Đề án


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn TP Cần Thơ
Ngày đăng: 27/05/2022

Lượt xem:


Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 1376/KH-SGDĐT thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn thành phố năm 2022.

Theo đó, tổng kinh phí thực hiện dự kiến của đề án là 8.630.000.000 đồng. Trong đó, nguồn kinh phí địa phương: 6.000.000.000 đồng; Nguồn kinh phí xã hội hóa, khác: 2.630.000.000 đồng.

Đối với giáo dục mầm non

Khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non triển khai Chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mầm non theo hình thức tự chọn. Phấn đấu đạt tỷ lệ 10% trẻ mầm non được làm quen với tiếng Anh.

Theo đó, Triển khai thực hiện nghiêm Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc ban hành Chương trình Làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo.

Đồng thời, tổ chức cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh; lựa chọn, sử dụng tài liệu được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục Mầm non theo quy định tại Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT; Thông tư số 30/2021/TT-BGDĐT ngày 05/11/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và lựa chọn tài liệu để sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non; Công văn số 2387/BGDĐT-GDMN ngày 09/6/2021 của Bộ GD&ĐT về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi bổ sung và chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo; Công văn số 6012/BGDĐT-GDMN ngày 22/12/2021 của Bộ GD&ĐT về việc đảm bảo chất lượng cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh.

Đối với giáo dục phổ thông

Khuyến khích các trường tiểu học triển khai chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh theo hình thức tự chọn cho học sinh lớp 1, lớp 2. Phấn đấu đạt tỷ lệ 30% học sinh lớp 1 và lớp 2 được học tiếng Anh tự chọn, 20% trường THCS và THPT triển khai dạy học tự chọn ngoại ngữ 2.

Mở rộng quy mô dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới, đưa môn ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) vào giảng dạy từ tiểu học (lớp 3) đến trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình triển khai của Bộ GD&ĐT. Đối với ngoại ngữ 1, cuối cấp tiểu học, học sinh đạt bậc 1/6; cuối cấp THCS, học sinh đạt bậc 2/6; cuối cấp THPT, học sinh đạt bậc 3/6. Đối với ngoại ngữ 2, cuối cấp THCS, học sinh đạt bậc 1/6; cuối cấp THPT, học sinh đạt bậc 2/6 theo Khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Từng bước nâng cao chất lượng dạy và học các chương trình ngoại ngữ giảng dạy trong các trường phổ thông; duy trì và từng bước mở rộng, nâng cao chất lượng dạy học chương trình tiếng Anh (chương trình tăng cường) giảng dạy từ lớp 1, lớp 6 và lớp 10 tại một số trường phổ thông trên địa bàn thành phố; duy trì và phát triển quy mô, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ 2 môn tiếng Pháp tại các trường THCS, THPT khi đủ điều kiện (có đủ học sinh và giáo viên); từng bước triển khai giảng dạy các ngoại ngữ khác như: tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật, tiếng Hàn như ngoại ngữ 2 ở những nơi có nhu cầu và điều kiện.

Tổ chức việc dạy học bằng tiếng Anh, tiếng Pháp đối với môn Toán và các môn khoa học tự nhiên tại Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, các trường THPT Châu Văn Liêm, THPT Nguyễn Việt Hồng, THPT Bùi Hữu Nghĩa, THPT Thốt Nốt, THCS Đoàn Thị Điểm, THPT Lương Thế Vinh, THCS Thốt Nốt, THCS Thới Long và các trường phổ thông khác khi đáp ứng đủ điều kiện.

Khuyến khích các trường tiểu học triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh cho học sinh lớp 1, lớp 2 theo hình thức tự chọn. Mặt khác, tăng cường bổ sung tài liệu dạy và học ngoại ngữ theo hướng hiện đại và phù hợp chuẩn đầu ra theo quy định.

Đối với giáo dục nghề nghiệp

Phấn đấu đạt tỷ lệ 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra ngành, nghề đào tạo.

Tiếp tục thực hiện lộ trình áp dụng chuẩn đầu ra đạt bậc 3/6 đối với sinh viên chính quy; đánh giá, xây dựng, hoàn thiện các chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo.

Đối với giáo dục thường xuyên

Phấn đấu hoàn thành 50% việc xây dựng các chương trình dạy và học ngoại ngữ trong giáo dục thường xuyên, đáp ứng cơ bản nhu cầu đa dạng của xã hội; xây dựng chương trình bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (không bao gồm đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ), ưu tiên các chương trình tự bồi dưỡng; tổ chức bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (không bao gồm đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ).

Hoạt động quản lý, hỗ trợ các trung tâm ngoại ngữ

Tăng cường quản lý hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong việc đào tạo, liên kết đào tạo, thi và cấp chứng chỉ của các trung tâm ngoại ngữ.

Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho chủ đầu tư, giám đốc các trung tâm ngoại ngữ, tin học; tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giám đốc, đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên các trung tâm ngoại ngữ, tin học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp dạy học ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đã đề ra các nhiệm vụ trong tâm sau: Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận quốc tế; Triển khai chương trình, tài liệu dạy và học ngoại ngữ; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ; Phát triển đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng; Tăng cường công tác truyền thông, hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ; Đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ; Nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án.

Sở GD&ĐT phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND quận, huyện triển khai thực hiện Kế hoạch này; kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết cuối năm việc triển khai thực hiện Kế hoạch, tổng hợp, báo cáo UBND thành phố. Cùng đó, phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên ngoại ngữ trong các trường phổ thông theo quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò của ngoại ngữ trong giai đoạn hiện nay đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; sự cần thiết, tầm quan trọng của việc đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn thành phố.

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các hoạt động liên quan đến công tác quản lý dạy học ngoại ngữ, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch đề ra.


Nguyên Trang


Các tin khác:
TP Cần Thơ: Xây dựng “Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị”  (17/06/2022)
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thành phố Cần Thơ đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030  (13/05/2022)
Thí điểm Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại quận Ninh Kiều  (30/04/2022)
Cần Thơ: Phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”  (23/02/2022)
Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng  (16/02/2022)

8f9d15f3-7c6f-4acd-9102-ca7d9335c2f6

Tiêu đề bài viết: Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn TP Cần Thơ . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguyên Trang.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang