Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Trống da trong văn hóa Việt
Ngày đăng: 09/09/2019

Lượt xem:


Đúng như tên gọi, trống da là trống bịt bằng da thú, thường là da trâu, bò… Vì là “trống đại chúng”, nên trống da không quá cầu kỳ cả về chất liệu lẫn mỹ thuật, nên có thể nói bất cứ nghệ nhân dân gian nào cũng có thể làm được.
Trống là nhạc cụ quan trọng trong dàn nhạc lễ Nam bộ. Ảnh: Duy Khôi

Tùy nhu cầu và điều kiện về nguyên liệu mà nghệ nhân có thể làm ra những chiếc trống da to nhỏ, dài ngắn khác nhau. Trống da có đủ các dạng vẻ và kích thước: trống bịt hai mặt, trống bịt một mặt, trống có tang (phần sườn gỗ) thẳng, tang phồng và tang eo ở giữa, trống có tang dài bằng 2m và đường kính 1m. Có loại mặt trống được căng bằng các đinh đóng vào tang trống, nhưng cũng có loại được căng bằng một hệ thống dây rút mắc vào các khoen ở rìa miếng da làm mặt trống. Chất liệu của mặt trống là da của loài vật (phổ biến là vật có sừng), còn tang trống là cả một cây gỗ được khoét bằng lửa, hay bằng những mảnh gỗ ghép lại, nhưng cũng có loại trống có tang làm bằng gốm (theo Tô Ngọc Thanh trong “Ghi chép về văn hóa và âm nhạc”). Tùy chất liệu của da, của gỗ và cách căng mặt trống mà âm thanh của trống phần nào có khác nhau, chung nhất là “thùng, thùng…” trầm ấm.

Cách sử dụng trống da cũng phản ánh văn hóa, nét sinh hoạt, tập quán của người Việt.

- Trống lớn là một loại trống được dùng trong những trường hợp lễ nghi trang trọng, chẳng những là công cụ ở một số nha môn mà còn được dùng tại các nơi thờ kính thiêng liêng như đình, đền, miếu… Chung nhất, trống lớn được dùng trong những ngày hội hè, đình đám. Một loại trống lớn khác có đến 8 mặt, gọi là lôi cổ, chỉ dùng đánh lên trong những nghi lễ cực kỳ quan trọng, thiêng liêng như Tế Trời (gọi là tế Nam Giao do chính nhà vua đứng làm chủ tế, nếu vì lý do nào đó, sức khỏe chẳng hạn, thì ủy quyền cho một vị đại thần thay mặt đứng tế). Lôi cổ cũng được dùng báo cho các quan đến triều đình họp (triều hội), gọi phát lôi.

- Trống vừa, còn gọi trống chầu, kiểu dáng như trống lớn nhưng nhỏ hơn, để trên giá hoặc treo ngang hay để đứng, thường dùng tại các trường thi, trường học, hoặc dùng để đánh nhịp nhàng theo những động tác bái lạy ở những nơi tôn nghiêm. Cũng dùng trong cuộc vui những ngày lễ hội dân gian; trong những đám hát để thưởng - phạt người biểu diễn/giọng hát; trong những đám rước lớn (cùng với những trống nhỏ và nhạc khí khác) như “Vinh quy bái tổ” chẳng hạn.

- Trống nhỏ, còn gọi là trống con (tiểu cổ). Có nhiều loại:

+ Loại tang trống dài có trống cơm hay phạn sĩ, tức phạn cổ ba hay phạn chiêm ba, cũng gọi yêu cổ. Hai đầu bịt da, hơi túm vào, đường kính mặt trống khoảng 20cm, tang trống bằng gỗ dài 80-100cm. Khi sử dụng phải miết một ít cơm nếp nhão giữa hai mặt trống để định âm. Khi biểu diễn kết hợp với điệu nhún nhảy (không cần phải nhảy múa) và dùng hai bàn tay vỗ vào hai mặt trống. Trống này thường được dùng mở đầu trong nhạc tế.

+ Khác với trống cơm là trống bông, tên gọi phổ biến là trống bồng còn gọi là cổ bồng, giữa tang trống eo thắt lại như chày đâm tiêu. Trống bông chỉ bịt da một đầu, đầu kia bỏ trống, có dây đeo vào cổ, thường dùng trong dàn nhạc ngũ âm. Khi đánh lên, tiếng nhẹ gọi “tâm”, tiếng nặng gọi “bông”.

Nghệ nhân đánh trống múa lân. Ảnh: Duy Khôi

+ Trống bồng, hình dạng như cái bình, thắt hẹp lại ở giữa. Cổ trống là một ống làm bằng gỗ rỗng ruột, loe ra ở hai đầu để nối với mặt và thân (phần phình to phía dưới làm bằng đất nung, cũng đôi khi toàn bộ thân trống đều bằng đất nung). Mặt trống căng bằng da trăn, được đính vào thân trống bởi một hệ thống dây chằng. Tùy theo Bồng chập, Bồng ba, Bồng tư mà trống bồng có điệu vỗ (bằng tay) khác nhau. Cũng như trống cơm, các giạ nhạc (giạ là thuật ngữ chỉ một nhóm chơi nhạc) ở Nam bộ rất ít dùng, nếu không muốn nói là hai loại trống gốc miền Trung sau này không còn dùng nữa.

+ Cũng vậy, nhưng không có dây đeo và được đánh bằng hai dùi (thật nhanh), gọi trống bắc khấu, nói trại là bát cấu, hoặc bất cấu.

+ Loại tang trống ngắn, hoặc thật ngắn thì có trống bảng, để trên giá nhỏ và cao (3 cây chéo), thường dùng trong các đám rước, đám ma, đánh bằng dùi. Còn có trống khấu, còn gọi là tiêu cổ, cũng giống như trống bảng nhưng nhỏ hơn, có chuôi để cầm, đánh bằng dùi. Một loại nữa là trống bóng, nhỏ gọn hơn trống khấu, còn gọi trống lệnh, những người múa bóng thường dùng để chào mời, đánh bằng dùi. Trống tầm vông, giống như trống bảng, nhưng vỗ bằng tay. Trống bộc, còn gọi trống mảng, loại trống nhỏ nhất trong dàn nhạc cổ, chỉ bịt da một đầu.

Đặc biệt loại tang trống ngắn, ở Nam bộ thường dùng một cặp và có tên gọi khá ngộ là trống đực và trống cái - thật ra đó chính là trống văn và trống võ mà những ban nhạc lễ thường dùng cùng lúc.

Ngoài ra còn có trống lắc được sử dụng như một tín hiệu rao mời của những người làm nghề nhuộm (quần áo) dạo, gánh bổn nghệ đi bộ hoặc bằng xe đạp, là loại trống có chuôi như trống khấu nhưng đẹp hơn, hai bên tang trống có cột dính hai sợi dây có độ dài cỡ bán kính của mặt trống, mỗi đầu dây gắn một cục chì tròn nhỏ, cầm chuôi lắc qua lắc lại, chì gõ vào mặt trống kêu nghe “lung tung, lung tung, lung tung”. Vì nhỏ gọn và nghe vui tai nên người ta cũng làm cho trẻ con chơi, chỉ nhỏ bằng miệng chén, mặt trống bằng da thú như da trăn, da ếch, hoặc căng dán bằng giấy kiếng, và thay vì gắn chì, người ta dùng sáp, gọi trống giấy, cũng có tên chung là trống bỏi.

Lại còn một loại trống bất di dịch là trống đất (làm dưới đất). Để làm loại trống này, trước hết người ta đào một cái lỗ, chất củi xuống nung cho đất trong lỗ cứng (âm thanh mới dội lớn), trên miệng lỗ gác ngang một miếng ván mỏng, đóng cọc hai bên lỗ để căng một đường dây ngang qua mặt ván, rồi dùng một chiếc đũa chỏi dây (trên mặt ván) cho thật thẳng. Khi biểu diễn dùng que nhỏ đánh lên dây. Trống đất chính là tiền thân của chiếc đàn bầu về sau. Tương tự có trống quân, được làm bằng dây mây to và dài, đánh bằng hai dùi nhỏ, tiếng kêu lớn như trống da….

Cũng không thể không nhắc đến trống đá (cổ thạch), nặng nhất vì toàn bằng đá, gõ bằng dùi gỗ, rất hiếm, ít dùng.

***

Trên đây là khảo lược các loại trống truyền thống, tùy kiểu thức mà có tên gọi và công dụng khác nhau. Đặc biệt nhất trong trống da của người Việt là cổ bề, được xem là thiêng nhất trong các loại trống lớn. Cổ bề hai đầu bịt da, thường là da con vật có sừng, đường kính chừng 50-60cm, hoặc hơn, khi đánh lên có tiếng kêu trầm vang xa và rất lớn (như sấm) nên cũng gọi trống sấm. Tang trống giữa phình to, có khoen sắt đặng treo lên giá hoặc mắc lên đòn để hai người khiêng trên vai.

Giữa mặt trống sấm thường được vẽ biểu tượng “lưỡng nghi” hình tròn như mặt trăng, giữa có một đường cong hình chữ S, chia hình tròn thành hai phần giống đều nhau, mỗi phần có một điểm trắng nhỏ ở đầu lớn, nửa vòng sơn màu đỏ, tượng trưng dương, nửa vòng sơn màu đen, tượng trưng âm. Hình vẽ là một biểu tượng chỉ âm - dương, tức trời - đất, muốn nói đến “sơn hà xã tắc”, vì vậy tiếng trống sấm trước hết là tín hiệu ban truyền mệnh lệnh tối thượng.

“Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt,

Khói cam toàn mờ mịt thức mây.

Chín tầng gươm báu trao tay,

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh…”

(Chinh phụ ngâm)

Đồng thời người xưa cũng dùng trống sấm để đánh lên khi xung trận.


Nguồn: Báo Cần Thơ


e97493d8-387c-4520-9729-1642f871056f

Tiêu đề bài viết: Trống da trong văn hóa Việt . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français