HÌNH ẢNH ÐẸP

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Tôn giáo - tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Đình Cần Thơ - văn hóa và tín ngưỡng
Ngày đăng: 16/07/2007

Lượt xem:


Cũng như các khu vực khác, lưu dân đến Cần Thơ đã bao đời gắn liền với nông nghiệp, mà cuộc sống nông nghiệp thì không tránh khỏi việc ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, đất đai...Những trắc trở của thiên nhiên không khỏi khiến cho con người có ý niệm về thần chi phối. Đây là tâm lý chung của người Việt, mỗi khi cảm thấy bất an đều đi tìm sự bình an ở đời sống tâm linh. Chính vì vậy, việc xây dựng đình, chùa, miếu cũng bắt nguồn từ đời sống tâm linh đó.


Theo các nguồn tài liệu lịch sử thì vào khoảng năm 1739, Trấn Giang (Cần Thơ) lúc bấy giờ còn là vùng đất hoang hóa, các lưu dân chưa khai phá nhiều nên có rất nhiều rừng hoang cây rậm, tràm, đước mọc mênh mông, thú dữ lại tràn đầy. Nhưng rồi các bậc tiền nhân - những người mở đất đã dày công khai phá, mở đất lập nghiệp, rồi lập làng. Dần dần mở rộng địa bàn sinh sống, tiến tới việc lập chợ xây cầu... mọi thứ đều gặp khó khăn trắc trở. Cũng như các khu vực khác, lưu dân đến Cần Thơ đã bao đời gắn liền với nông nghiệp, mà cuộc sống nông nghiệp thì không tránh khỏi việc ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, đất đai... Những trắc trở của thiên nhiên không khỏi khiến cho con người có ý niệm về thần chi phối. Đây là tâm lý chung của người Việt, mỗi khi cảm thấy bất an đều đi tìm sự bình an ở đời sống tâm linh. Chính vì vậy, việc xây dựng đình, chùa, miếu cũng bắt nguồn từ đời sống tâm linh đó.


So với các ngôi đình khác ở khu vực, các ngôi đình ở Cần Thơ xuất hiện muộn hơn. Nhưng về mặt tín ngưỡng, văn hóa, việc thờ cúng, sinh hoạt lễ hội của các ngôi đình ở Cần Thơ không khác mấy so với các ngôi đình ở Nam Bộ. Trong các ngôi đình ở Cần Thơ cũng thờ những vị Tiền hiền, Hậu hiền - những người đã có công mở đất, lập làng, ổn định cho cuộc sống dân cư. Họ là những lưu dân được thừa hưởng sự khai hoang từ các bậc tiền bối nên họ có sự tri ân đối với tổ tiên, với các vị ân nhân của mình. Thờ thần là một việc vô cùng thiêng liêng thể hiện ở đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của con người, hướng về các siêu nhiên, các vị bề trên, các vị tiền bối... mà việc phong sắc thần là sự tuyệt đối hóa các vị thần ở sự tôn kính, thiêng liêng cao cả, nhằm mong muốn được sự chở che, bảo trợ từ các vị thần. Cho nên sắc phong thường được để ở nơi trang trọng nhất, với ý nghĩa là quyền uy nhà vua ngự trị ở nơi thiêng liêng nhất. Và việc phong sắc thần của nhà vua được xem như sự “danh chánh ngôn thuận” cho việc thờ phượng ở làng.


Trong các ngôi đình ở Cần Thơ, hầu hết các vị thần Thành Hoàng đều không có danh tánh cụ thể, không có công trạng rõ ràng mà chỉ là những vị thần chung chung, mang tính chất ý niệm. Nhưng có những vị có công với làng trong việc sinh hoạt làng xã, đánh đuổi giặc ngoại xâm thì có tên họ cụ thể, được thờ ở đình cùng với thần Thành Hoàng. Như đình Bình Thủy, thờ các ông: Đinh Công Chánh, Trần Hưng Đạo, Bùi Hữu Nghĩa...; đình Thới Bình - Tân An, thờ ông Nguyễn Thành Trưng, mà theo người thủ từ ở đây thì ông là người khởi xướng phong trào chống Pháp ở địa phương; đình Thường Thạnh thờ ông Nguyễn Trung Trực - một anh hùng chống thực dân Pháp xâm lược đến cùng. Tín ngưỡng trong các ngôi đình ở Cần Thơ còn thể hiện sự hỗn dung văn hóa, giữa tín ngưỡng dân gian, văn hóa bản địa và văn hóa ngoại lai.



Miếu Thần Nông - Đình Bình Thủy


Hầu hết các ngôi đình ở Cần Thơ đều có miếu thờ ông Hổ, được xây cạnh bờ sông, hoặc trước sân đình, nhằm mong muốn vị thần này bảo hộ dân làng, gìn giữ bờ cõi, bảo vệ đất đai, mùa màng. Tín ngưỡng này nảy sinh do thiên nhiên của vùng đất Cần Thơ nói riêng, vùng đất Nam Bộ nói chung là vùng đất mới, nên đặc điểm của vùng đất này đã tạo cho tâm thức người dân ở đây ở cả hai cực: vừa sợ hổ, vừa sẵn sàng giết hổ. Nét tâm lý này đã tạo nên việc thờ cúng ông hổ trong đình làng. Hay việc thờ Thần Nông ở đình làng cũng nhằm ước vọng an lành, giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vì theo quan niệm dân gian, vị thần này trông coi lúa gạo, dạy dân cày cấy. Bàn thờ Thần Nông được đặt trước sân đình, không mái che, chỉ gồm một bệ đất, có nơi người ta xây bục thờ bằng xi măng, trên đó có ghi dòng chữ: Nền Xã Tắc, như đình Thới Bình - Tân An. Hoặc xây miếu thờ như đình Bình Thủy. Một số nơi còn có miếu thờ Ngũ Hành nương nương, thờ bà Chúa Xư - vị thần cai quản đất đai ở địa phương. Thông thường, người ta xây một ngôi miếu nhỏ ở lối đi dẫn vào đình, trong miếu có tạc tượng thờ các vị nữ thần này. Tín ngưỡng Hoa thể hiện rõ hơn hết là việc thờ Quan Công trong ngôi đình, như đình Thới Bình - Tân An. Điều này đã thể hiện sự hòa hợp giữa hai dân tộc Việt - Hoa, cũng như sự giao thoa trong văn hóa, tín ngưỡng một cách rất êm đẹp và công bằng, thể hiện được cuộc sống đan xen giữa hai dân tộc cùng cộng cư trên một vùng đất.

Nơi thiêng liêng nhất trong việc thờ thần tại Cần Thơ là bàn thờ chính có tạc chữ “Thần” lớn được đặt trong khánh thờ, xung quanh có các bao lam, trạm trổ rồng phượng, sơn son thếp vàng thật lộng lẫy. Cách bày trí thường theo công thức chung là: Giữa sân đình là bệ thờ bằng xi măng gọi là “đàn xã tắc”, kế là miếu thờ ông Hổ. Phía sau là gian chính điện và nhà võ ca. Nhà võ ca dùng làm nơi hát xướng khi có hội hè, đình đám. Gian chính điện là nơi để thờ thần, được bày trí rất trang trọng và tôn nghiêm. Phía trước là bàn thờ thờ sắc thần, hoặc thờ Quan Công, phía trong cùng là bàn thờ thần Thành Hoàng có chữ “Thần” rất lớn, hoặc thờ các hệ phái tín ngưỡng khác. Trên bàn thờ thường có đỉnh trầm hương, lư đồng, tượng hai chim con hạc đứng trên hai con rùa: Thương thay thân phận con rùa, Ở đình đội hạc, ở chùa đội bia. Bộ đài đặt chén đựng rượu, nước được đặt trên bàn thờ thờ thần. Hai bên là hai hàng binh khí, cùng cờ, phướn, tán, lọng, vóc nhiễu đầy màu sắc.

Nhìn chung, việc thờ tự trong các ngôi đình ở Cần Thơ có sự tương đồng so với các ngôi đình khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là sự hỗn hợp của tín ngưỡng bản địa, tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng ngoại lai. Tất cả nhằm thể hiện nét văn hóa trong đời sống tâm linh của cư dân địa phương, mong muốn được sự bình an, thịnh vượng trong cuộc sống.

Đa số các ngôi đình ở Cần Thơ đều xây dựng cao ráo, trên một sở đất rộng, gần các con sông lớn, đó là thế đất “tụ thủy” - nơi tụ hội tất cả những điều may mắn. Về kết cấu của các ngôi đình cũng rất đa dạng, nhiều kiểu, xuất phát từ thực tế địa phương, xây theo kiểu chữ Nhất (-) như đình Bình Thủy, chữ Công (I) như đình Thường Thạnh... Trước đình thường là một khoảng sân rộng, trên mái nóc thường có tượng đôi rồng uốn lượn với thế chầu mặt trăng, tượng các vị thần nhật, nguyệt, hình cá hóa long, bát tiên, kỳ lân, các vật linh, hoa lá muôn màu muôn vẻ rất sinh động. Các cột đình thường rất to, được làm bằng gỗ tốt, có đắp nổi hình rồng. Trên các thanh xà ngang dưới mái đình thường có các hoành phi, câu đối, võng rèm dàn trải từ tiền đến hậu đình. Các dạng hoa văn chi chít, nét chạm khắc tinh vi, hoặc sơn son thếp vàng...

Hằng năm, các ngôi đình ở Cần Thơ thường có hai kỳ lễ lớn: Kỳ yên Thượng điền và Kỳ yên Hạ điền. Hai kỳ lễ này diễn ra không đồng nhất giữa các nơi, thường cách nhau một vài ngày. Trong hai kỳ lễ này, lễ Kỳ yên Thượng điền được tổ chức lớn nhất, vì đó là mùa xuống đồng, cày cấy, mong mùa màng mau đến. Ngày xưa, trong các kỳ lễ, người ta thường tổ chức cúng kiến và vui chơi suốt ba ngày đêm, dân làng từ mọi nơi đổ xô về tham gia lễ hội rất đông vui. Dòng người tấp nập, qui tụ về nơi chính điện cúng kiến, mang theo lễ vật, sản vật địa phương dâng lên cúng thần, nhằm tạ ơn thần đã phù hộ cho họ gặp mưa thuận gió hòa, thuận lợi cho việc cày cấy, xuống đồng, giúp cho mùa màng bội thu. Tối đến, đình thường tổ chức hát bội phục vụ cho dân làng nên không khí ở đình càng sôi động hơn. Hát bội thường diễn ra ở nhà võ ca, hoặc diễn ra ở khoảng đất trống của đình để phuc vụ được đông đảo người xem. Nội dung của các buổi diễn thường là những tuồng tích cổ xưa: Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ... hoặc những tuồng thể hiện trung hiếu tiết nghĩa, thể hiện khí tiết của người anh hùng, nhằm giáo dục nếp sống đạo đức cho cộng đồng dân cư. Ngoài các phần nghi thức cúng tế ở đình, đình làng ở Cần Thơ còn tổ chức các hội làng trong các kỳ lễ, như: Thi bắt vịt, đua thuyền, đô vật... thu hút được đông đảo dân làng tham gia, tạo được không khí vui tươi và sinh động, gắn chặt tình đoàn kết xóm làng, cùng nhau xây dựng địa phương mình ngày càng giàu đẹp, đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao được sự thưởng thức nghệ thuật của người dân, góp phần giáo dục đời sống văn hóa của dân làng địa phương. Đặc biệt trong các kỳ lễ đó, các ngôi đình ở Cần Thơ còn tổ chức rước sắc thần bằng bè thủy lục, như đình Bình Thủy, đình Thường Thạnh. Người ta ghép hai, ba chiếc ghe lại thành một chiếc bè, trên bè đặt kiệu đỏ, có sắc thần bên trong, xung quanh bè có trang trí đèn lồng, múa lân, cờ quạt, tán lọng, binh sĩ, bày các trò vui để đưa thần du ngoạn khắp làng. Những nơi thuận tiện cho đường bộ, người ta tổ chức rước sắc thần bằng long xa, phụng tán, cũng trang trí hoa văn đẹp mắt. Lễ hội ở đình là một việc vô cùng thiêng liêng thể hiện được nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của dân làng trong việc thờ thần, tạ ơn thần, tạ ơn trời đất đã cho con người có cuộc sống an lành, mùa màng tốt tươi.

Đình làng nói chung và đình ở Cần Thơ nói riêng là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư làng xã, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tín ngưỡng của con người. Hiện nay, một số ngôi đình ở Cần Thơ bị hư hỏng nặng, chưa được trùng tu, sửa chữa kịp thời, dẫn đến một số nơi gần như hoang phế, lễ hội chưa được quan tâm đúng mức nên bị mai một dần. Trong số gần 20 ngôi đình ở Cần Thơ mà chỉ có đình Bình Thủy được xếp hạng di tích cấp quốc gia là con số quá ít ỏi.

Nhìn chung, Cần Thơ có một hệ thống đình làng rất phong phú, đa dạng, kể cả lối kiến trúc và thời gian tồn tại, thể hiện được sự phong phú trong đời sống tâm linh của người dân xứ này. Cần có các cuộc điều tra, thăm dò, nghiên cứu ở diện rộng về các ngôi đình ở Cần Thơ, nâng cấp, sửa chữa, khôi phục một số lễ hội lành mạnh để bảo tồn các di sản quý giá này. Khôi phục lại một số trò chơi dân gian ở đình để lễ hội ở đình càng phong phú thêm, tạo được sân chơi lành mạnh cho dân làng địa phương, và cũng là để phát triển du lịch gắn với lễ hội.



Nguồn: Báo Cần Thơ


f3e848ca-36e6-444a-8c90-462071056d86

Tiêu đề bài viết: Đình Cần Thơ - văn hóa và tín ngưỡng. Nội dung như sau: . Theo tác giả:

Nguồn: Báo Cần Thơ
.

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang