
Các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận lần này thuộc 5 loại hình: Nghề thủ công truyền thống, Lễ hội truyền thống, Nghệ thuật trình diễn dân gian, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Tri thức dân gian. Trong đó, Nghệ thuật trình diễn dân gian “Hát ru của người Việt ở Cần Thơ” nằm trong danh sách 23 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa được công bố.
Ngoài Cần Thơ, 2 địa phương khác tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có tên trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt này, bao gồm: Nghề làm muối ở Bạc Liêu (xã Vĩnh Hậu, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình; xã Long Điền Đông, xã Điền Hải, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu); Nghề làm bánh Pía (xã Phú Tâm, xã Thuận Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng).
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Như vậy, đến nay ngoài “Hát ru của người Việt ở Cần Thơ”, tại Cần Thơ còn có 4 di sản văn hóa khác được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Hò Cần Thơ, Ðờn ca tài tử, Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên Đình Bình Thủy.
Thanh Xuân