Mới đây, các em học sinh Trường Việt Mỹ Cần Thơ tham quan, tìm hiểu Di tích quốc gia Ðình Bình Thủy. Các em được tìm hiểu nguồn gốc địa danh Bình Thủy, Long Tuyền, sự ra đời của đình Bình Thủy, với những đặc trưng kiến trúc, nghi lễ… Những thông tin thầy cô truyền tải vừa phải, dễ hiểu, dễ nhớ đối với lứa tuổi THCS - lứa tuổi của các học sinh tham gia. Các em cũng đã đi thực tế từng hạng mục. Trước đó, Trường tổ chức nhiều chuyến tham quan, giao lưu ý nghĩa cho học sinh đến các di tích lịch sử văn hóa, các đơn vị quân đội…
Trước Tết Giáp Thìn, sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ cũng có chuyến tham quan Di tích quốc gia Khám Lớn Cần Thơ và trải nghiệm chương trình “Tuổi trẻ Cần Thơ học tập, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa”. Cô Nguyễn Võ Thị Mỹ Thà, giảng viên Trường Cao đẳng Cần Thơ, chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần dẫn sinh viên đến Di tích Khám Lớn Cần Thơ và lần nào cũng có cảm xúc đặc biệt, ý nghĩa”.
Một số trường THCS tại quận Ninh Kiều như Trường THCS Chu Văn An, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng... cũng thường tổ chức các chuyến tìm về di sản ở Khám Lớn Cần Thơ. Hình ảnh các em nghiêm cẩn trước bàn thờ, thành kính tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, thể hiện ý nghĩa của chương trình. Từ tình cảm đó, nhiều em phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt hơn nữa. Ðó cũng là “trái ngọt” trong hành trình xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”.
Tại hội thảo khoa học “Vận dụng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình gắn với việc xây dựng tiêu chí người Cần Thơ” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ tổ chức vào cuối năm 2023, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh vai trò của việc giáo dục thế hệ trẻ, để các em hiểu, đồng lòng, đồng sức xây dựng người Cần Thơ. Với riêng ngành Văn hóa Cần Thơ, việc thực hiện các tiêu chí người Cần Thơ được cụ thể hóa bằng những mô hình, cách làm hay, với sự hưởng ứng của các ngành, các địa phương.
Chương trình “Tự hào người Cần Thơ” do Bảo tàng thành phố tổ chức là điển hình. Chỉ riêng năm học 2022-2023, Bảo tàng TP Cần Thơ đã ký kết phối hợp với 31 trường học, ở cả 3 cấp: tiểu học, THCS và THPT thực hiện chương trình. Các hoạt động thu hút hơn 110.000 lượt giáo viên và học sinh tham gia. Qua chương trình, các em được cung cấp kiến thức về xây dựng nếp sống văn hóa, người Cần Thơ, được củng cố kiến thức qua các trò chơi vui nhộn. Cô Nguyễn Lâm Hằng Phượng, Tổng phụ trách Ðội Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, cho biết: Nhiều năm Trường đã phối hợp với Bảo tàng thành phố trong giáo dục di sản. Vì vậy khi được chọn thực hiện chương trình “Tự hào người Cần Thơ”, Trường rất phấn khởi.
Xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch” là việc làm lâu dài, bền bỉ. Trong bối cảnh Cần Thơ phát triển và hội nhập thì các tiêu chuẩn này ngày càng trở nên cần thiết. Vì vậy, việc truyền cho học sinh niềm tự hào người Cần Thơ, thêm yêu di sản văn hóa địa phương, sẽ giúp các em có thêm hành trang tự tin vào đời. Ðây chính là nền tảng nhân văn giúp các em hội nhập, khẳng định bản thân, trở thành “công dân toàn cầu” trên nền tảng bản sắc văn hóa dân tộc.
Nguồn: Báo Cần Thơ