Chương trình đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ
lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15% vào năm 2015
và xuống 10% vào năm 2020; đồng thời, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em
5 tuổi vào năm 2015; đến năm 2020, có ít nhất 30% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ
và 80% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo
dục mầm non. Đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học là 99% và ở
bậc trung học cơ sở là 95%, trong đó đặc biệt quan tâm đến trẻ em dân tộc ít
người, trẻ em khuyết tật.
Chương trình còn hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn
cảnh đặc biệt xuống dưới 5,5% tổng số trẻ em vào năm 2015 và xuống 5% vào năm
2020; tăng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục
hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển lên 80% vào năm 2015 và lên 85% vào
năm 2020.
Chương trình cũng đề ra các hoạt động như tổ chức
các chiến dịch, sự kiện truyền thông, vận động xã hội tham gia thực hiện quyền
trẻ em, như Tháng hành động vì trẻ em, Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường,
Ngày vi chất dinh dưỡng trẻ em, Diễn đàn trẻ em quốc gia; các sự kiện văn hóa,
thể thao. Tổ chức các sự kiện, hoạt động truyền thông cho trẻ em và thực hiện
quyền, bổn phận của trẻ em.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính
sách liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện
quyền trẻ em; đồng thời khuyến
khích các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức
xã hội nghề nghiệp, gia đình, cộng đồng, người dân và trẻ em tham gia bảo vệ,
chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Gia đình, cộng đồng, nhà trường có trách nhiệm tham
gia thực hiện các quyền của trẻ em, tạo mọi điều kiện cho trẻ em được học tập,
chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí.
Lê Duy