Tin tức du lịch


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Cần Thơ phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch
Ngày đăng: 10/01/2022

Lượt xem:


Ðề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1129/QÐ-TTg, trong đó Cần Thơ là một trong 10 tỉnh, thành được chọn thí điểm xây dựng mô hình. Trên cơ sở này, Cần Thơ cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch, nhằm tạo thêm nhiều sản phẩm trong hoạt động du lịch, tăng sức hút với du khách.
Nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh ở Ngày hội du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều năm 2020.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP Cần Thơ, cho biết: “Du lịch Cần Thơ có nhiều tiềm năng nhưng thời gian qua phát triển chưa tương xứng. Chỉ số du khách lưu trú tại Cần Thơ bình quân khoảng 1,5 ngày, mức chi tiêu của khách trong hoạt động du lịch còn thấp. Một trong những nguyên nhân được xác định là hệ thống sản phẩm du lịch của Cần Thơ còn đơn điệu, thiếu những sản phẩm khác biệt, thiếu các dịch vụ phụ trợ, nhất là các hoạt động du lịch ban đêm. Do đó, Cần Thơ đang có định hướng phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch, nhằm kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng mức chi tiêu của khách du lịch khi đến Cần Thơ”. Thực tế, tại Cần Thơ các hoạt động kinh tế ban đêm đã có thông qua các hình thức: chợ đêm, các khu ẩm thực, giải trí (karaoke, bar…). Tuy nhiên, những hoạt động này thường bị giới hạn về thời gian, các dịch vụ đơn điệu, doanh thu không ổn định và thấp. Khung giờ hoạt động bình quân là khoảng từ 18h đến 22h, một số dịch vụ như karaoke, bar có thể kéo dài hơn.

Ông Trần Thế Như Hiệp, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ NHONHO, cho biết: “Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy các hoạt động kinh tế ban đêm ở Cần Thơ tập trung chủ yếu ở ẩm thực, chiếm đến 50% thị phần nhưng nguồn thu từ hoạt động này không nhiều và không ổn định. Do đó phải có những định hướng gia tăng và làm đa dạng dịch vụ giải trí hơn, tăng doanh thu cao hơn”. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, người dân và du khách cũng mong muốn có nhiều hoạt động trải nghiệm hơn, cụ thể như các hoạt động lễ hội đường phố, khu ngắm bình minh gần sông Hậu, tổ chức các hoạt động văn hóa vùng miền, khu bán sản phẩm đặc sản vùng miền, ẩm thực đường phố…

Trên cơ sở này, Ðề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều) cũng đề xuất các định hướng, trong đó xác định phát triển kinh ban đêm tại Cần Thơ tập trung vào 4 nhóm dịch vụ: vui chơi giải trí, ẩm thực, dịch vụ mua sắm và tham quan du lịch. Theo đó, hai phương án được xây dựng là: mô hình kinh tế ban đêm tập trung và mô hình kinh tế ban đêm. Ðiểm khác nhau của hai phương án này ở sự đầu tư. Phương án 1 là có xây dựng, tôn tạo các hạ tầng, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực… tại địa điểm dự kiến là bờ kè sông Hậu, phố đi bộ Hai Bà Trưng, bờ hồ Búng Xáng. Theo phương án này sẽ có sự hợp tác công tư, địa phương sẽ đấu thầu tìm nhà đầu tư phù hợp. Phương án 2 là bám sát kế hoạch thí điểm các hoạt động kinh doanh, dịch vụ ban đêm của quận Ninh Kiều, dựa trên những hạ tầng, dịch vụ sẵn có. Thực tế, quận Ninh Kiều đã có kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, trong đó có định hướng các tuyến đường chuyên doanh, như: phố ẩm thực Ðề Thám; phố thời trang đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Việt Hồng; phố ẩm thực Trần Phú... Tuy nhiên, các hoạt động dàn trải và chưa có nhiều dịch vụ giải trí về du lịch.

Ông Vưu Chấn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Cần Thơ, nói: “Nhiều năm qua chúng ta vẫn chưa hoạch định được khu phát triển kinh tế ban đêm. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là giải quyết việc làm cho nhiều người, cũng tạo đà cho du lịch phát triển theo hướng mới. Tuy nhiên, muốn phát triển kinh tế ban đêm chúng ta phải có những quy hoạch cụ thể, quy mô và tập trung. Theo tôi, vị trí phù hợp là từ tuyến đường Hai Ba Trưng kéo dài  đến không gian bên bờ kè sông Hậu của cồn Cái Khế, trong đó tập trung nhiều dịch vụ ở các đoạn rạch Khai Luông. Tôi cho rằng các trải nghiệm vui chơi giải trí phải đa dạng và liên tục gắn kết thì mới có thể thu hút du khách”. Ông Phạm Trung Hiếu, Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng: “Ðề án cũng nên cân nhắc đến không gian trên sông về đêm. Không gian này có thể dùng tổ chức nhiều lễ hội, hoạt động để tăng trải nghiệm cho du khách. Mặt khác, khi quy hoạch cũng cần nắm bắt thị hiếu của du khách để có những định hướng không gian phù hợp”. Ðồng quan điểm, ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, cho biết: “Chúng ta nên cân nhắc và hướng đến giới trẻ vì đây là thị trường chiếm số lượng lớn trong các hoạt động về đêm. Do đó phải nghiên cứu và nắm bắt thị hiếu sao cho định hướng phù hợp. Mặt khác, chúng ta phát triển kinh tế ban đêm nhưng theo định hướng đảm bảo an toàn, chất lượng, nên các vấn đề về an ninh trật tự phải được cân nhắc”.

Từ góc độ lữ hành, ông Phạm Quang Triều, Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Du lịch HT Travel, chia sẻ: “Du lịch Cần Thơ đã phát triển ấn tượng, nhưng để tăng sức hút với du khách chúng ta cần có nhiều sản phẩm trải nghiệm hơn nữa. Việc phát triển kinh tế ban đêm có thể đáp ứng nhu cầu này khi hoạt động vui chơi giải trí được phép tổ chức nhiều hơn. Việc hình thành các khu phố đi bộ kết hợp biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn thực cảnh, tổ chức các lễ hội âm nhạc, ánh sáng, đờn ca tài tử, liên hoan phim… định kỳ sẽ thu hút du khách. Ngoài ra còn có thể tổ chức tuyến phố ẩm thực, tour trải nghiệm khám phá về đêm trên sông. Cũng cần quan tâm đến các vấn đề về vệ sinh cảnh quan, an toàn vệ sinh thực phẩm và đầu tư hạ tầng”. Ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: “Trước đây, các hoạt động kinh tế ban đêm còn vướng về pháp lý, nhưng Quyết định số 1129/QÐ-TTg đã mở ra nhiều hướng đi cho việc phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch. Chúng tôi chỉ mới định hướng thí điểm nên sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thực tế các hoạt động kinh tế ban đêm tại Ninh Kiều đã có nhưng vẫn thiếu các hoạt động văn hóa, giải trí ở cấp độ quy mô lớn. Do đó, khi xây dựng mô hình thí điểm chúng tôi cũng cân nhắc nhiều vấn đề để có những đề xuất phù hợp”. Lộ trình Ðề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều) sẽ có 3 giai đoạn: giai đoạn đầu thí điểm ở Ninh Kiều (khi dịch COVID-19 được kiểm soát ổn định) vào năm 2022, giai đoạn 2 là bắt dầu từ năm 2023 khi đánh giá mô hình của Ninh Kiều và mở rộng trên toàn thành phố và giai đoạn 3 từ năm 2025 trở đi. 

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở VHTT&DL TP Cần Thơ cho rằng, quy hoạch khu phát triển kinh tế ban đêm cần phải gắn với Quy hoạch tích hợp của TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ đó mới có những định hướng, cơ chế và giải pháp phù hợp. Các định hướng về sản phẩm, không gian phát triển cũng phải cụ thể hơn, nhất là các hoạt động trên sông, hoạt động văn hóa, giải trí về đêm. Kinh tế ban đêm được xem là một trong những giải pháp quan trọng tăng sức hút với du khách, tạo hệ thống sản phẩm dịch vụ đa dạng, góp phần kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch là một mô hình mới đang thí điểm, do đó cũng gặp nhiều khó khăn về các quy định chồng chéo, vì thế mỗi địa phương cũng sẽ có những chính sách, cơ chế linh hoạt. Cần Thơ cũng đang trong quá trình vừa nghiên cứu, xây dựng để có mô hình đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, nhất là dành cho người dân, doanh nghiệp và du khách.


Nguồn: Báo Cần Thơ


fd4ab1de-a051-4286-a39d-beeb210d0c4e

Tiêu đề bài viết: Cần Thơ phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français