Học đánh võng từ khi 10 tuổi
Bà Xiếu kể, từng có một thời, chiếc võng bằng lưới hay bằng vải dù là thứ xa xỉ đối với những gia đình ở vùng quê. Nhà nào có chiếc võng này thì quý lắm, người ngoài nhìn vào đánh giá là có điều kiện.
"Hơn 10 tuổi, tôi đã học cách đánh võng bằng dây chuối từ mẹ. Hồi đó, nhà có ai mang bầu sắp sinh thì một trong những việc cần chuẩn bị đầu tiên là đánh một chiếc võng chuối. Mắc võng chuối, lót thêm tấm chiếu, những đứa trẻ nằm ngủ ngon giấc trên đó theo lời ru của mẹ. Thành ra chiếc võng chuối đối với tôi rất ý nghĩa, dù bây giờ đủ loại võng bán ngoài chợ", bà Xiếu tâm sự.
Việc đánh võng chuối không phải làm gọn trong 1 - 2 ngày mà xong. Từ cắt dây chuối đến đánh thành võng phải mất khoảng mười bữa nửa tháng. Vốn dĩ đánh lâu là ban ngày các bà mẹ phải chăm con, lo cơm nước, loay hoay làm việc lặt vặt gia đình… Buổi tối các con ngủ hết mới có thể tập trung đánh võng.
Phần khó nhất là thắt 2 đầu võng, vì cần nhiều kỹ năng và sức lực để bẻ thành vòng - THANH DUY
"Thời đó chưa có điện, nhà nào cũng bật đèn dầu, mày mò từng sợi dây chuối mà đan. Ở đồng ruộng, muỗi rất nhiều, muốn đánh võng yên, người ta phải đốt vỏ dừa xua muỗi. Hình ảnh đó, mùi hương đó rất đặc trưng, không dễ gì quên được", bà Xiếu bồi hồi.
Nghề đánh võng chuối rất cực, phải rọc sóng chuối ra từng sợi nhỏ bằng nhau để thắt lại thành cọng; rồi lấy các cọng đó kết lại với nhau. Để có chiếc võng đẹp, cần đôi tay khéo léo và biết cách lựa chọn vật liệu. Theo kinh nghiệm của bà Xiếu, tốt nhất là lựa chuối xiêm chưa trổ buồng. Cắt tàu chuối khô vào buổi nắng, tuyệt đối tránh mưa để không bị bở, mục. Phần khó nhất là thắt hai đầu võng, vì cần nhiều kỹ năng và sức lực để bẻ thành vòng. Làm đúng thì một chiếc võng có thể sử dụng được 2 năm.
Bà Xiếu và con gái tái hiện cảnh đốt đèn dầu, đánh võng chuối ban đêm - THANH DUY
Truyền nghề cho người trẻ
Mất hút một thời gian dài, vài năm gần đây, chiếc võng chuối xuất hiện trở lại tại điểm du lịch cộng đồng cồn Sơn (P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ).
Chị Lê Thị Bé Bảy (40 tuổi, con bà Xiếu) cho biết chiếc võng chuối được khách du lịch dành nhiều sự quan tâm, gồm cả khách Việt và quốc tế. Có người thích thú làm thử vài công đoạn, có người nán lại để nghe bà Xiếu kể cặn kẽ về nguồn gốc chiếc võng "huyền thoại". Chị Bảy phấn khởi nói: "Không thể ngờ rằng sản phẩm này còn có thể bán được. Khách du lịch mua về làm kỷ niệm, cũng có các khu resort đặt mua. Mỗi tháng mẹ tôi bán được khoảng 20 chiếc, qua đó có thu nhập ổn định. Khách hỏi về chiếc võng, mẹ tôi tận chỉ dẫn, hào hứng chia sẻ lại câu chuyện của mình".
Nhận được nhiều ủng hộ, bà Xiếu lấy đó làm động lực để tiếp tục tái hiện việc đánh võng tại cồn Sơn - THANH DUY
Theo bà Xiếu, về độ bền thì võng chuối không thể so sánh được với những chiếc võng "thời thượng" bây giờ, nhưng nó khiến nhiều người trân quý và có cảm xúc mỗi khi ngã lưng. Vì vậy, dù tuổi cao, bà vẫn lấy đó làm niềm vui, động lực để tiếp tục đánh võng.
Hiện, cồn Sơn có dịch vụ lưu trú ban đêm, Khi khách đến, bà Xiếu tắt đèn điện, đốt đèn, ngồi đánh võng như ngày xưa. Các bạn trẻ ở đây cũng được bà chỉ nghề để khi tre già thì măng mọc. Ước mơ của bà là về sau, du khách đến cồn Sơn vẫn được nhìn thấy và trải nghiệm nghề muôn năm cũ.
Du khách quốc tế xem, trải nghiệm cách đánh võng chuối - THANH DUY
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (36 tuổi, du khách đến từ Hậu Giang) cho biết anh cũng từng nghe mẹ kể về chiếc võng chuối, nhưng khi đến đây mới có thể thấy tận mắt. Nhờ vậy, anh hiểu hơn về cuộc sống của thế hệ ông bà, cha mẹ mình. "Việc xuất hiện chiếc võng chuối rất phù hợp với không gian du lịch dân dã, thôn quê ở cồn Sơn. Nó gợi lên những kỷ niệm khó tả. Tôi mong bà Xiếu có sức khỏe thật tốt để truyền nghề cho thế hệ trẻ ở cồn Sơn để nghề xưa không bị lãng quên theo thời gian", anh Hùng bày tỏ.
Nguồn: Báo Thanh Niên