Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Nghệ thuật lan tỏa tinh thần sống đẹp
Ngày đăng: 09/08/2021

Lượt xem:


Trong bối cảnh cả thành phố chung tay phòng, chống dịch COVID-19, các nghệ sĩ Cần Thơ đã dùng sở trường của mình để tiếp thêm tinh thần cho tuyến đầu chống dịch. Từ những cảm xúc, câu chuyện thực tế, những bức tranh, bài ca cổ đã ra đời, lan tỏa tinh thần sống đẹp mùa dịch COVID-19.
Khưu Tấn Bửu vẽ tranh về tuyến đầu chống dịch COVID-19. Ảnh: NVCC

Những bài ca cổ “rất đời”

Ngoài sở trường sáng tác thơ văn, nhà văn Nguyễn Trung Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, còn có năng khiếu viết bài ca cổ, lời mới cho bài bản tài tử... Trong hơn 2 tuần qua, ông đã sáng tác hơn 10 bài ca cổ với những đề tài “nóng hổi” của cuộc sống, được dư luận quan tâm.

Nhà văn Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội, ông thường theo dõi tin tức trên báo, đài, để nắm tình hình dịch COVID-19. Và rồi có những hình ảnh, câu chuyện rất thật, rất đời làm ông xúc động. Ðó là tình người Cần Thơ với những mô hình thiện nguyện giúp nhau trong những tháng ngày khó khăn này; câu chuyện về tình đồng hương trên đất Tây Ðô; câu chuyện về những hy sinh thầm lặng mà cao quý của lực lượng tuyến đầu chống dịch; những cảnh đời cơ cực giữa mùa dịch... Tất cả đã làm nên cảm hứng để những bài ca cổ lần lượt ra đời: “Ði giữa tâm dịch”, “Chiều trên chốt kiểm dịch”, “Bàn thờ cha giữa khu cách ly”, “Ðưa con về với nội”, “Hộp súp nóng trên đèo Hải Vân”...

Ðơn cử như bài ca cổ “Bàn thờ cha giữa khu cách ly” được nhà văn Nguyễn Trung Nguyên viết rất nhanh, liền một mạch sau khi đọc câu chuyện về nữ sinh Hải Dương tình nguyện tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, đang làm nhiệm vụ thì hay tin cha qua đời. Một bàn thờ vọng được lập nên trong sự chia sẻ của mọi người. Ở câu 6 của bài ca, tác giả viết: “Cuộc chiến này vẫn còn lắm gian nan, chắc con vẫn chưa được về nhà mình thật sớm. Giữa thành phố phương Nam lập bàn thờ bái vọng, xin cha nhận một lạy nơi con với trọn vẹn trái tim này”.

Hay trong bài “Chiều trên chốt kiểm dịch”, tác giả Nguyễn Trung Nguyên đề tặng các em sinh viên Trường Ðại học Cần Thơ tình nguyện phòng, chống COVID-19. Tác giả kết thúc bằng những câu từ lạc quan, đậm chất trữ tình: “Chiều xuống lâu rồi các em vẫn đứng đây, màu áo xanh rực sáng trong màu hoàng hôn bảng lảng. Giữ vững niềm tin ngày mai hết dịch, đêm tối qua đi bình minh lại rực hồng”.

Nhà văn Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Ông không chạy theo số lượng nhưng cảm xúc cứ thôi thúc ông viết, từ chất liệu cuộc sống. Ông sẽ viết thành bài ca những câu chuyện đẹp được thấy, được nghe. Ông nói: “Tôi mong rằng qua những bài ca sáng tác, những điều tốt đẹp từ cuộc sống sẽ lan tỏa, tạo năng lượng tích cực để mọi người chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.

Nét vẽ yêu thương

Khưu Tấn Bửu, chàng trai làm tranh từ gạo với những bức tranh sống động đã không còn xa lạ với nhiều người dân Cần Thơ. Dù vẽ tranh bằng màu nước, sơn dầu và tranh cổ động không phải là sở trường nhưng những ngày gần đây, Khưu Tấn Bửu luôn cố gắng ra mắt nhiều tác phẩm ý nghĩa để cổ vũ tinh thần cho tuyến đầu chống dịch COVID-19.

Ðến nay, đã có hơn 20 bức tranh được Khưu Tấn Bửu cho ra mắt, mỗi bức tranh là một thông điệp qua lăng kính trẻ trung, vui tươi và  hiện đại. Ấn tượng trong số này là bức tranh vẽ cảnh một “chiến binh” đang phun khử khuẩn tại nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh với khẩu hiệu: “CẦN THƠ ƠI, CỐ LÊN NHÉ!”. Nét vẽ sống động theo phong cách chibi khiến người xem nhớ mãi. Hay là hình ảnh chàng trai trong màu áo xanh tình nguyện trên xe gắn máy, sau lưng là lỉnh kỉnh rau, củ, nhu yếu phẩm. Bức tranh được anh thể hiện hoạt động “shipper tình nguyện” của tuổi trẻ các địa phương, giúp người dân trong khu phong tỏa đi chợ, mua nhu yếu phẩm... Mỗi bức tranh, Khưu Tấn Bửu đều gửi gắm một thông điệp rất rõ ràng, thời sự: “Cảm ơn các bạn đã ở nhà vì chúng tôi!”, “Khoanh vùng dập dịch vì Cần Thơ yên bình”, “Hãy nói không với việc đăng tải thông tin bịa đặt, sai sự thật về dịch bệnh”...

Mỗi ngày, Khưu Tấn Bửu dành ra khoảng 3 giờ để vẽ tranh. Những bức tranh được anh lấy cảm hứng từ các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, những hình ảnh đẹp về tình người, về lối sống đẹp của người Cần Thơ, giúp nhau trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tác phẩm do Bửu vẽ hiện lan tỏa rất nhanh trên các trang mạng xã hội, mang lại hiệu quả tuyên truyền rất tốt.

Khưu Tấn Bửu hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Ðoàn phường Cái Khế, Ủy viên BCH Quận đoàn Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tài nghệ làm tranh gạo của Bửu được nhiều người biết đến, tạo lập được thương hiệu quà tặng G.A.O. Anh chia sẻ: “Mỗi người một công việc, một sở trường và với năng khiếu mỹ thuật, tôi mong muốn góp phần cho công tác tuyên truyền về phòng, chống COVID-19 ở thành phố mình”.

Giai điệu đẹp - thông điệp ý nghĩa

Thời gian gần đây, nhiều văn nghệ sĩ ở Cần Thơ đã dùng tài nghệ, sở trường để góp phần cổ vũ tinh thần phòng, chống COVID-19. Đạo diễn Kiều Mỹ Dung có bài “Bắc - Trung - Nam chung tiếng gọi” theo thể điệu Phụng hoàng; soạn giả Thanh Trang với bài ca cổ “Tôi yêu Tổ quốc Việt Nam”; tác giả Nguyễn Thanh Phú với các bài ca cổ: “Chiến sĩ áo xanh tình nguyện”, “Vì cuộc sống bình yên”... Với những giai điệu đẹp, thông điệp ý nghĩa, các tác phẩm được công chúng đón nhận và cũng thể hiện vai trò xung kích của văn nghệ sĩ đất Tây Đô.


Nguồn: Báo Cần Thơ


34270434-13f5-49de-8d71-eb8d66de7eb4

Tiêu đề bài viết: Nghệ thuật lan tỏa tinh thần sống đẹp . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français