Ông Lý Văn Bon (tên thường gọi là Bảy Bon), chủ bè cá Bảy Bon, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Du lịch nông nghiệp cồn Sơn, hồ hởi: “Hồi tháng 6 HTX Du lịch nông nghiệp cồn Sơn được UBND quận Bình Thủy công nhận và trao quyết định đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây là tin vui đối với người dân cồn Sơn trong việc nỗ lực bảo vệ nguồn thủy sản tự nhiên trong suốt những năm qua. Vui nhất là là kết quả này cũng có sự chung tay của nhiều du khách”.
Gần 4 năm qua, tại bè cá Bảy Bon đã tồn tại một khu vực dành cho cá thiên nhiên. Cá có thể bơi đến ăn rồi tự do về lại sông, tiền thức ăn nuôi cá được trích từ phí tham quan mà du khách chi trả khi đến trải nghiệm ở bè cá Bảy Bon. Khu vực này cũng trở thành một trong những điểm tham quan trong quần thể các trải nghiệm ở bè cá. Đây được xem là một trong những phương pháp vừa bảo tồn vừa góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng đối với việc bảo vệ nguồn thủy sản trên sông Hậu. Em Lê Ngọc Bảo Tiên (13 tuổi, quận Ninh Kiều), nói: “Trải nghiệm ở bè cá Bảy Bon rất thú vị và em ấn tượng nhất là ở khu vực cá thiên nhiên. Khi được nghe ông Bảy Bon và chị hướng dẫn viên nói về quá trình tạo môi trường sống cho cá, em càng vui hơn. Bởi vì mình cũng là du khách cũng góp phần vào hoạt động bảo tồn các loài cá”.
Chị Lê Thị Hồng Diễm, hướng dẫn viên địa phương tại cồn Sơn, cho biết: “Trước khi chúng tôi được phép dẫn các đoàn khách đều phải trải qua các lớp tập huấn rất kỹ về kiến thức và kỹ năng, đặc biệt là việc làm du lịch gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Chú Bảy Bon chỉ dẫn rất tận tình để mỗi chúng tôi đều biết rõ về những vòng đời, đặc tính của các loài cá. Trong thời gian cho phép, chúng tôi cố gắng truyền tải những điều đó đến du khách. Du khách vừa có thể trải nghiệm vừa có thể góp phần chung tay cùng chúng tôi bảo vệ các loài cá”. Chị Hồng Diễm kể, cá mang rổ còn gọi là cá cung thủ bởi đặc tính bắn nước bọt săn mồi rất chuẩn, thường sống trong môi trường nước tự nhiên nhưng ít ai quan tâm. Tuy nhiên khi ông Bảy Bon mang về nuôi, hình thành sản phẩm trải nghiệm tại đây thì thu hút nhiều du khách. Từ đó, loài cá này cũng được biết đến nhiều hơn.
Anh Trần Quang Huy (Hà Nội), nói: “Đây là lần đầu tôi trải nghiệm đa dạng các loài cá như thế. Các bạn hướng dẫn viên mang đến cho chúng tôi rất nhiều thông tin. Ở đây có những loài cá mà tôi mới biết lần đầu, như cá cung thủ, nó săn mồi rất nhanh và chuẩn. Tôi cho rằng đây là những trải nghiệm bổ ích, nhất là khi du lịch về vùng sông nước như thế này”. Tại bè cá Bảy Bon, du khách có thể tham quan tìm hiểu đa dạng các loài cá, như cá thát lát cườm, cá koi, cá mang rổ, trê hồng… trong đó còn có nhiều loài cá quý như cá hồng vỹ, cá hô, cá trạch lấu… Tại đây, còn có Phòng Thông tin nghề cá trên sông Hậu - nơi cung cấp cho du khách thông tin và trưng bày các mô hình 3D về các loài cá đặc trưng của sông Hậu. Với 27 loài được lựa chọn để giới thiệu, trong đó có 15 loài cá được trưng bày dưới dạng mô hình 3D. Ông Lý Văn Bon nói: “Hồi trước thì tôi chỉ nuôi cá bè để làm kinh tế, sau này mới làm du lịch vì mình nhận ra khi kết hợp như thế thì người ta mới biết đến nhiều hơn. Trong khi đó, nguyện vọng của tôi là làm sao bảo tồn, gìn giữ những loài cá tự nhiên, đưa nơi đây trở thành địa điểm nghiên cứu, thử nghiệm của rất nhiều nhà nghiên cứu, sinh viên ngành Thủy sản trong nước và quốc tế”.
Việc hình thành những sản phẩm du lịch liên quan đến các loài cá đã trở thành “đặc sản” của cồn Sơn. Với kinh nghiệm hỗ trợ kỹ thuật từ ông Bảy Bon, anh Nguyễn Thành Tâm, chủ vườn Thành Tâm cũng đã tạo ra những sản phẩm độc đáo: cá lóc bay, cá trê ăn trên cạn… Anh Nguyễn Thành Tâm chia sẻ: “Chúng tôi luyện tập để những loài vật thân quen thành sản phẩm du lịch, nhưng khi cá được nuôi lâu năm chúng tôi sẽ thả về lại tự nhiên”. Không chỉ cá lớn được thả về mà những cá nhỏ, còn non cũng được thả về. Anh Phạm Văn Út, hướng dẫn viên tại cồn Sơn, nói: “Khi các đoàn khách có trải nghiệm về tát mương bắt cá ở các vườn tại cồn Sơn, chúng tôi luôn khuyến khích khách rằng nên thả những con ốc, cá nhỏ trở lại môi trường tự nhiên. Nhiều đoàn khách đều nhiệt tình chung tay làm điều này với chúng tôi”.
Vừa phát triển du lịch vừa gìn giữ, bảo tồn đời sống tự nhiên là quá trình không hề dễ dàng, tuy nhiên nếu có sự đồng lòng, chung tay của nhiều người thì hoàn toàn có thể. Thành quả của HTX Du lịch nông nghiệp cồn Sơn cho thấy sự nỗ lực, kiên trì bền bỉ trong nhiều năm khi xác định rõ phương hướng phát triển du lịch cộng đồng và bền vững.
Nguồn: Báo Cần Thơ