Theo quan niệm dân gian, tổ tiên ông bà dù đã khuất nhưng vẫn phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, mạnh khỏe, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, nên những dịp giỗ chạp, lễ Tết, người ta hay cúng, cầu mong ông bà về ăn cơm với mình, đó là sợi dây vô hình nối giữa người còn sống và người đã khuất. Và đó cũng là yếu tố vững chắc nhất để liên kết các thành viên trong mỗi gia đình. Những dịp cúng quảy ông bà, tổ tiên, con cháu, dòng họ từ các nơi đổ về cùng cúng ông bà, cùng vui chơi, tâm sự, sẻ chia những nỗi niềm giúp sự gắn bó của những người trong dòng họ thêm vững chắc hơn.
Mặc dù tổ tiên đã về cõi vĩnh hằng, nhưng trong thâm tâm những người còn sống vẫn có cảm giác rằng họ luôn dõi theo con cháu. Và thờ cúng tổ tiên, ông bà chủ yếu là tấm lòng biết ơn của người còn sống đối với tiền nhân - những người đã có công sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ mình nên người. Ngoài ra, đó còn là một nét đẹp truyền thống, đạo lý sâu xa của dân tộc về việc giáo dục chữ hiếu, nguồn cội cho cháu con, nhắc nhở họ nhớ về những kỷ niệm, công đức của ông bà. Chính vì lẽ đó mà, từ nhà giàu sang cho đến gia đình nghèo khó đều đặt bàn thờ gia tiên ở nơi trang trọng nhất, ngay chính giữa nhà mình, như là sự tôn kính tuyệt đối của mình đối với tổ tiên trong gia đình.
Đặc biệt trong tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt là ngày cuối cùng của năm, mọi người trong nhà phải lo tắm rửa để làm lễ rước ông bà. Tắm rửa cuối năm là một phong tục, với ý nghĩa là gột rửa tất cả mọi xui xẻo còn bám dính trên người. Phải tắm rửa cho thật sạch để làm lễ đón ông bà về vui Tết với con cháu và chuẩn bị cho năm mới tốt đẹp hơn.
Tục rước ông bà ở Nam Bộ xưa rất long trọng và trang nghiêm. Bao nhiêu món ngon vật lạ bày ra: bàn thờ chính giữa một mâm (để cúng cửu huyền thất tổ), hai mâm cho hai bàn thờ nhỏ bên phải, bên trái (để cúng bà con bên nội, bên ngoại), trên bàn nước kế bàn thờ lớn là một mâm (để cúng đất đai); ngoài ra, trên bộ ván hay chõng tre bên trái hoặc bên phải bàn nước cũng có bày thêm một mâm nữa (để cúng các vong linh, vai ngang hay vai nhỏ hoặc bà con dòng họ mà không có thờ trên hai bàn thờ nhỏ). Vị chi là năm mâm; ở phố chợ, thị thành, nhà cửa chật hẹp thường ba mâm vì chỉ có bàn thờ ông bà. Mỗi mâm cúng phải có một lư nhang, cặp chân đèn, ba chung nước, ba chung rượu, ba đôi đũa.
Bày biện xong, nhang đèn hương trầm nghi ngút, gia chủ ra làm lễ rước ông bà: gia chủ ăn mặc chỉnh tề, đốt nến và bó nhang, đứng trước bàn nước có mâm cúng đất đai, quay mặt về bàn thờ lớn, hai tay kẹp chặt bó nhang mới đốt đưa lên ngang trán, xưng họ tên, lý lịch, khấn nguyện đất đai viên trạch, xin phép rồi kính rước vong linh tổ tiên, ông bà, dòng họ về chung vui với gia đình. Đoạn gia chủ cắm nhang từng mâm, đầu tiên là mâm đất đai, bàn thờ chính, bên nội, bên ngoại, mâm trên ván, mỗi mâm xá ba xá rồi trở về chỗ cũ bái tạ bốn lạy, ba xá.
Sau gia chủ đến vợ và con cháu, lần lượt kính bái ra mắt tổ tiên với bốn lạy, ba xá, khỏi đốt nhang, khỏi đi xá từng mâm cúng. Tiếp đến gia chủ châm rượu ở các mâm, châm ba tuần rượu, nhang gần tàn thì đổ các chung nước lạnh để châm trà. Đợi nhang tàn, gia chủ ra đại diện gia đình bái tạ bốn lạy, ba xá là xong lễ rước ông bà. Tắt đèn, làm lễ rước ông bà xong, mâm cơm cúng được dọn xuống, mọi người cùng ăn uống trò chuyện và điểm lại những công việc của năm đã qua. Qua các ngày sau, cho đến khi cúng tất (cúng tiễn) mỗi ngày hai lần (thường vào sáng và chiều), gia chủ nhắc gia đình dọn cơm cúng đơn sơ hơn lễ rước ông bà và nhang đèn được canh chừng đốt chong suốt ngày. Bữa cúng tất cũng dọn năm mâm (hoặc ba mâm) như lễ rước, nghi thức tương tự, chỉ khác là có đốt giấy tiền vàng bạc, vải giấy đủ màu...(2). Song song với các sản vật được đặt lên bàn thờ của tổ tiên là mâm trái cây, thường là ngũ quả, được bày biện đẹp mắt trên một cái dĩa to, chiếm một nơi trang trọng ở bàn thờ. Mâm ngũ quả hòa quyện cùng các sản vật khác thể hiện sự phong phú của hoa trái thiên nhiên, thu hoạch từ vườn nhà; mang ý nghĩa dâng lên tổ tiên, ông bà cây trái của lộc trời, thành quả lao động của con cháu.
“Lễ rước tổ tiên này có phần giống như lễ Tiên thường trước ngày giỗ/kỵ, nhằm cung thỉnh vong linh người quá vãng về dự hưởng ngày giỗ chính. Điểm khác, đối tượng của lễ rước tổ tiên cuối năm là tất cả vong linh tổ tiên chứ không phải đối tượng chính của từng cuộc cúng giỗ. […] Việc tế tự tổ tiên, ngoài việc tỏ bày lòng báo bản tư nguyên còn cầu linh hồn tổ tiên ban phúc, giúp gia đình/gia tộc hưng thịnh, mùa màng bội thu, vật nuôi phát triển, và việc làm ăn, học hành, thi cử… đều được hanh thông. Nói cách khác, linh hồn tổ tiên là gia thần hay rộng hơn là tập hợp phúc thần”(3).
Tập tục thờ cúng tổ tiên vốn có truyền thống lâu đời ở nước ta, là một biểu hiện của văn hóa dân tộc, thể hiện lòng tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Sự tôn kính này thiêng liêng đến mức nâng lên thành đạo - đạo thờ ông bà, đạo làm con; theo như câu ca dao truyền đời:
“Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu
Có cha mẹ trước rồi sau có mình”.
Huỳnh Hà
(1) Huỳnh Ngọc Trảng (2018), “Khảo luận về Tết”, NXB Văn hóa văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, tr.83
(2) Vương Đằng (2014), “Phong tục miền Nam”, NXB Văn hóa Thông tin, tr.110-112.
(3) Huỳnh Ngọc Trảng, Sđd, tr.83-84.
Nguồn: Báo Cần Thơ