Nông thôn mới


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày đăng: 20/05/2023

Lượt xem:


Ngày 19/5, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch TP Cần Thơ phối hợp UBND quận Thốt Nốt tổ chức Lễ trao quyết định, giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho nghề làm bánh tráng Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ).
Các đại biểu cắt băng khánh thành ra mắt cổng chào Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng. (Ảnh: CTV)

Theo Bảo tàng TP. Cần Thơ, nghề làm bánh tráng truyền thống ở Thuận Hưng được hình thành khoảng giữa thế kỷ XIX và được trao truyền tiếp nối qua nhiều thế hệ. Trải qua hơn trăm năm tồn tại và phát triển, nghề làm bánh tráng ở Thuận Hưng vẫn còn lưu giữ những giá trị truyền thống mang tính văn hóa sâu sắc, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của TP Cần Thơ nói riêng và của cả nước nói chung.

Cho đến nay quy trình sản xuất của bánh tráng Thuận Hưng không có nhiều sự thay đổi trong kỹ thuật pha bột, phơi bánh, nướng bánh, ngoại trừ người làm bánh tráng truyền thống có sử dụng thêm một số loại máy móc để hỗ trợ sức người như máy xay bột, máy nạo dừa. Sản phẩm chủ yếu của các lò thủ công truyền thống là bánh tráng nhúng, bánh tráng ngọt và bánh tráng dừa.

Qua thống kê, hiện cả 4 khu vực của phường Thuận Hưng đều có người làm nghề tráng bánh tráng, tập trung nhiều nhất ở khu vực Tân An và Tân Phú. Trên địa bàn hiện có 58 hộ sản xuất bánh tráng theo phương pháp thủ công truyền thống, giải quyết việc làm cho hơn 250 lao động có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra, nơi đây còn trở thành điểm du lịch ấn tượng với nhiều du khách, nhất là những du khách thích khám phá, tìm hiểu về những làng nghề truyền thống, ẩm thực, văn hóa của vùng đất Tây Đô.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Cần Thơ, việc nghề bánh tráng Thuận Hưng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là cơ sở quan trọng để địa phương nghiên cứu, đề xuất, định hướng biện pháp bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của làng nghề nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan tại làng nghề. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động địa phương và đưa hương vị bánh tráng Thuận Hưng vươn xa.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - đề nghị các sở, ngành có liên quan và lãnh đạo quận Thốt Nốt, phường Thuận Hưng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về Làng nghề và sản phẩm bánh tráng Thuận Hưng để nhiều người biết đến. Bên cạnh đó địa phương cần tạo điều kiện để giúp đỡ, hướng người dân, hộ làm bánh tráng, chủ sản phẩm bánh tráng Thuận Hưng tiếp cận với các nguồn vốn vay, các chính sách hỗ trợ của nhà nước, các chương trình quảng bá xúc tiến đầu tư, các hội chợ giới thiệu sản phẩm,... để tạo cơ hội quảng bá sản phẩm.

Đối với người dân làm bánh tráng, ông Nguyễn Ngọc Hè mong muốn người dân tiếp tục chung sức, đồng lòng giữ gìn và phát huy giá trị cao đẹp của nghề thủ công truyền thống - làm bánh tráng Thuận Hưng bằng cách nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm bánh tráng, đào tạo nghệ nhân kế thừa,... góp phần xây dựng và giữ gìn nghề truyền thống lâu đời.

Dịp này, Ngân hàng Chính sách xã hội quận Thốt Nốt đã trao quyết định giải ngân cho 6 gia đình ở Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng vay vốn. Mỗi hộ được vay 100 triệu đồng để đầu tư thêm cơ sở vật chất, mua sắm nguyên liệu làm nghề.

 


Thanh Xuân


e91f338b-c58c-4115-a786-7ec9597430e9

Tiêu đề bài viết: Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Thanh Xuân.

Giá, phí - Lệ phí

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

CỔNG THÀNH PHẦN

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang