Cây điên điển thường mọc ở các vùng đầm lầy, ruộng nước. Đây là giống cây bụi, thân tròn bóng, màu xanh có sọc tím, phân thành nhiều nhánh, lá kép lông chim và thường ra bông vào mùa nước nổi. Bông điên điển thường có màu vàng mọc thành chùm, mỗi chùm có 8-10 hoa to. Khi ăn, bông giòn giòn, có vị ngọt, đắng và chút chát. Bông điên điển là nguyên liệu quen thuộc trong nhiều món ăn dân dã của người dân miền sông nước, bởi dễ kết hợp vào các món ăn, có thể dùng tươi sống hoặc nấu chín, ăn kèm nhúng lẩu đều được. Theo đó, bông điên điển thường dùng để chế biến các món gỏi, canh chua, dưa chua, xào… Đặc biệt, bún cá ăn kèm bông điên điển là món ngon rất được yêu thích.
Bún cá nấu từ cá lóc đồng. Cá lóc sau khi làm sạch, khử tanh bằng rượu trắng và gừng thì lọc bỏ xương, đầu cá mang nấu nước lèo. Nước dùng cá vì thế sẽ có vị ngọt thanh. Phần thịt cá còn lại thì cắt lát vừa ăn, luộc chín. Tùy theo địa phương, phần thịt cá này để nguyên vị, hoặc có thể tẩm ướp xào sơ qua cùng nghệ tươi để có màu vàng óng đẹp. Ngoài thịt cá cắt miếng thì còn có chả cá, tùy theo địa phương mà có chả cá dài, chả cá viên, chả cá xắt lát…
Ăn kèm bún cá không thể thiếu bông điên điển. Thông thường, bởi đặc tính nhanh chín nên bông điên điển chỉ được để vào khi bún đã được trưng bày. Khi đó, bún có vị ngọt thanh của cá, vị giòn sựt pha chút đắng, chát của bông điên điển kết hợp vị thơm đặc trưng của rau răm, sả, cay nồng của ớt, tạo cho món ăn cho nhiều tầng vị kích thích vị giác người dùng. Ngoài bông điên điển, rau ăn kèm còn có rau đắng, rau má, giá… giúp món ăn thêm tròn vị.
Theo Đông y, bông điên điển có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, dưỡng tâm an thần. Ngày nay, nhiều thực khách có xu hướng ăn lành, nhiều quán ăn tại Cần Thơ cũng có phục vụ bún cá gạo lứt, làm cho món ăn này thêm đa dạng.
Nguồn: Báo Cần Thơ