Ðồng chí Châu Văn Liêm sinh ngày 29-6-1902, tại làng Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ). Khi còn thơ ấu, ông được ông nội là Châu Văn Trình và cha là Châu Khắc Chấn dạy chữ Nho; sau được một thầy đồ ở Quảng Ngãi vào dạy chữ Nho và nghề thuốc Bắc. Năm lên 10 tuổi, ông bắt đầu học chữ quốc ngữ. Học xong sơ học yếu lược ở quê nhà, ông được cha mẹ cho ra trường nội trú Cần Thơ (về sau được đổi tên là Collège de CanTho, Trường Trung học Phan Thanh Giản và nay là Trường THPT Châu Văn Liêm) học tiếp, cùng thời với các đồng chí Lê Văn Sô, Trần Ngọc Quế.
Sau khi đậu bằng thành chung (Diplôme), ngày 3-7-1922, Châu Văn Liêm vào học Trường Sư phạm Ðông Dương ở Sài Gòn. Ở đây, ông tự trau dồi, theo dõi tình hình trong và ngoài nước thông qua việc đọc sách báo tiến bộ lưu hành công khai hay bí mật. Ông thích nhất là các bài viết của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trên các báo "Người cùng khổ", "Thanh niên". Các tác phẩm này đã mở cho ông tầm nhìn rộng lớn về con đường cách mạng và đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông còn thường xuyên bày tỏ quan điểm cá nhân với những thanh niên yêu nước như Nguyễn An Ninh, Phạm Quang Quới về một xã hội tốt đẹp, muốn được góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống quý báu.
Năm 1924, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Ðông Dương, ông được chuyển về dạy học ở tỉnh Long Xuyên. Sau khi dạy học ở Trường Tiểu học Long Xuyên được một năm, đầu năm học 1926-1927, thầy giáo Châu Văn Liêm chuyển về trường Long Ðiền, quận Chợ Thủ (nay thuộc tỉnh An Giang). Tại đây, thầy giáo Châu Văn Liêm dùng những kiến thức về đường lối cách mạng lồng vào các bài giảng văn hóa. Thầy còn gần gũi với học sinh và nhân dân, tuyên truyền tội ác của thực dân Pháp và bọn tay sai, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất chống áp bức bóc lột, ngoại xâm, của dân tộc. Thầy thường xuyên đọc cho học trò nghe một số bài thơ kêu gọi lòng yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường của tuổi trẻ, hoặc tố cáo và lên án cảnh bắt lính viễn chinh làm bia đỡ đạn thay cho bọn thực dân Pháp trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) như :
"Tàu Tây ống khói bằng đồng,
Trách ai cưỡng bức bắt chồng tôi đi.
Ðau lòng những nổi xiết chi,
Ngày đi thì có, ngày về thì không."
Không những thế, thầy còn làm thơ tự hào dân tộc có văn hiến lâu đời:
"Sông Nhị, núi Nùng,
Nước bốn nghìn năm văn hiến.
Con thần cháu thánh,
Dân hai mươi triệu đồng bào."
Hay mỉa mai cảnh mê tín dị đoan của bọn quan chức trong làng:
"Nực cười lũ dạy lạy heo quay,
Cũng gọi rằng mình cúng đất đai.
Ðèn sáp, lư hương trưng dãy trước,
Khăn đen, áo rộng bủa hàng hai.
Lễ sanh, nhạc xướng quỳ "hâng", "bái",
Hương chức khoanh tay lạy mọp dài.
Có phải thần tiên về đấy nhỉ?
Hay là lạy ấy, lạy… heo quay?"
Ðồng thời, chính thầy là người đã vận động hợp nhất hai đội banh Mỹ Luông và Long Ðiền tạo sự đoàn kết cho bà con hai xã, không để bọn thực dân chia rẽ, lợi dụng. Rõ ràng, thầy Châu Văn Liêm là một trong số những chiến sĩ cách mạng biết dùng văn chương làm vũ khí để biểu đạt tư tưởng, truyền bá lý tưởng,"khêu gợi, giáo dục niềm tự hào dân tộc cho đồng bào, đồng chí mình, nhất là thế hệ trẻ" (theo "Châu Văn Liêm, cuộc đời và sự nghiệp", Vũ Lân - Phương Hạnh, NXB Chính trị Quốc gia, Tỉnh ủy Cần Thơ, 1995).
Tháng 6-1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, cơ quan cao nhất của Hội là Tổng bộ đặt tại Quảng Châu. Báo Thanh niên và sách "Ðường Kách mệnh" trang bị lý luận, là tài liệu tuyên truyền đến nhân dân. Năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức phong trào "Vô sản hóa" đưa hội viên thâm nhập vào các hầm mỏ, nhà máy, đồn điền... Hội đã xây dựng tổ chức cơ sở ở khắp cả nước và năm 1929 có khoảng 1.700 hội viên. Tháng 8-1927, Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cử ông Nguyễn Ngọc Ba về tỉnh Long Xuyên hoạt động, tìm cách liên lạc thầy Châu Văn Liêm cùng các thanh niên yêu nước cùng chí hướng. Ðến cuối năm 1927, thầy cùng với đồng chí Ung Văn Khiêm kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ðây là hai hội viên của Hội sớm nhất của tỉnh Long Xuyên - Châu Ðốc. Ngay sau đó, thầy được cử phụ trách Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên của Long Xuyên gồm 3 đồng chí: Châu Văn Liêm, Bùi Trung Phẩm và Lâm Văn Cẩn. Ðến tháng 2-1928, thầy giáo Châu Văn Liêm được cử làm Bí thư Tỉnh bộ của Hội ở tỉnh Long Xuyên. Với việc tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, sau đó trở thành Bí thư Tỉnh bộ, thầy giáo Châu Văn Liêm đã trở thành một nhà hoạt động chính trị trong phong trào cách mạng yêu nước ở Việt Nam cuối những năm 1920.
Tháng 2-1929, Kỳ bộ Thanh niên Nam Kỳ mới được lập lại do đồng chí Phạm Văn Ðồng làm Bí thư. Tháng 3-1929, đồng chí Châu Văn Liêm được bổ sung vào Ban Thường vụ của Kỳ bộ Thanh niên Nam Kỳ, sau đó được cử đi dự Ðại hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Hương Cảng (Trung Quốc). Sau 5 tháng hoạt động ở nước ngoài, ông cùng các đồng chí trở về nước triệu tập những hội viên tích cực nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở các tỉnh về Sài Gòn. Ngày 7-8-1929, hội nghị gồm khoảng 30 đại biểu dưới sự chủ trì của đồng chí Châu Văn Liêm chính thức tuyên bố cải tổ một bộ phận tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để thành lập Ðảng mới - An Nam Cộng sản Ðảng. Với sự kiện này, đồng chí Châu Văn Liêm thật sự trở thành người lãnh đạo cao nhất của tổ chức Ðảng Cộng sản ở Nam Kỳ. Từ Kỳ bộ Nam Kỳ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đến An Nam Cộng sản Ðảng, đồng chí Châu Văn Liêm được lịch sử ghi nhận là người sáng lập ra một trong ba tổ chức tiền thân của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðây là đóng góp quan trọng của ông trên con đường vận động thành lập Ðảng.
Ngày 1-1-1930, Ðông Dương cộng sản liên đoàn được thành lập, hoạt động ở Trung kỳ. Như vậy, đã có ba tổ chức cộng sản hoạt động riêng rẽ, chứng tỏ điều kiện cho sự thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam đã chín muồi. Ðồng chí Châu Văn Liêm luôn cố gắng tìm kiếm cơ hội để thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành một chính đảng duy nhất lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Trong lúc đó, ông được giấy triệu tập của đồng chí Vương (tức Nguyễn Ái Quốc) từ Hương Cảng (Trung Quốc) gửi về, mời đại diện các tổ chức cộng sản đi dự hội nghị thống nhất Ðảng. Ðồng chí và Nguyễn Thiệu cấp tốc rời Sài Gòn lên đường sang đúng điểm hẹn.
Hội nghị do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, diễn ra tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) bắt đầu từ ngày 6-1 đến 8-2-1930. Dự hội nghị có đồng chí Trịnh Ðình Cửu và Nguyễn Ðức Cảnh là đại biểu của Ðông Dương Cộng sản Ðảng; đồng chí Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu là đại biểu của An Nam Cộng sản Ðảng; đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu là lãnh đạo ở hải ngoại và đồng chí Vương. Hội nghị nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất, lấy tên là Ðảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua Chính cương, Sách lược vắn tắt (Cương lĩnh chính trị đầu tiên) do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Như vậy, đồng chí Châu Văn Liêm là một trong những thành viên sáng lập đầu tiên của Ðảng. Những hoạt động thực tiễn của ông và các đồng chí trong An Nam Cộng sản Ðảng đã góp phần quan trọng vào quá trình thành lập chính đảng duy nhất, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước.
Ðầu tháng 3-1930, sau khi làm xong nhiệm vụ hợp nhất tổ chức Ðảng Cộng sản ở Nam Kỳ, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định cử đồng chí Nguyễn Thiệu làm Bí thư Liên tỉnh ủy Mỹ Tho - Bến Tre - Cà Mau, còn đồng chí Châu Văn Liêm làm Bí thư Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn - Gia Ðịnh, nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy do đại diện Ðông Dương Cộng sản Ðảng là đồng chí Ngô Gia Tự đảm nhận. Việc đồng chí Châu Văn Liêm nhận nhiệm vụ Bí thư Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn - Gia Ðịnh đã để lại cho muôn đời sau hình ảnh trong sáng như gương về một chiến sĩ cộng sản suốt đời chiến đấu chỉ nhằm một mục đích duy nhất là vì lợi ích của Ðảng, của dân, không màng địa vị cá nhân, không hẹp hòi, không phân biệt Bắc, Nam (theo "Châu Văn Liêm, cuộc đời và sự nghiệp", sđd).
Vào ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930, để chào mừng Ðảng Cộng sản Việt Nam thành lập, nhân dân cả nước đấu tranh đòi thi hành nhiều chính sách tiến bộ cho từng giai cấp. Ở Chợ Lớn, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Châu Văn Liêm và Tỉnh ủy, các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ, đặc biệt là cuộc đấu tranh của nhân dân quận Ðức Hòa nổ ra ngày 4-6-1930. Từ bốn hướng: Hựu Thành, Bình Tả, Hòa Khánh và Mỹ Hạnh với đội ngũ chỉnh tề kéo đến dinh quận trưởng. Những người đi đầu giương cao búa liềm, vừa đi vừa hô to các yêu sách. Tên quận trưởng vừa cho người lên tỉnh xin tiếp viện, vừa tìm cách hòa hoãn yêu cầu đoàn biểu tình nói rõ các yêu sách. Ðồng chí Châu Văn Liêm ra khỏi hàng, bước tới đối mặt với tên quận trưởng, vừa nói rõ yêu sách vừa cổ vũ đoàn biểu tình đồng thanh hô vang các khẩu hiệu và buộc tên quận trưởng chấp nhận yêu sách (theo "Những viên ngọc quý", tập 1, Phòng Nghiên cứu Lịch sử Ðảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cần Thơ, 1995). Trong lúc đó, bọn lính tỉnh và quận được điều tới dàn hàng ngang và chĩa nòng súng vào đoàn người biểu tình. Tên cảnh sát Ðờ-rơi (Dreuil) thuộc Sở Cảnh sát Sài Gòn đã ra lệnh nổ súng vào đoàn biểu tình và trong đó có đồng chí Châu Văn Liêm. Ðồng chí ngã xuống khi mới 28 tuổi, đã để lại cho toàn Ðảng và nhân dân mất mát to lớn và niềm tiếc thương vô hạn.
Ðồng chí Châu Văn Liêm là người con ưu tú của quê hương Cần Thơ giàu truyền thống, đã hiến dâng trọn đời mình và có những đóng góp to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng nước ta, đặc biệt là trong giai đoạn bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.
Nguồn: Báo Cần Thơ