Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Đặc điểm và vai trò của chợ nổi ở ĐBSCL
Ngày đăng: 18/08/2024

Lượt xem:


Chợ nổi được hình thành và phát triển trong khoảng thời gian công cuộc khẩn hoang miền Nam tương đối hoàn tất. Lúc bấy giờ, phố chợ mọc lên, đường sá rộng mở, người ta bắt đầu có nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa. Thế là chợ búa hình thành, thế nhưng địa hình ở ÐBSCL lắm sông nhiều rạch nên ngoài những ngôi chợ nhóm họp trên bờ, ở dưới sông ghe xuồng cũng tụ lại để giao thương, dần dần hình thành khu chợ trên sông - nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng sông nước Cửu Long.
Chợ nổi là nét đặc trưng văn hóa sông nước miền Tây. Ảnh: DUY KHÔI

Chợ nổi - quá trình hình thành và phát triển

Cho đến nay, chưa có tài liệu khẳng định chính xác chợ nổi xuất hiện từ khi nào. Người ta chỉ biết rằng, từ cuối thế kỷ XVII vùng đất thuộc hai bờ sông Tiền cơ bản khai phá xong, nhiều nơi thành trấn lỵ, huyện lỵ… dân cư tập trung lập nghiệp ngày càng đông. Ðặc biệt hệ thống mạng lưới chợ ra đời, rất sung túc. Các chợ Long Hồ, chợ Hưng Lợi (Ðịnh Tường)… chợ nào cũng đông đúc ghe thuyền cập bến, mua bán hàng hóa, thức ăn… Ðó là dấu ấn đầu tiên của chợ nổi.

Sau khi chiếm Nam kỳ, người Pháp tiến hành công cuộc khai thác lớn ở phía bờ Tây sông Hậu: “đào kinh, lập chợ, mở lộ xe”. Hoạt động thương mại một lần nữa có điều kiện phát triển. Kinh Xáng Xà No nối Cần Thơ - Rạch Giá đào xong (1901-1903) mở ra thời kỳ tăng tốc về nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp. Sản phẩm lúa gạo, trái cây, rau củ từ ÐBSCL chẳng mấy chốc trở thành hàng hóa có mặt khắp nơi, xuất cảng sang cả nước ngoài.

Khu vực chợ Cái Răng (Cần Thơ) với thế mạnh công nghiệp xay xát đã trở thành một chành lúa sầm uất, chỉ đứng sau Chợ Lớn.

Bên cạnh chành lúa, chợ Cái Răng sung túc cả trên bờ lẫn dưới sông ở vị trí chiến lược nối Sài Gòn - Cần Thơ xuống Cà Mau - Rạch Giá. Giữa thế kỷ XX, Cái Răng có nhiều nhà bè ở hai bên rạch Cái Răng và Cần Thơ. Chủ bè là người Hoa mở tiệm bán tạp hóa ngay trên đó, và một khu chợ trên sông bên cạnh cũng ra đời, với hàng trăm tàu, ghe ngang dọc ngày đêm mua bán, trao đổi hàng hóa: ghe hàng người Việt bán trái cây, rau củ; nhà bè của người Hoa bán tạp hóa, còn ghe thương hồ của người Khmer thì chở bán “cà ràng- ông táo”.

Ở phía Nam Cái Răng - Cần Thơ khoảng 30 cây số, cụm kinh Ngã Bảy (Phụng Hiệp) hoàn thành năm 1915, một năm sau quận lỵ Phụng Hiệp dời từ Rạch Gòi về đây. Lộ xe từ Cái Răng đắp dần tới Ngã Bảy, khiến nơi đây nhanh chóng trở thành khu chợ sung túc, từ trên lộ lan xuống bảy ngả sông. Tàu đò chở khách, ghe nông sản cùng đội quân thương hồ khắp nơi tụ về, nhộn nhịp ngày đêm. Chợ Ngã Bảy đương nhiên thành chợ nổi Ngã Bảy với quy mô rộng lớn.

Công cuộc đào kinh tiếp tục từ Ngã Bảy - kinh Quan Lộ nối Phụng Hiệp qua đất Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau… đến một địa điểm thuộc huyện Long Mỹ, người ta cho xẻ năm con kinh xáng hợp về, hình thành trung tâm Ngã Năm, chỉ cách trung tâm Ngã Bảy hơn 30 cây số. Ngay khi con kinh này đào xong, chợ Ngã Năm ra đời, nhanh chóng thành nơi đô hội.

Có thể khẳng định: sự ra đời của các chợ nổi Cái Răng, Ngã Bảy, Ngã Năm cho thấy tính hoàn thiện của kiểu cách nhóm chợ trên sông với quy mô rộng lớn; số lượng tàu ghe đến buôn bán gấp bội lần so với các chợ trước đây.

Sau này, do nhu cầu giao thương nên nhiều chợ nổi có quy mô vừa tiếp tục ra đời, như: chợ nổi Vĩnh Thuận (Kiên Giang), chợ nổi Ngan Dừa (Bạc Liêu), chợ nổi An Hữu (Cái Bè, Tiền Giang)...

Như vậy, thời điểm ra đời của chợ nổi ÐBSCL là vào khoảng đầu thế kỷ thứ XIX. Ðây là thời kỳ sơ khai với các chợ dọc theo hai bờ sông Tiền.

Thời kỳ chợ nổi hình thành và hoàn thiện là vào khoảng đầu thế kỷ XX, với các chợ phía bờ Tây sông Hậu, chủ yếu là vùng Cần Thơ.

Thời kỳ chợ nổi định hình và phát triển là từ sau ngày giải phóng 30-4-1975(1).

Đặc điểm của chợ nổi

Ðặc điểm đầu tiên là dùng cây bẹo để chào hàng. Chủ ghe bán hàng gì cứ treo lên ngọn sào trước mũi ghe. Ðây là một kiểu thông tin “tín hiệu”. Có thể nói, “bẹo hàng” là một sáng tạo độc đáo, một lối tiếp thị, quảng cáo được hình thành khá sớm, chỉ chợ nổi mới có.

Ðặc điểm thứ hai là chữ “tín” trong hoạt động mua bán ở chợ nổi. Việc thỏa thuận mua bán dù với hàng hóa cả chục tấn cũng chỉ bằng miệng, không cần giấy tờ, thế nhưng hai bên rất tôn trọng giao ước.

Ðặc điểm thứ ba là ở chợ nổi mua bán theo kiểu “tiền trao cháo múc”, không có khái niệm “mua chịu, bán chịu”, mua hàng rồi đổi lại, trả lại… bởi mua bán xong rồi, mạnh ai nấy nhổ sào lui ghe.

Văn hóa giao tiếp cũng là một đặc điểm của chợ nổi. Ða số người bán hàng là dân tứ xứ đến “cắm sào” kiếm sống. Họ đã hình thành tập quán “buôn có bạn, bán có phường” từ hàng trăm năm qua, từ đó nảy sinh các mối quan hệ giao tiếp với nhau lâu ngày thành các giá trị văn hóa. Ðó là tình đoàn kết, tương thân, tương ái. Các xuồng ghe neo đậu dài ngày chờ bán hết hàng, thường coi nhau như người lối xóm nên dù xa lạ nhưng họ lại nhanh chóng trở nên thân thiết, có gì cần cứ kêu nhau. Thuyền ghe mắc cạn, hư máy thì họ sẵn sàng phóng xuống sông đẩy giúp, gặp sóng to gió lớn, ghe khẳm vô nước sắp gặp nguy, người ghe khác nhảy qua tát nước. Ghe nào chẳng may có người bệnh, người qua đời đột ngột thì nhiều ghe khác xúm lại lo toan(2).

Vai trò của chợ nổi

Vai trò trên hết và trước hết của chợ nổi chính là công việc giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa. Chợ nổi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc “tiêu thụ hàng nông sản ở vùng, đem lại số lượng công ăn việc làm đáng kể cho người dân, góp phần cải thiện đời sống của cư dân thương hồ. Chợ nổi là hình thức mua bán trên cơ sở kết tinh giữa môi trường sông nước và tập quán mua bán trên sông của người dân trong mấy trăm năm lịch sử. Chợ nổi là nơi gặp gỡ giữa sản phẩm của ngành nông nghiệp với sản phẩm của ngành thủ công nghiệp, ngành công nghiệp; là điểm trung chuyển hàng hóa giúp gắn kết giữa khu vực thành thị với vùng nông thôn. Chợ nổi ra đời còn góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch ở vùng phát triển”(3).

Kế đến là vai trò về văn hóa. Chợ nổi ÐBSCL không chỉ thể hiện chức năng mua bán, trao đổi hàng hóa thông thường mà còn thể hiện phương thức buôn bán đặc trưng, nét sinh hoạt chợ độc đáo.

Ở đây, những người dân các vùng tụ tập lại cùng trao đổi tin tức, kinh nghiệm làm ăn với nhau. Họ đến đây và nắm bắt thông tin khắp nơi do tàu ghe buôn bán từ nhiều nơi đem đến. khi tan chợ, họ trở về đem theo những cái hay, cái đẹp của nơi khác. Như vậy, chợ trên sông còn đảm nhận thêm một chức năng nữa, chức năng “chuyển tải văn hóa” đi đến mọi miền trong khu vực, từ phố thị đến những làng quê hẻo lánh, tạo nên sức sống của nền văn minh sông nước Nam Bộ. Nhiều chàng trai cô gái đã đến đây tìm được người bạn đời của mình. Với những câu hò, lời hát, họ đã đến với nhau thật nhẹ nhàng, nhưng cũng không kém phần kiên định.

Chàng đi thiếp cũng theo cùng

Ðói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam

Ví dầu tình có dở dang

Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về…

Sông nước phương Nam mênh mông và gần gũi bởi những dáng áo bà ba hiền lành chất phác, những điệu hò mộc mạc chân tình và cả những ngôi chợ quê giữa bốn bề sông nước êm đềm… Những nơi này nhanh chóng trở thành những tụ điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí, du lịch của du khách thập phương(4).

Hoạt động du lịch cũng là một chức năng nổi bật của chợ nổi. Du lịch chợ nổi ở ÐBSCL xuất hiện từ thập niên 80 của thể kỷ XX khi mà những du khách trong và ngoài nước có nhu cầu trở về với thiên nhiên, thâm nhập đời sống của cư dân thương hồ, muốn tìm hiểu sản vật của vùng đất mới được khai phá. Ngoài việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói riêng, ngành du lịch Việt Nam nói chung thông qua doanh thu và góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, sự phát triển du lịch chợ nổi ở vùng ít nhiều hướng đến cộng đồng và đây được xem là hoạt động tích cực. Có một bộ phận nhỏ người dân địa phương được tham gia vào việc cung cấp phương tiện vận chuyển tham quan cho du khách, lái tàu và làm hướng dẫn viên, qua đó được hưởng lợi từ du lịch. Phương tiện vận chuyển khách tham quan trên chợ nổi khá đa dạng về loại hình và chất lượng phương tiện khá tốt (tại chợ nổi Cái Răng và chợ nổi Cái Bè). Khả năng tiếp cận các chợ nổi tương đối thuận lợi vì phần lớn đã có đường trải nhựa với làn đường tương đối rộng(5).

Ngày nay, nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa trên sông không cao như ngày xưa bởi đường bộ cùng các phương tiện vận chuyển đã phát triển, phương thức mua bán cũng khác… Tất nhiên vai trò về văn hóa và du lịch cũng bị ảnh hưởng.

Giải pháp hiện nay có thể là quy hoạch chợ nổi thành mô hình để lưu giữ những giá trị văn hóa đặc thù và để phát triển du lịch. Trong đó, cần chú trọng vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát giá cả, văn hóa giao tiếp… Khi đó, chợ nổi sẽ là một bảo tàng thu nhỏ lưu giữ những ký ức, những nét văn hóa độc đáo của người dân vùng ÐBSCL và là nơi để phát triển du lịch văn hóa.l

---------------------------

(1) Nhâm Hùng (2009), “Chợ nổi đồng bằng sông Cửu Long”, NXB Trẻ, tr.23-27.

(2) Trần Trọng Triết (2010), “Văn hóa chợ nổi”, Tạp chí Đồng Tháp xưa nay, số 30, tháng 9, tr.42.

(3) Nguyễn Trọng Nhân (2012), “Bước đầu tìm hiểu du lịch chợ nổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 28, tr.124.

(4) Trần Nam Tiến (2000), “Chợ trên sông”, Tạp chí Xưa & Nay, số 768 tháng 6, tr.37.

(5) Nguyễn Trọng Nhân, tlđd, tr.124-125.


Nguồn: Báo Cần Thơ


7ccdfc0e-571d-408a-a9a5-807d5a7ad8c9

Tiêu đề bài viết: Đặc điểm và vai trò của chợ nổi ở ĐBSCL . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français