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối để thực hiện chương trình phối hợp. Bên cạnh đó, thống nhất lập “đường dây nóng” để kịp thời chia sẻ các thông tin và giải quyết các tình huống cấp bách liên quan đến các lĩnh vực hợp tác; thống nhất thành lập các Group Zalo của các tỉnh, thành phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

 Về lâu dài, trên cơ sở vừa làm vừa rút kinh nghiệm, 7 địa phương sẽ có đánh giá kết quả phối hợp và có sự điều chỉnh kịp thời; nghiên cứu liên kết với các địa phương còn lại của vùng ĐBSCL, TP. HCM và cùng Đông Nam bộ…


Thanh Xuân


ca50ca22-2aed-4bc1-a088-6713ad846540

Tiêu đề bài viết: 7 tỉnh, thành khu vực Nam sông Hậu liên kết phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Thanh Xuân.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang