Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Mấy phong tục dân dã ngày Tết
Ngày đăng: 28/01/2024

Lượt xem:


Vui nào bằng vui 3 ngày Tết. Người Nam Bộ vui Tết cũng không quên những điều gần gũi, gắn liền với đời sống của mình trong năm vừa qua. Ðó là chiếc ghe dưới bến, con trâu trong chuồng, gốc cây sau hè... Ngày giáp Tết, xin thuật lại mấy phong tục dân dã, thấy thương của ngày Tết hồi năm nẳm.
Sau một năm đồng hành, con trâu sẽ cùng "ăn Tết" với người nông dân.

Tết ghe

Cứ chừng hai mươi lăm, hai mươi bảy Tết, đi dọc miền châu thổ Cửu Long, hẳn sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc ghe đậu dưới bến sông được chùi rửa sạch sẽ, tươm tất, trước mũi, trên mui có vài chậu vạn thọ vàng ươm. Ðêm 30, gia chủ chọn cắt nhánh mai thiệt đẹp để cắm ngay trụ nọc dây, thắp ba cây nhang lâm râm khấn nguyện, mời Bà Cậu, nhiều nơi mời "Ông Ghe Bà Ghe" về ăn Tết.

Ðó là tục Tết ghe có nhiều ở Nam Bộ, nhất là vùng sông nước ÐBSCL. Với người đi ghe, làm nghề sông nước thì ghe là nhà, ghe là chân, đôi khi, ghe là quê hương nữa. Nghề sông nước còn được gọi là nghề Bà Cậu. Vậy Bà Cậu là ai và thần tích thể nào? Theo Huỳnh Tịnh Paulus Của trong cuốn "Ðại Nam quấc âm tự vị", ấn tống hồi năm 1895-1896, mục từ "Bảy Bà ba Cậu" được giảng nghĩa gồm: Bà chúa Tiên, Bà chúa Ngọc, Bà chúa Xứ, Bà chúa Ðộng, Bà Cố Hỷ, Bà Thủy, Bà Hỏa; Cậu Trày, Cậu Quý đều là con bà chúa Ngọc, là thần quỷ hay làm họa phước. Ngoài ra còn có Cậu Lý, Cậu Thông nhưng câu nói trên được nói cho vần và cũng không rõ sự tích. Tục thờ Bà Cậu của cư dân vùng sông nước còn có nhiều cách lý giải khác nhau nhưng có thể hiểu đại khái, đó là tín ngưỡng thờ vị thần bảo hộ cho những người sống nghề sông nước, có sự pha trộn giữa niềm tin dân gian và truyền thuyết dân gian.

Trở lại tục Tết ghe, thật ra, hầu như mui ghe nào của người đi sông nước cũng có ống nhỏ dùng thắp nhang. Bà con thắp nhang hằng sáng. Tới mùng 2 (có nơi ngày 29) và ngày 16 âm lịch hằng tháng, bà con đều cúng Bà Cậu. Nhưng ngày Tết, việc cúng ghe sẽ tươm tất, trọng thị hơn.

Có nơi Tết ghe vào ngay sáng mùng 1, có nơi mùng 4 hoặc mùng 6, tùy tập quán. Mâm Tết ghe cúng Bà Cậu, tùy từng vùng có khác nhau, nhưng dễ thấy nhất là mâm cúng gồm vịt luộc, bánh bao, bắp cùng bánh kẹo ngày Tết. Trong quá trình điền dã, chúng tôi ghi nhận giải thích của nhiều người đi ghe lâu năm miệt Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau là: cúng ghe phải cúng vịt, không cúng gà, vì vịt là loại bơi giỏi, quạt cánh giỏi, nhanh nhẹn trên sông nước, phù hợp với ước muốn của chủ nhân về chiếc ghe. Cúng bánh bao vì nổi, không chìm, phổng phao và trái bắp với ước muốn "chắc ăn như bắp", làm đâu thắng đó. Cũng có nơi cúng thêm bộ tam sên gồm tôm, trứng và thịt luộc.

Chủ ghe bưng mâm lễ ra trước mũi ghe, hướng mũi ghe đón nước lớn, lâm râm khấn nguyện. Chúng tôi chưa ghi nhận "công thức chung" cho lời khấn này nhưng nhìn chung, đều là ước nguyện Bà Cậu phù hộ cho việc đi ghe, làm ăn trên sông nước xuôi chèo mát mái, thuận buồm xuôi gió... Ðây cũng là dịp để chủ ghe tạ ơn Bà Cậu đã phù hộ trong suốt một năm vừa qua.

Sau khi Tết ghe thì việc ăn Tết của bà con vẫn như thường lệ, nhưng có một tập tục hay nữa là "xuất hành". Chúng tôi ghi nhận tập tục này ở một số địa phương ở Bạc Liêu, Kiên Giang. Thường chủ ghe chọn mùng 7 hay mùng 9 Tết cho "tốt ngày", đợi giờ nước lớn, nổ máy, kéo ga hết cỡ, hú còi vang vang nhiều hơi liền. Có khi, chủ ghe sau đó còn chạy đảo một vòng. Ðó gọi là "lấy ngày", "xuất hành".

Tết Ông Chuồng - Bà Chuồng

Dân gian có bài ca dao rất hay về "tình bạn" giữa người và trâu: "Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Chừng nào cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn". Cũng vậy mà trong dịp vui 3 ngày Tết, người nông dân không quên con trâu, loài vật đã cùng mình "một nắng hai sương", "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" suốt một năm đã qua. Nông dân có tập tục Tết Ông Chuồng - Bà Chuồng, có nơi gọi là Tết trâu.

Tập tục này có ở nhiều địa phương trong cả nước, với quan niệm, trong mỗi gia đình nông dân, ngoài vị thần giữ nhà thì còn có vị thần chuyên việc trông giữ chuồng trại vật nuôi, đó là Ông Chuồng - Bà Chuồng.

Sau 3 ngày Tết, thường thì vào mùng 4 hoặc mùng 6, gia chủ sẽ tiến hành Tết Ông Chuồng - Bà Chuồng. Mâm lễ gồm có hoa, quả, nhang đèn, trà, rượu, cùng với giấy tiền vàng bạc, được đặt trước cửa chuồng. Ở một số địa phương ÐBSCL, mâm lễ cũng không thể thiếu mấy đòn bánh tét, có khi được cắt sẵn. Mùng trâu (nếu có) sẽ được vắt cao lên, chuồng được xịt rửa sạch sẽ. Gia chủ thắp nhang, khấn vái, đại ý cầu cho chuyện đồng ruộng được hanh thông, gia súc, vật nuôi được mạnh giỏi, cầu cho trâu cày ruộng siêng, kéo cộ khỏe.

Có điều khác ở các nghi thức cúng kính trong nhà là sau khi cúng xong, tiền vàng bạc thay vì đốt, gọi là "hóa vàng", thì sẽ được dán lên cột chuồng, mùng và đặc biệt là dùng nếp bánh tét dán giấy tiền vàng bạc lên đôi sừng của từng chú trâu. Bà con coi như đây là tục lì xì cho trâu. Xong việc, ly rượu sẽ được đổ tượng trưng vào miệng của trâu đực, trâu cái thì là trà, ngụ ý mời trâu cùng ăn Tết, hưởng lộc với gia chủ. Xong xuôi, gia chủ thả trâu ra ngoài đám cỏ cho ăn, như một nghi thức "xuất hành".

Hồi xưa, với những gia đình giàu, có đến vài đôi trâu, thậm chí vài mươi đôi, nên phải mướn người chăn. Thường, lũ trẻ chăn trâu ngày giáp Tết sẽ được gia chủ sắm cho bộ đồ mới với lì xì tiền. Sau khi làm xong tục Tết trâu, gia chủ cũng cho thêm lũ trẻ hoặc là thúng gạo, hoặc là vài đòn bánh tét hay kẹo, mứt, tỏ lòng cảm ơn chúng đã chăn đàn trâu mập mạp, to khỏe suốt một năm qua.

Tết cây

Hồi ra Giêng Tết năm rồi, tôi có dịp dẫn đoàn khách từ Bắc Kạn vào, đi tham quan Cồn Sơn (quận Bình Thủy). Mọi người tỏ ra thích thú với hàng cây dọc triền đê của con kinh nhỏ, tăm tắp đều được dán giấy vàng bạc. Một chị trong đoàn gọi ngay đó là tục Tết cây nhưng chị thắc mắc về tấm giấy dán lên cây. Khi biết đó là giấy tiền vàng bạc, một kiểu "lì xì" cho cây, chị không khỏi ngạc nhiên. Theo chị, đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc cũng có nhiều nơi thực hiện tập tục này ngày Tết và họ dán lên cây một loại giấy đỏ được làm thủ công.

Theo bà con Cồn Sơn, Tết cây là tập tục được duy trì qua nhiều đời trên xứ cù lao này. Bà con trên cồn sống bằng nghề trồng cây ăn trái, với nhiều vườn cây lâu năm, trĩu quả. Ngày Tết đến, thường là qua mùng 3 hoặc mùng 4, bà con tiến hành mừng tuổi cây hay là "Tết cây". Giấy vàng bạc được dán lên từng cây một, ngụ ý cầu cho cây cối tốt tươi, bông trái xum xuê, và bày tỏ lòng tri ân với cây vì đã cho bà con được cây lành trái ngọt.

Tết cây là tập tục quen thuộc của bà con Nam Bộ, tuy mỗi vùng mỗi khác. Theo một số vị cao niên ở Cần Thơ, có nhà vườn Tết cây trong khuôn viên nhà bằng cách cột vải đỏ cho cây, vào thời khắc ngay sau Giao thừa. Khi ấy, con cháu sẽ xúm xít lại mừng tuổi cho cây bằng những sợi vải đỏ thắm. Người lớn tuổi trong nhà, thường là ông nội, ông ngoại, sẽ chọn hái một nhành lộc mơn mởn, hoặc một nụ hoa bum búp, cắm lên bàn thờ gia tiên. Bà con quan niệm, đó là lộc của đất trời, lộc của thiên nhiên trong ngày đầu năm. Ấy cũng là lộc xuân vậy!

*

*   *

Thử nghĩ, sẽ ra sao nếu không còn Tết, nếu không còn những thuần phong mỹ tục ngày Xuân. Vòng luân hồi của thời gian sẽ trôi, không đầu, không cuối và đời người sẽ không có những khoảng lắng trong tầm hồn để hướng về nguồn cội, ngẫm về tiền nhân. Nghĩ lại, Tết ghe, Tết trâu hay Tết cây, trước là lối sống thuận tự nhiên, tôn trọng thiên nhiên của ông bà ta, nói theo ngôn ngữ bây giờ là "sống xanh", "chống biến đổi khí hậu"; sau nữa, đó là lối sống nhân nghĩa, ân tình, có trước có sau. Con trâu ngoài ruộng, gốc cây sau nhà, chiếc ghe dưới bến, đã đồng hành cùng ta trong một năm sướng khổ. Ngày Tết vui vầy, lẽ nào ta hưởng một mình. Lối sống nghĩ đơn sơ ấy thật thấm tình.

"Vạn vật nức xuân tâm", trong khói hương ngày Tết, thuận thiên mà nghĩ: "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành"!


Nguồn: Báo Cần Thơ


369c31b0-59bb-427b-abd9-508d2e145deb

Tiêu đề bài viết: Mấy phong tục dân dã ngày Tết . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français