Tìm về nguồn gốc
Tương truyền, ông tổ của nghề dệt chiếu là Phạm Đôn Lễ (1457-1531), người làng Hải Triều (làng Hới), huyện Hưng Nhân, phủ Tiên Hưng (nay là xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Xuất thân trong gia đình nghèo, cha làm ngư dân, mẹ buôn bán nhỏ ở bến đò, nhưng Phạm Đôn Lễ thông minh, hiếu học. Ông thi đỗ đầu cả 3 kỳ thi hương, thi hội và thi đình năm 1481, nên còn gọi là Tam nguyên Đôn Lễ. Ông được triều Lê bổ nhiệm làm Tả thị lang, sau đó làm Thượng thư. Quê ông vốn đã có nghề dệt chiếu lâu đời nhưng dệt theo lối treo dây trân đứng, dệt từ trên xuống nên chiếu không đẹp. Trong một lần vâng lệnh triều đình đi sứ sang Trung Quốc, khi qua làng Ngọc Hà, châu Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, ông học được kỹ thuật dệt mới. Đó là cách dệt chiếu bằng khung nằm có ngựa đỡ dây trân, cọc nêm, dễ đổi chiều cọng lác, cho ra sản phẩm nhanh, đẹp và bền hơn. Về nước, ông Phạm Đôn Lễ truyền nghề lại cho người dân trong vùng. Đến nay, làng Hới vẫn còn là làng nghề dệt chiếu nổi tiếng với câu phương ngôn: “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới”. Đền thờ Phạm Đôn Lễ- Trạng Chiếu ở làng Hải Triều được công nhận là di tích lịch sử- văn hóa quốc gia cấp đặc biệt.
Từ năm 1954, nhiều người ở các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… di cư vào vùng kinh Cái Sắn khẩn hoang, lập nghiệp theo chính sách “Dinh điền” của chính quyền Ngô Đình Diệm. Thuở đó, đất vùng này trũng, nhiễm phèn, khó canh tác được cây lúa nên người ta nghĩ đến việc trồng cây đay (bô, bố) và khôi phục làng nghề dệt chiếu của quê hương. Do ở đây không có bãi bồi ven sông để trồng lác (cói), nên họ phải mua nguyên liệu từ làng chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Làng dệt chiếu Kinh E ra đời từ đó, thịnh hành nhất vào những năm 1980-1990 có đến khoảng 80-90 nhà làm nghề.
Công phu nghề dệt chiếu Kinh E
Nguyên liệu chính của nghề dệt chiếu là cây lác và cây bố. Cây lác có 2 loại: lác nước mặn (Cyperus tagetformis) và lác nước ngọt (Cyperus malaccensis). Lác nước mặn dệt chiếu chắc, bền và đẹp hơn. Ban đầu lác mọc hoang; nhưng để chủ động nguồn nguyên liệu, người ta bứng gốc về cấy dọc theo bãi bồi ven sông, rạch. Sau cấy khoảng 3 tháng, thu hoạch bằng cách dùng phảng phát ngang trên gốc; gốc lác còn lại sẽ nảy mầm, lên cọng cho những vụ thu hoạch sau. Sau vài ba vụ, lác xấu dần, cọng ngắn; người trồng phải bứng gốc, cấy lại gốc mới. Lác được phân loại ngắn, dài; sau đó, dùng dao nhỏ, nhọn chẻ lác, phơi 2-3 nắng cho khô; lác đang phơi mà bị mắc mưa thì sau này chiếu sẽ bị thâm. Lác phơi khô, giũ sạch, bó lại, cất trữ trong bồ gọi là bồ lác để dùng dần dần.
Cây bố (bô, đay) được trồng theo phương pháp cuốc đất, rải hạt. Khoảng 3- 4 tháng thu hoạch, cây cao khoảng 2 mét, tuốt lấy phần vỏ từ gốc đến ngọn. Vỏ cây bố lại được tách ra thành 2 phần: phần trong màu trắng đục (ruột bố) và phần ngoài (vỏ bố); cả hai được phơi khô. Ruột bố phơi khô phải xé ra thành sợi nhỏ, lúc đầu dùng tay để xé, sau này mới có bàn cào răng nhỏ. Sợi ruột bố ngắn được xe lại (chắp trân) thành sợi dài, cuộn thành bánh. Chắp trân ban đầu cũng dùng tay, sau này mới có máy, dân nghề gọi là bàn chắp trân hay máy xe đay. Còn vỏ bố dùng đánh dây, quai chèo, đan võng…
Dây trân được luồn qua bàn dập (lược, go) theo nguyên tắc sao cho khi thợ chuồi luồn cọng lác vào, thợ dập dập mạnh bàn dập vào, cọng lác sẽ được giữ chặt trên dưới. Toàn bộ dàn dây trân, bàn lược được căng trên hai cây đòn tròn, kéo thẳng trên 4 cây cọc ngắn ở bốn góc.
Thợ dập ngồi trên ghế ngựa, dập bàn dập vào sau khi thợ chuồi luồn cọng lác qua, sau khi dập còn phải thao tác bẻ biên chiếu. Thợ chuồi phải khéo ngoay đầu cọng lác vào đầu cây chuồi (cây lao), luồn cọng lác qua 2 hàng dây trân cho đầu cọng lác qua tới biên mà không bị tuột giữa chừng. Hai thợ giỏi dệt một ngày có thể được một đôi chiếu; dệt thưa (dập nhẹ) có thể được thêm 1 chiếc.
Làng nghề dệt chiếu ngày nay
Từ khoảng năm 1990 đến nay, do Nhà nước đẩy mạnh công tác thủy lợi, ruộng đất được tháo chua, rửa phèn, nông dân ở Kinh E dần bỏ cây đay, chuyển sang trồng lúa. Người muốn làm chiếu ở Kinh E từ đó phải mua dây bố từ làng chiếu Định Yên.
Khoảng năm 2000, người làm chiếu Định Yên chuyển sang dệt bằng máy. Anh Đinh Văn Bình, ở ấp E2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, là người đầu tiên sắm máy dệt chiếu ở Kinh E. Hiện nay nhà anh có 3 máy dệt, trị giá mỗi máy khoảng 30 triệu đồng; mỗi ngày nếu 3 máy chạy suốt 8 tiếng sẽ cho ra 12 đôi chiếu. Khác xưa ở chỗ mỗi máy chỉ cần 1 thợ cho “ăn lác”. Gần đây, cải tiến hơn, máy tự ăn lác, không cần nhân công. Chiếu dệt máy xài chỉ gai cọng to, không còn sử dụng dây bố, chiếu dệt xong may biên bằng vải. Chiếu dệt máy, bán lẻ 200 ngàn đồng/ đôi, trừ chi phí chủ máy còn lời khoảng 30 ngàn đồng/ đôi.
Nhiều hộ dệt chiếu thủ công ở Kinh E bỏ nghề, chỉ còn 2-3 hộ dệt chiếu đặt riêng cho đám cưới, làm quà tặng… gọi là chiếu đặt. Chiếu đặt giá 350 ngàn đồng/ đôi, trả công thợ 100 ngàn đồng, tính ra mỗi ngày một thợ chỉ được 50 ngàn đồng; thu nhập ít hơn ngồi dệt máy nên không có thợ nhận làm.
*
* *
Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.
(Ca dao)
Từ xa xưa, chiếc chiếu đã trở thành vật dụng quen thuộc của người Việt từ lúc sơ sinh đến cuối cuộc đời. Trải chiếu để nằm, ngồi… sinh hoạt trong gia đình; chiếu để đắp ngủ đêm đông lạnh giá; chiếu trải sân đình để ăn cỗ, xem hát chèo, hát bội, đờn ca tài tử nhân ngày lễ hội. Chiếu là quà tặng, vật thách cưới trong hôn nhân; thậm chí thay thế cho cỗ quan tài đối với người nghèo khó chẳng may qua đời…
Trước sự phát triển của nệm, chiếu nylon, chiếu tre… và cả kỹ thuật dệt chiếu bằng máy, nghề dệt chiếu thủ công đứng trước nguy cơ mai một. Nên chăng, bên cạnh thực hiện các dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể, cần xây dựng một khu trình diễn thường xuyên các nghề thủ công như dệt chiếu, thổ cẩm, đan đát, làm đồ gốm… để các thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, về một thời cha ông ta đã sống hài hòa với môi trường tự nhiên.
Nguồn: Báo Cần Thơ