Cơm rượu Trung Thạnh không chỉ là sản phẩm đặc trưng trong văn hóa ẩm thực - du lịch của TP Cần Thơ mà còn là sản phẩm làng nghề truyền thống được bảo tồn hơn 50 năm nay. So với các ngành nghề khác, nghề sản xuất cơm rượu không mang lại lợi nhuận cao. Thế nhưng, bằng cái tâm và lòng yêu nghề, người dân xã Trung Thạnh vẫn quyết bám trụ để lưu giữ sản phẩm độc đáo, mang hương vị ngọt ngào, nồng ấm quê nhà.
Vắng hơi men là buồn
Theo chân chị Huỳnh
Thị Diễm, Hội phó Hội Phụ nữ xã Trung Thạnh, chúng tôi
ghé vào căn nhà lợp lá nằm sát rạch Bà Đằng. Đó là nhà của bà Hứa Thị Đào (72
tuổi), còn gọi là bà Ba Tại - một trong những người làm cơm rượu lâu đời ở đây.
Các mẻ cơm rượu được ủ kín trong tàu lá chuối xanh với những viên to tròn cỡ một lóng tay tỏa mùi hương thơm phức. Mời chúng tôi thưởng thức những viên cơm rượu trắng phau, thành quả của 3 ngày ủ men, bà Đào cho biết: “Nghề thức khuya dậy sớm này tuy cực nhưng mà vui, không bỏ được. Nó như cái nghiệp vậy, tui làm từ thuở xuân xanh đến giờ đã mấy mươi năm mà không biết chán. Ngày nào không ngửi được mùi cơm rượu là ngày ấy tui cảm thấy buồn”.
Bà Đào bén duyên với nghề làm cơm rượu ngay từ lúc về nhà chồng. Người dạy bà nghề này chính là mẹ chồng. Tự tay làm rồi mang đi bán khắp các ngõ trong, làng ngoài, dù gần hay xa, miễn nơi nào có thị trường tiêu thụ hoặc ai giới thiệu bỏ mối là bà đặt chân tới.
Nhớ lại khoảng thời gian đầu vất vả với nghề, bà Đào kể: “Khoảng 2-3 giờ là tui đã thức dậy, vừa tranh thủ vò ổ cơm rượu mới vừa chuẩn bị đồ đạc đem cơm rượu đã lên men ra chợ bán. Phải đón cho được chuyến xe sớm nhất để ra chợ bán, nếu không thì cơm rượu mất ngon”. Vất vả là vậy nhưng đến nay, bà đã theo nghề được 50 năm.
Cả xóm cùng giữ nghề
Ven rạch Bà Đằng, đi từ đầu đến cuối xóm, chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh khói bếp nhà nhà nghi ngút và mùi cơm rượu đặc trưng. Đó là mùi của lúa nếp trộn lẫn với hương men khiến khách phương xa dù chưa thưởng thức cơm rượu đã mê mẩn. Qua bao thăng trầm, xóm cơm rượu vẫn trụ vững với hơn 90 hộ gia đình chuyên sản xuất và bỏ mối sản phẩm này.
Căn bếp nhỏ của bà Ba nằm ngay trước sân, mùi nếp vừa chín tới tỏa ra thơm lừng. Nhanh tay đảo đều để nếp không bị cháy, cời cho bớt lửa, xoay trở nồi rồi nhanh chóng ngồi xếp bằng trên chiếc chõng tre, vừa nói chuyện, tay bà Ba vừa thoăn thoắt nắn nót từng viên cơm rượu. “Vò cơm rượu không khó, chỉ cần quen mắt, quen tay là được. Tuy nhiên, phải đổ nước sao cho khi xôi nếp, cơm rượu không bị khô; còn nếu lỡ tay đổ nhiều nước thì rất khó xôi, cơm rượu sẽ bị chua.” - bà Ba tiết lộ.
Để làm cơm rượu thường phải trải qua 3 công đoạn gồm xôi nếp, nắn cơm rượu và ủ men. Đầu tiên, nếp đem về ngâm độ nửa ngày, sau đó đem xôi cho chín rồi rút nếp, đợi ráo tiếp tục xôi lần thứ hai. Men cà nhuyễn rắc đều lên mâm vừa xôi, đồng thời thấm tay trong nước muối đã được rang, nấu và lược nhiều lần cho thật sạch để vò cơm rượu. Cuối cùng, đem cơm rượu ủ trong sọt lá chuối có khoét lỗ bên dưới để nước chảy xuống, ủ cho thật kín trong vòng 3 ngày rồi giở ra. Nước men lấy để riêng, khi bán pha vào cơm rượu.
Trung bình mỗi ngày, gia đình bà Ba bán được 7-8 ổ cơm rượu. Trừ chi phí thì mỗi ổ bà lời 40.000-50.000 đồng. Cơm rượu của bà chủ yếu bỏ mối sỉ ở các chợ gần nhà và các vùng phụ cận như Vĩnh Long, Long Xuyên (An Giang), Rạch Giá (Kiên Giang).
Theo nhiều hộ dân có thâm niên trong nghề, 3 thành phần chính để tạo ra cơm rượu là men, nếp và lá chuối. Men thì phải lựa loại khô và thơm, nếp phải là loại nếp rặt, còn lá chuối dùng để ủ nên phải chọn loại xanh, to bản. Sử dụng lá chuối hột và lá chuối xiêm sẽ cho viên cơm rượu có mùi thơm rất thanh khiết; tuyệt đối không được dùng lá chuối tiêu vì sẽ làm hỏng ngay cơm rượu.
Gắn bó với nghề gần nửa đời người, bà Trần Thị Chín (65 tuổi) cho biết cơm rượu không đơn thuần là một món ăn mà đó còn là một vị thuốc. Bởi lẽ, cơm rượu có chất lên men nên khi ăn có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa.
Dù tuổi đã cao nhưng bà Chín chưa bao giờ nghĩ sẽ thôi làm nghề này. “Khi nào còn sức thì tôi vẫn còn làm. Với tôi, cơm rượu như một phần đời, không làm cơm rượu nữa tay chân khó chịu lắm.” - bà thổ lộ. Trong khi đó, lớp trẻ hơn như chị Phan Thị Tuyết Nhung (35 tuổi) thì rất năng động khi tiếp thị sản phẩm trong các siêu thị.
“Nghề làm cơm rượu truyền thống góp phần giải quyết công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ ở đây. UBND huyện Cờ Đỏ đang xem xét thành lập quỹ hỗ trợ để làng nghề phát triển ngày một tốt hơn” - chị Huỳnh Thị Diễm, Hội phó Hội Phụ nữ xã Trung Thạnh, cho biết.
Nguồn: nld.com.vn