Bánh mì “bóng đêm”
Đúng như tên gọi, ổ bánh mì có màu đen tuyền như đi trong đêm tối, tạo nên sự đặc biệt ngay từ cái nhìn đầu tiên. Làm nên bánh mì “bóng đêm” là Thành Trung (26 tuổi) và Minh Nhật (25 tuổi), ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long và đang khởi nghiệp trên đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều.
Xe bánh mì của 2 chàng trai trẻ đối diện Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ những ngày qua thu hút rất đông thực khách với hàng trăm ổ bánh mì đen được bán ra trong vài giờ buổi sáng. Để có được thành công này, Nhật và Trung đã ra tận tỉnh Quảng Ninh để tìm hiểu sau khi nghe thông tin loại bánh mì này đang gây sốt. “Suốt mấy ngày liền 2 anh em chỉ ăn và ăn bánh mì để học hỏi kinh nghiệm”, Nhật nhớ lại. Dù thợ làm bánh có dạy một vài chi tiết song chỉ là khái quát, họ không đi sâu vào công thức làm bánh nên anh em phải tự mày mò.
Quyết tâm đem bánh mì “bóng đêm” về miền Tây, 2 chàng trai đã mất hơn 10 ngày liền trong lò bánh để cân đong bột, đường, tinh than tre… nhằm có được công thức hoàn hảo nhất. Nhật cho biết thêm: “Để thành công như bây giờ, 2 anh em đã thất bại hàng chục mẻ bánh, hư đến vài chục ký bột mới ghi nhận công thức chuẩn”.
Để làm ra bánh mì “bóng đêm” cần phải nhào bột nhiều lần và lâu hơn so với bánh mì thường, trước khi đem đi nướng. Nhằm tạo nên màu sắc đen tuyền đặc trưng cho loại bánh mì này, nguyên liệu chính ngoài bột mì còn có thêm tinh than tre và bột túi mực (mật mực). Tuy nhiên, nếu không khéo, bột bánh mì sẽ chai, khi nướng sẽ không nở đều.
Bây giờ, Nhật và Trung tự tin với công thức đã xác lập và cứ tuân theo đó mà làm bánh. Lò bánh ở tận Trà Ôn, làm xong phải mang bánh sang Cần Thơ bán nên công việc khá vất vả. 2 chàng trai vui với bước đầu khởi nghiệp của mình. Ngoài bánh mì không, họ còn bán bánh mì thịt cũng khá lạ miệng. Mỗi ổ bánh mì không được bán với giá 5.000 đồng, bánh mì thịt có giá 18.000 đồng/ổ.
Theo nhiều thực khách đã ăn bánh mì “bóng đêm”, vẻ ngoài thực sự ấn tượng và khi ăn thì rất thơm, giòn, cảm giác “phao” miệng, khác hơn bánh mì truyền thống.
Bánh mì tí hon
Có kích thước nhỏ hơn nhiều lần so với ổ bánh mì thông thường, bánh mì tí hon của tiệm bánh Gia Mỹ, tọa lạc ở đoạn đang thi công đường Trần Hoàng Na (đoạn nối từ đường 3 Tháng 2 đến khu dân cư 91B), được rất nhiều thực khách yêu thích. Chủ tiệm bánh là chị Huỳnh Thụy Thùy Vân, vốn là một giáo viên mầm non, đã chọn bánh mì tí hon để khởi nghiệp.
Thật ra, bánh mì tí hon đã từng được một số cửa hàng bánh làm ra nhưng chị Thùy Vân đã biến tấu chúng mang màu sắc và hương vị độc đáo riêng. Không chỉ làm bánh mì bằng nguyên liệu truyền thống, chị Vân còn dùng trái thanh long ruột đỏ hay trái bí đỏ nấu chín để làm bánh. Bánh mì tí hon vì vậy mà càng lạ lẫm và bắt mắt, ngon miệng.
Từ những chiếc bánh mì nhỏ chỉ bằng trái chuối, chị Vân còn dùng để làm bánh mì thịt và thu hút rất đông thực khách. Do kích thước cực nhỏ nên chị Vân bán bánh theo kiểu com-bo 5 ổ. Mỗi ổ là một hương vị và thực phẩm khác nhau: trứng cút ốp la, chả lụa, chả giò, chà bông, pa-tê gan…
Theo chị Vân, để làm ra ổ bánh mì tí hon, cần thiết phải chính xác đến từng chi tiết để bánh nở đều, giòn và không bị chai. Quan trọng hơn nữa là tâm sức của người thợ trong từng chiếc bánh. “Bánh mì là món ăn ngon nổi tiếng của Việt Nam nên tôi muốn biến tấu để tăng giá trị cho chiếc bánh. Quá trình làm, tôi không dùng chất bảo quản, mà sử dụng màu tự nhiên từ trái cây để đảm bảo an toàn”, chị Vân cho biết thêm. Em Nguyễn Minh Châu, một khách hàng nhí, thích thú: “Con thích ăn bánh mì tí hon vì nhìn rất đáng yêu mà ăn cũng rất ngon”. Giá mỗi ổ bánh mì không tí hon là 800 đồng, com-bo 5 ổ bánh mì tí hon thịt là 20.000 đồng. Ngoài ra, còn có cả bánh mì tí hon ngọt, mỗi ổ lớn chỉ bằng ngón tay út, rất đáng yêu.
* * *
Một chút biến tấu nho nhỏ của những người thợ làm bánh đất Tây Đô đã làm nên món ăn ngon và góp phần phong phú hơn nữa bản đồ ẩm thực cho du khách đến Cần Thơ.
Nguồn: Báo Cần Thơ