Chùa Ông
Chùa Ông hay còn gọi là Quảng Triệu Hội Quán, là hội quán của một nhóm người Hoa thuộc hai phủ Quảng Châu và Triệu Khánh thuộc tỉnh Quảng Đông Trung, Quốc theo dòng di dân sang lưu trú ở đất Trấn Giang (tức Cần Thơ xưa) vào thế kỷ XVII, XVIII. Kiến trúc của Chùa mang đậm chất Trung Hoa với nhiều vật liệu cấu thành chi tiết được đưa từ Quảng Đông sang; màu sắc, đường nét chạm trổ tinh vi, hài hòa và đẹp mắt. Quan Thánh Đế Quân là vị thánh quan trọng nhất được thờ cúng tại đây bên cạnh các vị thánh khác của người Trung Hoa. Nơi đây được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993.
Địa chỉ: 32 Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Chùa Nam Nhã
Chùa Nam Nhã được xây dựng năm 1895, theo tông phái Minh Sư nên còn được gọi chùa Minh Sư, thờ Tam giáo: Phật Thích Ca, Khổng Tử và Lão Tử. Chùa có khuôn viện rộng với lối kiến trúc cổ kính bề thế, với các cây cổ thủ rợp bóng mát, đem lại cảm giác thư thái thanh tịnh. Tiền thân nơi đây là một tiệm thuốc bắc có tên Nam Nhã Đường, sau được xây dựng lại và đổi tên thành Chùa Nam Nhã, vừa là nơi thờ phụng tín ngưỡng, vừa là trụ sở chính của phong trào Đông Du (1907-1940). Chùa bao gồm ba khu chính: nhà Chính điện, nhà Đông lang và nhà Tây lang, xung quanh bao bọc bởi công viên bờ kè, cổng, hàng rào. Chùa chủ trương ăn chay niệm Phật, không cạo đầu, không mặc nâu sòng, lấy việc tu tâm tích đức làm kim chỉ nam, bởi thế không khí trong chùa luôn giản dị và gần gũi. Chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1991.
Địa chỉ: 612 Cách Mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.
Đình Bình Thủy
Được xây dựng vào năm Giáp Thìn (1844) với diện tích rộng khoảng 4.000m2. Đình Bình Thủy là nơi thờ các vị thần linh, Bổn Cảnh Thành Hoàng và những bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, lập làng xã, dạy nghề cho dân hay những người có công với nước như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đinh Công Tráng, Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa, Võ Huy Tập…Với lối kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa Nam Bộ, trải qua hơn một thế kỷ, đến nay đình Bình Thủy hầu như vẫn giữ gìn nguyên vẹn những nét tinh hoa trong các mảng chạm trổ hoa văn trên hệ thống nội thất trang trí, đồ thờ. Sự độc đáo của đình Bình Thủy còn được thể hiện ở các công trình xung quanh khu đình chính, gồm 4 miếu thờ 4 vị thần: Thần Nông, thần Hổ, thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước. Đây là sự khác biệt hiếm thấy ở các công trình thờ tự khác trên địa bàn cả nước. Hằng năm đình có 2 kỳ lễ hội lớn là Thượng Điền và Hạ Điền vào rằm tháng 4 và tháng 12 âm lịch. Nơi đây được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1989.
Địa chỉ: Lê Hồng Phong, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ.
Thiền viện trúc lâm Phương Nam
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được xây dựng trên vùng đất thiêng, nơi ghi dấu những chiến công oai hùng của dân tộc trong kháng chiến cứu nước, mảnh đất anh hùng - tuyến lửa Lộ Vòng Cung. Với tổng diện tích gần 4ha, được khởi công xây dựng năm 2013. Thiền viện được xây dựng theo lối kiến trúc Phật giáo thời Lý - Trần. Toàn bộ công trình kết cấu mái lợp ngói, khung cột bằng gỗ lim, vách tường gạch, nền và lối đi đều lát gạch tàu. Ngoài ngôi chính điện, khuôn viên được bài trí cân đối với khoảng 20 hạng mục công trình như: nhà tổ, hội trường giảng đạo, bảo tháp 9 tầng, tháp trống, tháp chuông bằng đồng, khu tăng xá và nhà khách, thư viện và phòng thuốc, nhà thủy tạ,… xây bao quanh, tạo thành một quần thể kiến trúc mang đậm ý nghĩa văn hóa lịch sử, thu hút đông đảo khách thập phương đến cúng viếng.
Địa chỉ: Đường tỉnh 923, ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.
Nguồn: Tourismcantho.vn