Từ bến Ninh Kiều, chúng tôi dùng tắc ráng – loại thuyền có thể đi được ở sông và len lỏi được ở những con kênh, con rạch nhỏ với chiếc máy cơ động gắn bên ngoài. Dù đang là mùa mưa nhưng hôm nay bầu trời quang đãng. Chiếc tắc ráng đưa chúng tôi đi dọc theo sông Cần Thơ chạy ngang qua chợ nổi Cái Răng. Vào buổi trưa chợ nổi có vẻ im ắng vì chắc là mọi người cũng đang nghỉ trưa. Mặc dù vậy, việc vận chuyển trên dòng sông này cũng vẫn còn rộn ràng của các ghe xuồng đi lại chở hàng hóa hay giao thông.
Khoảng chừng 40 phút, chúng tôi đến rạch Ông Đề để rẽ vào nhà chú Mười Cương – điểm homestay đầu tiên trong chương trình. Hôm nay con rạch đầy nước nên khung cảnh vùng quê trông hấp dẫn và đẹp, hai bên bờ rạch cây cỏ mát rười rượi. Chừng 100 mét tắc ráng dừng lại để mọi người lên bờ.
Những chiếc thuyền nhỏ chở từ 2 đến 4 du khách len lỏi khắp các kênh rạch là cách đi dạo độc đáo ở vùng quê sông nước Nam bộ.
Ngôi nhà trong vườn ca cao
Khu vực homestay nhà chú Mười Cương nhìn bên ngoài trông rộng rãi và thoáng, có nhiều căn nhà nối tiếp nhau trong một khu vườn rộng, phía trước là một khoảng sân có trồng hoa và cây kiểng. Chú thím Mười và gia đình vui vẻ chào đón khách. Sau khi giới thiệu gia đình gồm con trai, con gái, con rể và các cháu – một gia đình với ba thế hệ cùng sống chung với nhau – điều mà các xã hội công nghiệp phát triển gần như đã đánh mất nếp sống này. Chúng tôi nhận phòng, đó là hai căn phòng máy lạnh ở sau nhà có lối đi thông thoáng ra vào sân vườn hay ra bếp thoải mái. Mọi người nghỉ ngơi. Người thì tắm rửa, nghỉ ngơi, người đi rảo loanh quanh khu vườn trồng cây ca cao xen lẫn với nhiều loại cây ăn trái khác.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau, cả nhóm chúng tôi cùng gia đình ra vườn cây ca cao thu hoạch trái chín. Trái ca cao chín có vị ngọt ngọt, chua chua, dầm đá ăn thì rất thích. Sau khi hái xuống, đập vỏ ra để lấy ruột (gồm hạt và cơm) cho vào một thùng chiết nước cốt làm rượu. Xong, số ruột ca cao đó được ủ theo kỹ thuật với nhiệt độ thích hợp cho lên men; ủ xong sẽ được mang phơi ở sân trước nhà cho khô trước khi lọc bỏ phần cơm ruột trái. Vừa giải thích quy trình sản xuất, thím Mười vừa hướng dẫn chúng tôi cùng đập vỏ trái ca cao, moi lấy ruột cho vào mấy chiếc thúng bên trong có lót lá chuối.
Chú Mười cùng một số bạn mang ca cao đã được phơi khô và lọc bỏ ruột lấy hạt cho vào lò rang. Lò rang bằng lồng sắt theo kiểu thủ công của nhà vườn (trông như cái máy trộn hồ), sử dụng cây khô trong vườn làm chất đốt. Một quy trình tận dụng không bỏ sót vật bỏ đi của cây trồng để mang lại lợi ích tăng thêm cho nhà vườn. Chúng tôi thay phiên nhau rang cùng chú Mười. Hạt sau khi rang phải chờ cho hạt nguội để bóc vỏ rồi đem xay thành bột bằng cối xay tự chế, dùng mô tơ quay với hai khối đá ép hạt tạo ra bột. Từ bột ca cao sẽ làm ra hai sản phẩm, một là bột dùng pha nước uống và trộn thêm chất khác để làm sô-cô-la (chocolate).
Cây cầu khỉ trước nhà nghỉ của chú Ba Xinh.
Ca cao nhà vườn làm bằng thủ công nhưng chất lượng vẫn ngon, thơm như hàng hiệu. Chúng tôi được chủ nhà cho dùng thử sô-cô-la thành phẩm. Hình dáng sô-cô-la nhà vườn có vẻ hơi thô, nhưng chất lượng thì ngon tuyệt vời, chẳng kém gì so với sô-cô-la hàng hiệu được bày bán ở cửa hàng hay siêu thị.
Nhân lúc đi hái trái ca cao chín, chủ nhà mang theo rổ để mọi người nhân tiện hái luôn rau vườn dùng nấu bữa ăn tối. Rau vườn thường là cải trời, cải đất, cù nèo, bông súng, lá cách… trồng hay mọc hoang chung quanh khu vườn.
Trời cũng vừa xế chiều cũng là lúc thức ăn đã được chuẩn bị, được sơ chế để chờ chúng tôi vào cùng làm món chả giò Nam bộ. Chả giò thuần túy Nam bộ được cuốn bằng bánh tráng mặn, nhân tép, thịt và khoai cao, chấm với nước mắm chua cay. Chú Mười cùng mấy người bạn ra ao bắt cá tai tượng để chuẩn bị nấu món cá tai tượng chiên xù cuốn bánh tráng. Rau vườn thì đem đi luộc. Nấu bằng bếp củi nên mọi người phải ngồi canh lửa suốt.
Một dĩa mì xào với tàu hủ và rau cải. Canh rau nấu với tép đồng mùa nước nổi. Cơm trắng nóng hổi cùng với món ăn mà mọi người cùng hòa mình vào nấu, rồi được ngồi ăn ngoài hiên vườn, yên tĩnh, ấm áp cùng gia đình chú Mười nhâm nhi ly rượu ca cao – sản phẩm gia đình thì thật là “tuyệt cú mèo”. Mọi người ngon miệng, một phần nhờ không khí thân mật gần gũi với nhà vườn, giữa vườn cây mát mẻ, yên bình ở vùng quê vào buổi tối. Sau bữa ăn chúng tôi cùng chuyện trò với gia đình về công việc làm vườn, phong tục tập quán của địa phương.
Nguồn: thesaigontimes.vn